Vũ Đức 8 giờ trước
Người theo dõi

Mỹ có chậm chân trong cuộc đua 'luật hóa' tiền số? Giải mã 2 dự luật stablecoin xứ cờ hoa đang xúc tiến

Trong bối cảnh thị trường stablecoin đã phát triển mạnh nhưng “phần lớn nằm ngoài nước Mỹ”, hai dự luật STABLE Act và GENIUS Act - được xây dựng nhằm hiện hóa tham vọng "đưa cuộc chơi về sân nhà" của chính quyền Trump. 

Mới đây nhất, GENIUS Act - dự luật Thượng viên Mỹ soạn thảo - đã không vượt qua được phê duyệt - làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ chậm chân trong cuộc đua thiết lập khung pháp lý cho tài sản số. 

Bộ Trưởng Tài chính Scott Bessent thẳng thắn bình luận Thượng viện Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội dẫn đầu toàn cầu về stablecoin - loại tiền số được coi như quân bài gia cố vị thế của đồng USD. 

Bộ Trưởng Tài chính Scott Bessent lo sợ Mỹ sẽ chậm chân trong cuộc đua tiền số (Nguồn: X)

Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu rõ về 2 dự luật stablecoin mà Mỹ đang xúc tiến, nguyên nhân khiến vị Bộ trưởng Bessent lo ngại Mỹ sẽ đi tụt lại trong cuộc đua 'luật hóa' ngành crypto, nhất là khi châu Âu đã triển khai thành công quy định MiCA

STABLE Act là gì?

STABLE Act (Stablecoin Transparency and Accountability for a Better Ledger Economy) - dự luật stablecoin được đề xuất bởi hai thành viên Hạ viện là French Hill và Bryan Steil - tập trung vào việc giám sát chặt chẽ stablecoin thanh toán (đồng tiền mã hóa neo giá vào USD).

Dự luật được soạn thảo với sự hỗ trợ từ Tether - đơn vị phát hành stablecoin lớn nhất thế giới. Nghị sĩ Hill nhấn mạnh dự luật nhằm làm rõ quy tắc cho stablecoin thanh toán, tiếp nối nỗ lực của chính quyền Trump trong việc đưa stablecoin về thị trường nội địa, củng cố vai trò thống trị toàn cầu của đồng USD.

📌   Các điểm nổi bật của dự luật STABLE Act:

🔸Giới hạn phát hành: Chỉ các tổ chức lưu ký được bảo hiểm và tổ chức phi ngân hàng được liên bang chấp thuận mới có quyền phát hành.

🔸Dự trữ 1:1: Stablecoin phải được đảm bảo hoàn toàn bởi tài sản thanh khoản như tiền pháp định, trái phiếu kho bạc ngắn hạn của Mỹ.

🔸Minh bạch: Công khai chi tiết dự trữ hàng tháng, và được kiểm toán đầy đủ. Nếu báo cáo sai lệch, tổ chức có thể bị phạt tới 5 triệu USD hoặc 20 năm tù giam.

🔸Bảo vệ người tiêu dùng: Quỹ dự trữ phải được tách biệt với vốn kinh doanh, đảm bảo người dùng được hoàn vốn ngay cả khi tổ chức phát hành phá sản.

🔸Cấm stablecoin thuật toán: Tạm thời cấm phát hành stablecoin được thế chấp bằng tài sản kỹ thuật số tự phát hành trong 2 năm.

🔸Tuân thủ AML: Các tổ chức phát hành phải tuân thủ Đạo luật Bảo mật Ngân hàng (Bank Secrecy Act), bao gồm thẩm định khách hàng và báo cáo giao dịch đáng ngờ.

🔸Giám sát và thực thi: Cơ quan liên bang có quyền điều tra, tạm đình chỉ hoạt động và phạt tới 100.000 USD/ngày nếu vi phạm.

GENIUS Act là gì?

GENIUS Act (Guiding and Establishing National Innovation for US Stablecoins) do các thượng nghị sĩ Bill Hagerty, Tim Scott, Kirsten Gillibrand và Cynthia Lummis đề xuất, hướng đến việc thúc đẩy đổi mới trong hệ sinh thái stablecoin.

GENIUS Act áp đặt các quy định nghiêm ngặt như tăng cường biện pháp chống rửa tiền (AML), tiêu chuẩn dự trữ và thanh khoản, cùng kiểm tra tuân thủ lệnh trừng phạt.

📌 Các điểm nổi bật của dự luật GENIUS Act:

🔸Cấp phép và giám sát: Tổ chức phát hành với giá trị thị trường trên 10 tỷ USD phải đăng ký cấp liên bang. Tổ chức nhỏ hơn có thể đăng ký cấp bang. Mục đích của điều khoản này là để giám sát chặt chẽ các đơn vị phát hành đồng thời cung cấp cho họ sự linh hoạt để đổi mới.

🔸Dự trữ 1:1: Đảm bảo bằng tài sản thanh khoản chất lượng cao (tiền mặt, trái phiếu chính phủ Mỹ).

🔸Minh bạch: Công khai dữ liệu dự trữ hàng tháng, được kiểm toán đầy đủ.

🔸Phòng chống rửa tiền: Định danh tổ chức phát hành là tổ chức tài chính, phải tuân thủ quy định AML.

🔸Tính rõ ràng về mặt quy định: Dự luật nêu rõ rằng stablecoin thanh toán không phải là chứng khoán, hàng hóa hoặc công ty đầu tư theo luật liên bang. Dự luật làm rõ vị thế pháp lý của stablecoin. 

Sự khác biệt chính giữa Dự luật STABLE và GENIUS

Cả hai đề xuất lập pháp – Dự luật STABLE Act và Dự luật GENIUS Act – đều đưa ra các cách tiếp cận khác nhau để quản lý stablecoin thanh toán.

Sự khác biệt chính giữa Dự luật STABLE và GENIUS (Nguồn: DFF.VN tổng hợp)

Tác động của hai dự luật đến thị trường stablecoin tại Mỹ

STABLE Act đặt ra khung giám sát liên bang nghiêm ngặt đối với các stablecoin neo giá USD như USDC, Tether USDt và PayPal USD. Mặc dù quy định này tăng cường bảo vệ người tiêu dùng và củng cố niềm tin, nhưng nó cũng tạo ra chi phí tuân thủ đáng kể, có thể gây bất lợi cho các nhà phát hành nhỏ.

Ngược lại, các tổ chức lớn như Circle và PayPal có thể hưởng lợi từ tính rõ ràng và hợp pháp mà STABLE Act mang lại. Về lâu dài, dự luật này có thể thúc đẩy sự chấp nhận rộng rãi hơn và tích hợp với hệ thống tài chính truyền thống.

GENIUS Act lại đưa ra một cách tiếp cận kép về quản lý, cho phép các nhà phát hành stablecoin chọn giữa giám sát cấp bang hoặc liên bang. Điều này có thể khuyến khích đổi mới và thu hút nhiều người chơi mới vào thị trường.

Bên cạnh đó, dự luật do Thượng viện soạn thảo cũng đề xuất nghiên cứu về các stablecoin thuật toán, cho thấy sự thận trọng khi tiếp cận các tài sản kỹ thuật số phức tạp.

Mặc dù cả hai dự luật đều nhắm tới mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo sự ổn định tài chính, chúng cũng tạo ra gánh nặng pháp lý có thể kìm hãm sự đổi mới.

Các yêu cầu khắt khe của STABLE Act có thể hạn chế khả năng linh hoạt của các dự án stablecoin, trong khi cách tiếp cận cởi mở hơn của GENIUS Act có thể thúc đẩy tăng trưởng nhưng cũng tiềm ẩn lo ngại về giám sát chưa đủ chặt chẽ.

So sánh với Quy định MiCA của EU

Cả STABLE Act, GENIUS Act và quy định Markets in Crypto-Assets (MiCA) của EU đều nhằm mục tiêu đưa ra quy định rõ ràng cho thị trường stablecoin. Tuy nhiên, chúng khác nhau về phạm vi, cách thực thi và triết lý quản lý.

Sự khác biệt chính giữa 2 dự luật stablecoin của Mỹ và Quy định MiCA (Nguồn: DFF.VN tổng hợp)

STABLE Act áp dụng cách tiếp cận nghiêm ngặt, lấy ngân hàng làm trung tâm. Dự luật yêu cầu các nhà phát hành stablecoin phải có giấy phép ngân hàng liên bang, duy trì dự trữ được bảo hiểm bởi Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) và được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (SEC) phê duyệt. Trọng tâm chính là bảo vệ người tiêu dùng và sự ổn định tài chính.

GENIUS Act lại linh hoạt hơn, cho phép cấp phép từ cả cấp bang và liên bang, với mục tiêu khuyến khích đổi mới nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu về dự trữ và minh bạch.

Trong khi đó, MiCA của EU mang đến một khung pháp lý toàn diện cho tất cả các tài sản tiền mã hóa, bao gồm cả stablecoin. MiCA yêu cầu các nhà phát hành phải duy trì dự trữ vốn, tuân thủ các quy tắc minh bạch và đăng ký với các cơ quan quản lý EU.

Không như STABLE Act, MiCA không yêu cầu giấy phép ngân hàng đầy đủ, tạo ra sự cân bằng giữa hai đạo luật của Mỹ.

Nhìn chung, phạm vi toàn châu Âu của MiCA và các mốc thời gian tuân thủ rõ ràng mang đến một con đường thống nhất cho các công ty tiền mã hóa tại EU, trong khi luật pháp của Mỹ vẫn còn rời rạc.

GENIUS Act có sự tương đồng với MiCA về tính linh hoạt, trong khi STABLE Act phản ánh lập trường bảo thủ hơn, tập trung vào giảm thiểu rủi ro./. 

Chia sẻ
Báo cáo
Vũ Đức Người dùng
Tài chính Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên