Có ý kiến cho rằng, việc ông Donald Trump ký sắc lệnh cấm phát hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) sẽ để lại ‘khoảng trống’ lớn trong hệ thống tài chính toàn cầu - nơi 'tiếng nói' của Trung Quốc ngày càng có trọng lượng. Nhưng...
Tổng thống Trump ký cả trăm sắc lệnh hành pháp trong tuần đầu tiên nhậm chức (Ảnh: Getty Images)
Sắc lệnh hành pháp số 14178 được ông chủ Nhà Trắng ký hôm 23/1 có tiêu đề: Strengthening American leadership in Digital Fiancial Technology (tạm dịch: Tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ tài chính kỹ thuật số).
Sắc lệnh này nêu rõ: "Trừ trường hợp pháp luật yêu cầu, mọi kế hoạch hoặc sáng kiến đang diễn ra tại bất kỳ cơ quan nào liên quan đến việc thành lập, phát hành hoặc quảng bá CBDC trong phạm vi quyền hạn của Mỹ sẽ bị chấm dứt ngay lập tức và không được thực hiện thêm bất kỳ hành động nào để phát triển hoặc triển khai các kế hoạch hoặc sáng kiến đó".
Nó cũng đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực của vị Tổng thống Mỹ tiền nhiệm - ông Joe Biden - trong việc phát triển một loại CBDC do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát hành, hay còn được gọi là “đồng đô la kỹ thuật số” (digital dollar). Dự án CBDC này từng hứng chịu nhiều chỉ trích về quyền riêng tư, chủ quyền và sự ổn định tài chính của nền kinh tế Mỹ.

Trích đoạn một nội dung trong sắc lệnh 14178 của ông Trump (Nguồn: The White House)
Tất nhiên, cái gì cũng có giá của nó.
Tờ Reuters dẫn lời các nhà quan sát cho biết, sắc lệnh của ông Trump đã mở ra cơ hội lớn cho Trung Quốc và châu Âu biến các dự án CBDC của họ thành chuẩn mới cho hệ thống tài chính toàn cầu.
Trung Quốc đã sớm phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) và đưa vào giao dịch. Còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang gấp rút chuẩn bị cho sự ra mắt của đồng euro kỹ thuật số. Nga cũng không đứng ngoài cuộc khi tiến gần hơn đến việc bắt buộc sử dụng đồng ruble số trong thanh toán.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng sắc lệnh nêu trên của ông Trump thực chất là nhằm xoá bỏ cách tiếp cận của người tiền nhiệm, theo hướng đề cao vai trò của đồng USD - thực chất là nước Mỹ - hơn. Bởi lẽ, văn bản này cũng đề cập tới việc khuyến khích phát triển các đồng stablecoin ‘bản vị’ USD (legitimate dollar-backed stablecoin) trên toàn thế giới.
Stablecoin: Quân bài gia cố đồng USD nhưng cũng là thuốc chữa cho nợ công Mỹ?
Gần đây nhất, ông David Sacks – cố vấn hàng đầu trong lĩnh vực crypto của ông Trump - khẳng định stablecoin là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhà Trắng, bên cạnh Bitcoin và công nghệ blockchain.
Vị cố vấn khẳng định thị trường stablecoin đã phát triển mạnh nhưng “phần lớn nằm ngoài nước Mỹ”, và chính quyền Trump muốn “đưa cuộc chơi về sân nhà”.
Stablecoin đã trở thành một trụ cột quan trọng trong hệ sinh thái tiền mã hóa, với tổng giá trị thị trường hiện đạt 230 tỷ USD, theo CoinGecko. Đáng chú ý, các stablecoin neo theo đồng USD, điển hình như Tether (USDT) và USD Coin (USDC) đang “chiếm lĩnh” tới 97% thị trường.
Điều này đồng nghĩa, đồng bạc xanh không chỉ có sức ảnh hưởng lớn hệ thống tài chính truyền thống mà còn đang có ưu thế tốt trong không gian tiền kỹ thuật số.
Stablecoin dường như được xem như một phiên bản "USD kỹ thuật số", giúp gia tăng nhu cầu đối với đồng USD, đồng thời hỗ trợ thanh khoản cho trái phiếu kho bạc Mỹ. Với chiến lược này, Mỹ có thể duy trì nguồn tài chính dồi dào để kiểm soát lãi suất và hỗ trợ nền kinh tế.
Cointelegraph trích dẫn nhận định của luật sư David Lesperance: "Bất kỳ sáng kiến nào đe dọa vị thế của USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu, chính quyền Trump sẽ sẵn sàng ngăn chặn nó, đặc biệt là CBDC".
Vị luật sư cho rằng ông Trump có thể sử dụng các biện pháp ép EU và các nền kinh tế khác phải hạn chế hoặc cấm CBDC, tương tự cách ông từng đe dọa áp thuế quan để tạo lợi thế đàm phán với các quốc gia khác.
Trong khi đó, Tether – stablecoin lớn nhất hiện nay chiếm hơn 60% vốn hóa thị trường – đang phải đối mặt với các rào cản pháp lý từ châu Âu. Ngược lại, USD Coin (USDC) của Circle đang có lợi thế khi được công nhận tại nhiều nền kinh tế lớn như EU, Canada.
Giới quan sát nhận định, nếu chính quyền Trump muốn kiểm soát thị trường stablecoin, việc ưu tiên USDC và siết chặt quản lý với Tether có thể là kịch bản sắp tới.

Top 5 đồng stablecoin hàng đầu tính theo vốn hóa thị trường. (Nguồn:CoinGecko)
Trong kế hoạch ổn định thị trường, Thượng nghị sĩ Bill Hagerty đã trình dự luật mới nhằm xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng hơn. Trên thực tế, Circle’s USDC đã được phát hành hợp pháp tại Mỹ. USDC hiện là stablecoin lớn thứ hai, chiếm 24% tổng vốn hóa thị.
Trong khi đó, Tether (USDT) hiện đang bị xếp vào danh mục stablecoin không tuân thủ quy định MiCA của EU. Gần đây nhất, đồng tiền này đã bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch Crypto.com. Rất có thể, đồng tiền số này sẽ trở thành mục tiêu chính trong kế hoạch "đưa stablecoin về Mỹ" của chính quyền Trump.
CEO của Tether, ông Paolo Ardoino, từng tuyên bố rằng Tether đang nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ nhiều hơn cả Đức, và có vai trò quan trọng trong việc phân tán rủi ro nợ công Mỹ.
"Chúng tôi rất vui khi có thể phân tán quyền sở hữu nợ công Mỹ, giúp nền kinh tế Mỹ trở nên bền vững hơn", ông Ardoino nhấn mạnh.
CBDC - 'vũ khí' giúp các nước thoát khỏi phụ thuộc vào USD
Việc Mỹ đẩy mạnh stablecoin đã làm dấy lên nhiều lo ngại tại Liên minh châu Âu (EU) và các nền kinh tế lớn khác. Tại hội nghị ILF lần thứ 13 ở Frankfurt, ông Piero Cipollone - thành viên hội đồng quản trị ECB - nhấn mạnh rằng sự phụ thuộc quá mức vào stablecoin neo theo giá USD là một trong những lý do chính khiến EU phải tăng tốc phát triển đồng euro kỹ thuật số.
Theo đó, báo cáo của ông cho biết hơn 60% giao dịch thẻ tại châu Âu đang bị chi phối bởi các hệ thống thanh toán quốc tế.

Trích đoạn báo cáo của ông Piero Cipollone phát hành ngày 17/1/2025. (Nguồn: ECB)
Đáng chú ý, theo nghiên cứu mới đây của ARK Invest, giá trị giao dịch của stablecoin trên thị trường đã đạt 15.600 tỷ USD, vượt xa 2 gã khổng lồ thanh toán truyền thống là Visa và Mastercard.
Trước áp lực này, các quốc gia có hai lựa chọn: Hoặc đẩy nhanh việc triển khai CBDC để giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính Mỹ, hoặc chấp nhận stablecoin tư nhân như một phần không thể tách rời của nền kinh tế số.
EU đang nghiêng về phương án đầu tiên, khi liên tục kêu gọi xây dựng một đồng CBDC "cứng cáp" nhằm bảo đảm quyền tiếp cận của NHTW và duy trì vai trò của các ngân hàng châu Âu trong hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có cùng quan điểm với EU. Một số nền kinh tế mới nổi đang cân nhắc việc sử dụng stablecoin neo theo giá USD như một giải pháp tài chính linh hoạt, đặc biệt là trong bối cảnh đồng nội tệ của họ kém ổn định.
Bà Agne Linge - cựu CEO Binance - từng nhận định trong một cuộc thảo luận về Web3 rằng stablecoin đã trở thành một công cụ tài chính quan trọng tại các quốc gia như Argentina và Brazil – nơi mà người dân đang phải vật lộn với tình trạng lạm phát.
Tại các nền kinh tế mới nổi như Venezuela, công chúng cũng tìm cách bảo vệ đồng tiền của mình khi sử dụng Tether (USDT) để giao dịch, bà Linge chia sẻ.
Rõ ràng, chính quyền Trump đang đi một nước cờ táo bạo khi cấm CBDC trong nước nhưng thúc đẩy mạnh mẽ stablecoin trên phạm vi toàn cầu. Điều này không chỉ tác động đến thị trường tiền mã hóa mà còn có thể làm thay đổi cán cân quyền lực tài chính quốc tế.
Các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, EU và Nga, sẽ phải nhanh chóng đưa ra chiến lược đối phó nếu không muốn rơi vào tình trạng bị động trước một hệ thống tài chính mà Mỹ tiếp tục chi phối.
Câu hỏi đặt ra là: Với chính sách hiện tại, liệu stablecoin sẽ giúp duy trì sự thống trị của đồng USD, hay cuối cùng sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh mới, buộc các nền kinh tế khác phải tăng tốc phát triển CBDC như một đối trọng?
Nội dung liên quan
- Nga đẩy mạnh đồng ruble kỹ thuật số: Bắt buộc áp dụng từ năm 2025
- Thị trường stablecoin sắp trở nên phổ biến trong năm 2025
- “Kiến trúc sư trưởng” mảng pháp lý crypto của Nhà Trắng: Xây kho dự trữ Bitcoin là ưu tiên hàng đầu
- Stablecoin bứt phá: Giá trị giao dịch đạt 15.600 tỷ USD, vượt xa Visa và Mastercard
- Kiên định với chính sách '3-3-3', quân sư của ông Trump tuyên bố sẽ tập trung kiểm soát lợi suất trái phiếu, chưa động đến Fed