Thông tin 1Matrix xây dựng mạng lưới blockchain "make in Vietnam" đã đánh dấu một bước tiến mới trong hành trình 'luật hóa' tài sản số. Gần một thập kỷ, Việt Nam đã chuyển mình từ 'vùng xám pháp lý' sang giai đoạn thử nghiệm sandbox có kiểm soát, mở ra kỳ vọng hình thành khung luật vững chắc cho nền kinh tế số.

Việt Nam đã khẳng định vị thế là một trong những thị trường tiền mã hóa sôi động nhất toàn cầu, liên tục nằm trong top 5 của Chỉ số chấp nhận tiền mã hóa toàn cầu, theo báo cáo Chainalysis công bố.
Theo đó, hơn 21% người trưởng thành tại Việt Nam đã sở hữu hoặc từng sử dụng tiền mã hóa. Lượng tiền mã hóa đổ vào mỗi năm vượt mức 100 tỷ USD.
Người trẻ đang là lực lượng chính trên thị trường, tham gia thông qua nhiều kênh như các sàn giao dịch toàn cầu để giao dịch chủ động, sử dụng ví tự quản lý cho giao dịch ngang hàng (P2P), tài chính phi tập trung (DeFi), và lĩnh vực game tài chính (GameFi).
Khung pháp lý bởi thế cũng cần theo kịp với sự sôi động của thị trường. Năm 2025 - đánh dấu bước ngoặt lớn - Chính phủ Việt Nam bắt đầu thử nghiệm sandbox về tài sản số.
Dưới đây là hành trình 'luật hóa' tài sản số tại Việt Nam:

📌 Năm 2017: Cấm thanh toán bằng tiền mã hóa, hình thành vùng xám pháp lý
Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản số 5747/NHNN-PC, cấm sử dụng tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, việc sở hữu và giao dịch P2P vẫn nằm ngoài phạm vi điều chỉnh, tạo ra vùng xám pháp lý. Trong bối cảnh thiếu cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, rủi ro thị trường gia tăng nhanh chóng.
📌 Năm 2018 - năm 2021: Bủng nổ giao dịch, thiếu khung pháp lý rõ ràng
Giai đoạn này chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của hoạt động tiền mã hóa tại Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia giao dịch qua các sàn quốc tế như Binance và các nền tảng DeFi, song các vụ lừa đảo liên quan đến tiền mã hóa cũng gia tăng.
Các doanh nghiệp như Sky Mavis hay Kyber Network đã chuyển trụ sở sang Singapore, gây ra sự mất mát về nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ hội đầu tư.
📌 Năm 2022: Thành lập Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA)
Hiệp hội Blockchain Việt Nam được thành lập nhằm hỗ trợ phát triển công nghệ blockchain và xây dựng khung pháp lý. VBA đóng vai trò cầu nối giữa ngành và chính phủ, đồng thời thúc đẩy giáo dục và nâng cao nhận thức về blockchain.
Ông Phan Đức Trung hiện đang là Chủ tịch của Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Vị này đồng thời là Chủ tịch của Công ty cổ phần 1Matrix (1Matrix) - doanh nghiệp đảm nhiệm vai trò kiến tạo hạ tầng blockchain 'make in Vietnam'.
📌 Năm 2023: Việt Nam bị liệt vào danh sách xám của FATF
Do thiếu các quy định chống rửa tiền (AML) và quản lý tài sản kỹ thuật số, Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (FATF) đã xếp Việt Nam vào "danh sách xám" (grey list) vào năm 2023.
Điều này làm suy giảm uy tín kinh tế quốc gia, tạo sức ép lớn đối với chính phủ trong việc cải thiện khung pháp lý liên quan đến tiền mã hóa.
📌 Năm 2024: Việt Nam khẳng định vai trò của blockchain
Tháng 10/2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 1236/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược).
Văn bản này đánh dấu sự chuyển biến rõ ràng nhất của chính phủ về vai trò của blockchain trong tham vọng kinh tế số.
📌 Năm 2025: Việt Nam khẳng định vai trò của blockchain
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước xây dựng khuôn khổ quản lý tài sản kỹ thuật số toàn diện thông qua Chỉ thị 05/CT-TTg.
Theo đó, Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với CEO Bybit Benzhou. Trong buổi gặp mặt này, ông Benzhou bày tỏ thiện chí muốn đầu tư, tham gia vận hành sàn tiền số tại Việt Nam.
Dù vậy, quá trình xây dựng luật có thể gặp chậm trễ do sự phối hợp phức tạp giữa các bộ ngành. Sandbox chính thức sẽ được triển khai vào giữa năm 2026, đánh dấu sự chuyển dịch từ vùng xám pháp lý sang giai đoạn thử nghiệm có kiểm soát.
Sandbox tập trung thử nghiệm các quy trình tuân thủ pháp luật như AML/KYC, quản lý stablecoin và xây dựng hạ tầng pháp lý an toàn cho giao dịch tài sản số. Đây được coi là bước đi đầu tiên để hợp pháp hóa giao dịch tiền mã hóa trong môi trường có kiểm soát./.