Tiết lộ của nhân viên phát triển thị trường (BD - Business Development) làm việc cho một sàn giao dịch tiền số phần nào cho thấy dòng tiền khổng lồ đang vận động trên thị trường tài sản mã hoá tại Việt Nam.

Thông tin này được ông Trần Huyền Dinh - Chủ nhiệm Uỷ ban ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) - chia sẻ tại buổi hội thảo hôm 27/3. Ông kể: "Cách đây 1 tháng, tôi có nói chuyện với một sàn không tiện nêu tên. Họ giao 6 nhân viên phát triển thị trường tại Việt Nam mỗi người huy động 15 tỷ USD trong một quý".
Đáng nói, nhân viên phát triển thị trường (BD - Business Development) lại tiết lộ với vị sếp VBA rằng, con số KPI 15 tỷ USD nêu trên "không quá nặng nề". "Điều này đồng nghĩa, lượng tiền thực tế trên các sàn giao dịch tại thị trường Việt Nam còn cao hơn rất nhiều", vị chuyên gia nói.
Tại Việt Nam, các sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung (CEX) đang hoạt động trong vùng xám, do chưa có quy định cấm hoặc là không cấm với hoạt động này.
Theo sếp VBA, hiện chưa có hệ thống giám sát giao dịch cũng như tuân thủ KYC (Know Your Customer, tạm dịch: Định danh khách hàng) và AML (Anti Money Laundering, tạm dịch: Phòng chống rửa tiền) tại Việt Nam. Đây là lý do Việt Nam bị liệt vào "danh sách xám" của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) vào năm 2023, cùng với đó là sự nở rộ của các hình thức lừa đảo trên thị trường tiền số.
"Hầu hết các sàn giao dịch không có pháp nhân hay trụ sở tại Việt Nam. Nếu có, chỉ là những công ty công nghệ - gia công những sản phẩm công nghệ cho các sàn", ông Dinh cho hay.
Đáng chú ý, có hơn 20 sàn giao dịch tập trung ở thị trường Việt Nam, chủ yếu là các sàn quốc tế, bao gồm: Binance, MEXC Global, Huobi Global, Bitget, BingX, OKX, Gate.io, Bybit, CoinEx, Kucoin….
"Họ tập hợp người dùng thông qua các nhóm cộng đồng, bao gồm cả online và offline. Có những nhóm lên tới vài trăm nghìn người", vị chuyên gia thông tin.
Ông cũng cho biết thêm, các sàn công khai quảng bá và thuê KOLs để thu hút người dùng Việt. Rất nhiều sàn còn đến trực tiếp những trường đại học để tổ chức các buổi hội thảo, nhằm thu hút được người dùng tạo tài khoản giao dịch trên sàn nhiều nhất có thể.

Ông Trần Huyền Dinh trình bày tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quản lý và vận hành các sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung sáng 27/3.
Các nước đang quản lý sàn tiền số như thế nào?
Tại buổi hội thảo, ông Dinh nhấn mạnh việc học hỏi các mô hình quản lý của 3 quốc gia có nhiều điểm tương đồng nhất với thị trường Việt Nam, bao gồm: Singapore, Thái Lan và Hong Kong.
Theo đó, các sàn giao dịch tiền số tập trung của Thái Lan được quản lý bởi Ủy ban chứng khoán và giao dịch Thái Lan (SEC), phối hợp cùng Bộ Tài chính. Trong thời gian đầu, quốc gia này siết chặt thử nghiệm với 9 sàn giao dịch nội địa, chỉ vài token được niêm yết, khối lượng giao dịch khá thấp.
"Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại Thái Lan đang có 3 sàn nội địa và 4 sàn quốc tế, trong đó có 2 sàn đã bị tịch thu giấy phép do hoạt động không phù hợp với luật của Thái Lan. Khối lượng giao dịch lến tới 50 tỷ USD trong năm 2024", ông Dinh nói.

Tiêu chuẩn cấp phép sàn CEX tại Thái Lan
Đối với Hong Kong - cửa ngõ ra thế giới của Trung Quốc, Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai (SFC) là đơn vị cấp phép và quản lý. Quốc gia này yêu cầu tối thiểu 2 nhận sự cấp cao được SFC phê duyệt đối với đơn vị xin giấy phép vận hành sàn giao dịch.
Hiện có 10 sàn CEX được cấp phép tại quốc gia này, với khối lượng giao dịch từ 30-40 triệu USD/ngày.

Tiêu chuẩn cấp phép sàn CEX tại Hong Kong
Trong khi đó, Singapore lại tập trung vào việc cấp phép các dịch vụ thanh toán. Mục tiêu của họ là đổi mới công nghệ với vai trò là trung tâm tài chính, tìm cách thu hút các công ty hoặc nhà đầu tư nước ngoài.
Bởi vậy, Singapore có những chính sách khá cởi mở trong việc cho các sàn CEX được thành lập, trở thành "cứ điểm" của các sàn lớn như Coinbase, Crypto.com, OKX.
Để được hoạt động, sàn giao dịch trên cần xin giấy phép Major Payment Institution (MPI) với hoạt động DPT (Digital Payment Token).

Tiêu chuẩn cấp phép sàn CEX tại Singapore
Tổng kết lại, ông Dinh dẫn một trang chiếu trình bày bảng so sánh tiêu chí tuân thủ giữa một số quốc gia. Trong đó, các doanh nghiệp tư nhân thường chú trọng tới 2 vấn đề, bao gồm: Chi phí tuân thủ và bảo vệ tài sản cho người dùng.
Vị chuyên gia lấy dẫn chứng về luật MiCA tại châu Âu, theo đó, các công ty cần có những nhân sự có quốc tịch châu Âu, có bằng cấp liên quan về phòng chống rửa tiền (AML), làm tăng chi phí tuân thủ do mức lương chi trả từ 7.000 - 10.000 euro/tháng.
Về bảo vệ tài sản, các quy định của MiCA yêu cầu các sàn giao dịch phải có lượng tài sản bảo vệ nhất định cho nhà đầu tư, dẫn đến Tether (USDT) phải rút khỏi thị trường châu Âu./.