Đại diện Bộ Công an đề xuất xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu phát hiện có liên quan đến hoạt động tài trợ khủng bố hoặc rửa tiền. Còn sếp TCBS khuyến nghị nên lựa chọn các đồng tiền số có tính thanh khoản cao, được chấp thuận rộng rãi, trong giai đoạn đầu vận hành sàn giao dịch tiền số tại Việt Nam.
Các quan điểm trên được nêu tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung” do Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức hôm nay (27/3).

Phiên thảo luận tại Hội thảo chuyên đề “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài sản mã hoá tập trung” (Ảnh: VBA)
Bà Đoàn Mai Hạnh - Giám đốc cao cấp Kinh doanh và Tự doanh CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) - cho rằng, trong giai đoạn đầu, sàn giao dịch tiền số tại Việt Nam nên “giới hạn” số lượng các đồng tiền được niêm yết, tập trung vào các token có vốn hoá cao, thanh khoản cao, được công nhận ở nhiều nền kinh tế trên thế giới.
Đại diện TCBS cũng thể hiện quan điểm tích cực với xu hướng token hoá các tài sản thực, trong đó, “chứng khoán được mã hoá nên là sản phẩm thí điểm đầu tiên”.
Lý giải về quan điểm này, bà Hạnh cho biết, chứng khoán được mã hóa có nhiều điểm tương đồng với các sản phẩm trong tài chính truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ,... Bên cạnh đó, so với chứng khoán truyền thống, chứng khoán được mã hoá sẽ có lợi thế hơn do được “chia nhỏ”, giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ dễ tiếp cận.
Theo tìm hiểu của người viết, việc token hoá tài sản thực đang nở rộ trên thế giới, bao gồm các lĩnh vực như: tiền mặt, trái phiếu, quỹ ETF và khoản vay. Theo McKinsey, vốn hóa thị trường của chứng khoán token hóa có thể đạt khoảng 2.000 tỷ USD vào năm 2030.

Token hóa tài sản thực trở thành xu hướng mới trong tài chính số (Nguồn: rwa.xyz)
Việt Nam có 17 triệu người sở hữu tài sản ảo, 20 sàn giao dịch tiền số hoạt động ngầm
Gọi các giao dịch tài sản mã hoá là “nền kinh tế xám”, ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) - tiết lộ một chi tiết đáng chú ý: Dòng vốn chảy vào thị trường tìa sản mã hoá Việt Nam mỗi năm lên tới hàng trăm tỷ USD. Bên cạnh đó, có hơn 1 triệu ví điện tử được người Việt sử dụng trên thị trường giao dịch tài sản ảo, tài sản mã hoá.
Bởi vậy, vị Chủ tịch VBA cho rằng việc lập các sàn giao dịch tài sản ảo, tài sản mã hóa để phát triển một nền tài chính lành mạnh, bền vững là rất cần thiết.
Ông Trần Huyền Dinh - Chủ nhiệm ủy ban Ứng dụng Fintech, VBA - cho hay, Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về giao dịch tài sản ảo, tài sản mã hoá, với quy mô thị trường khoảng 105 tỷ USD và khoảng 17 triệu người Việt đang sở hữu tài sản ảo, tài sản mã hoá.
Đáng chú ý, vị chuyên gia này cũng cho biết hiện có khoảng 20 sàn giao dịch tài sản mã hoá, tài sản ảo tập trung đang hoạt động ngầm tại Việt Nam, dù chưa có khung pháp lý. Các sàn này không có pháp nhân cụ thể tại Việt Nam nhưng có “cánh tay nối dài” là các nhóm phát triển thị trường.
Theo Thượng tá Dương Đức Hùng - Phó Trưởng phòng Phòng chống khủng bố, Cục An ninh Nội địa, Bộ Công an, dù Việt Nam chưa ghi nhận các vụ việc cụ thể về tài trợ khủng bố thông qua tiền mã hóa với quy mô lớn, nhưng nguy cơ này là hoàn toàn hiện hữu và đang gia tăng.
Ông đề xuất có sự phối hợp liên ngành, ứng dụng công nghệ quản lý tiên tiến để quản lý các sàn giao dịch tài sản mã hoá, xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép, với mức phạt hành chính cao và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu phát hiện liên quan đến tài trợ khủng bố hoặc rửa tiền.
Đại diện Bộ Công an cũng đề xuất việc công khai danh sách các sàn không phép trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo người dân, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ internet để chặn truy cập vào những nền tảng này./.