Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần 1Matrix (1Matrix) Phan Đức Trung đã nhấn mạnh như vậy tại lễ ra mắt 1Matrix – công ty blockchain thuộc hệ sinh thái Techcombank – One Mount Group – Masterise Group – Techcom Securities, sáng 6/5.

Ông Phan Đức Trung - Chủ tịch HĐQT 1Matrix, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Phan Đức Trung cho biết trên thế giới hiện nay có rất nhiều mạng blockchain công khai, nhưng nổi bật nhất là hai mạng quy mô lớn: Mạng blockchain Trung Quốc và mạng blockchain khu vực châu Âu.
Theo ông Trung, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng Trung Quốc cấm tài sản mã hóa, nhưng thực tế không phải vậy. Trung tâm phát triển tài sản mã hóa sôi động bậc nhất hiện nay là Hồng Kông. Dưới góc nhìn khách quan, ông Trung cho rằng mạng blockchain Trung Quốc đã tiến rất xa, vượt trội cả về quy mô lẫn tham vọng so với châu Âu.
Từ những tiền lệ quốc tế, Chủ tịch HĐQT 1Matrix tin rằng người Việt hoàn toàn có thể xây dựng được một mạng lưới dịch vụ blockchain – không đơn thuần là một chuỗi Layer 1, mà là một hạ tầng tích hợp đa lớp, gồm cả các bộ xử lý, các điểm kết nối quốc tế và các hệ thống quản trị dữ liệu tiên tiến.
"Hiện tại, 1Matrix đã bắt đầu xây dựng sơ đồ nguyên lý, cấu trúc kỹ thuật và hợp tác với các tổ chức tư vấn quốc tế để phát triển mô hình phù hợp. Chúng tôi chú trọng những yếu tố then chốt như thiết kế máy ảo đa phiên bản, phân loại xử lý on-chain, off-chain và hybrid để tối ưu chi phí, giảm tải hạ tầng tập trung – một điều nhiều quốc gia khác đã đi trễ", ông Trung nói.
Theo ông Trung, quan trọng hơn cả, ứng dụng blockchain phải hướng đến giải quyết bài toán thực tiễn, tích hợp được vào cả khu vực chính phủ lẫn doanh nghiệp. Khi đó, người dùng không còn thấy "blockchain" nữa, mà chỉ đơn giản là đang sử dụng một dịch vụ tin cậy, hoạt động 24/7. Đó chính là tham vọng của 1Matrix.
Hệ sinh thái mà 1Matrix kiến tạo bao gồm:
👉Tầng nền tảng (Layer 1): Cho phép vận hành các blockchain riêng tư và công khai như Ethereum, Solana, Polkadot.
👉Tầng dịch vụ: Gồm các dịch vụ kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ Web2, Web3 và đặc biệt là dịch vụ hướng tới người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.
👉Tầng ứng dụng: Phát triển hệ sinh thái toàn diện cho người dùng cuối, nhà phát triển, doanh nghiệp và chính phủ.
Lộ trình phát triển được chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn 1 (đến năm 2026):
👉Tận dụng khung pháp lý hiện hành để phát triển các dự án thử nghiệm có kiểm soát, như mô hình sandbox công nghệ tại Đà Nẵng.
👉Hợp tác với khối ngân hàng, y tế và các trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm xử lý bài toán dữ liệu phân tán.
👉Kỳ vọng đưa dịch vụ tài chính số trở thành một phần của hạ tầng tích hợp blockchain.
Giai đoạn 2 (đến năm 2027):
👉Triển khai tối thiểu 50 node blockchain tại Việt Nam (có thể tăng lên 100 node).
👉Các node này vừa đóng vai trò xác thực (validator), vừa là điểm kết nối với mạng blockchain Trung Quốc và châu Âu, hỗ trợ giao dịch xuyên biên giới, đảm bảo định danh và quyền riêng tư theo tiêu chuẩn quốc tế.
👉Cam kết chuyển giao hạ tầng blockchain cho cộng đồng vận hành dưới hình thức mở – mã nguồn mở hoặc mã nguồn đóng tùy theo đối tượng sử dụng.

Theo ông Phan Đức Trung, hệ sinh thái blockchain không thể thành công nếu thiếu sự tham gia đầy đủ của các thành phần trọng yếu trong xã hội: Từ các nhà mạng như Viettel, FPT, CMC đến các tổ chức tài chính lớn như Techcombank.
"Điều cuối cùng – nhưng quan trọng nhất – hệ sinh thái Techcombank không đặt mục tiêu sở hữu hay thống trị mạng blockchain này. Sứ mệnh của chúng tôi là làm điều mà xã hội chưa dám làm, kiến tạo, vận hành thử, rồi chuyển giao. Khi hạ tầng blockchain quốc gia được hoàn thiện và vận hành trơn tru, vai trò của 1Matrix sẽ từ từ rút lui khỏi vị trí thiết kế công nghệ", ông Trung nhấn mạnh.
Người đứng đầu 1Matrix cho rằng, với sự đồng hành từ các bộ, ban ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các kỹ sư trong nước, Việt Nam hoàn toàn có thể đứng vào hàng ngũ những quốc gia có chủ quyền công nghệ về blockchain./.