Ngày 18/7/2025, Tổng thống Donald Trump ký ban hành GENIUS Act – đạo luật liên bang đầu tiên của Mỹ đặt ra khung pháp lý toàn diện cho đồng tiền mã hóa ổn định (stablecoin). Qua đó, Washington đã gửi đi thông điệp rõ ràng: Mỹ ủng hộ stablecoin tư nhân, không phải đồng tiền số quốc gia (CBDC).

GENIUS Act: "Lá chắn pháp lý" cho stablecoin tư nhân, chốt hạ tương lai đồng USD số
Vì sao GENIUS Act ra đời?
Stablecoin đã phát triển bùng nổ trong những năm qua, nhưng pháp lý tại Mỹ vẫn ở trong "vùng xám pháp lý". Dù đóng vai trò "huyết mạch" cho thị trường DeFi và thanh toán xuyên biên giới, các stablecoin vẫn chưa được quản lý thống nhất ở cấp liên bang.
Tính đến giữa năm 2025, nguồn cung lưu hành của stablecoin đã vượt mốc 230 tỷ USD – con số khổng lồ cho thấy mức độ phổ biến và ảnh hưởng của nó.
Trong khi đó, châu Âu đã đi trước với khung pháp lý MiCA, giúp các stablecoin phát hành tại EU có lợi thế cạnh tranh đáng kể. Mỹ buộc phải tăng tốc, và GENIUS Act là câu trả lời.
Với các pháp Mỹ, GENIUS ra đời để giải quyết những vấn đề những quan ngại từ giới lập pháp Mỹ, bao gồm:
🔸Nguy cơ rủi ro hệ thống từ các tổ chức phát hành stablecoin không được kiểm soát;
🔸Thiếu cơ chế bảo vệ nhà đầu tư;
🔸Không có cơ chế đảm bảo khả năng đổi lấy tiền mặt;
🔸Đồng bạc xanh bị cạnh tranh bởi stablecoin phát hành ở nước ngoài.
GENIUS Act quy định những gì?
Đạo luật này trả lời những câu hỏi cơ bản như: Payment stablecoin (stablecoin phục vụ mục đích thanh toán) là gì? Ai có thể phát hành stablecoin? Phát hành stablecoin như thế nào? và tổ chức phát hành được giám sát bởi ai?
Theo đó, một số điểm chính trong GENIUS Act bao gồm:
Điều khoản | Tác động |
Ai được phép phát hành stablecoin? | Chỉ các ngân hàng Mỹ, công ty tài chính phi ngân hàng được cấp phép bởi Văn phòng Kiểm toán Tiền tệ Mỹ (OCC) và các tổ chức được quản lý bởi tiểu bang đủ điều kiện mới được phát hành. |
Tổ chức phát hành nước ngoài | Phải đăng ký với OCC và đặt trụ sở tại quốc gia có “quy định tương đương”. |
Yêu cầu dự trữ đầy đủ | Tất cả stablecoin phải được bảo chứng 1:1 bằng tiền mặt hoặc trái phiếu kho bạc Mỹ ngắn hạn. Không được phép sử dụng đòn bẩy. |
Kiểm toán hàng tháng | Tổ chức phát hành phải công khai dự trữ và được kiểm toán bởi bên thứ ba. |
Không trả lãi cho người nắm giữ | Stablecoin chỉ dùng cho thanh toán, không dùng cho tiết kiệm (savings). Dừng việc phát hành stablecoin trả lãi (yield-bearing stablecoin) |
Hạn chế Big Tech | Các tập đoàn công nghệ lớn và ngân hàng thương mại phải thành lập công ty con riêng biệt nếu muốn phát hành stablecoin, chống tình trạng độc quyền. |
Thực thi | Mức phạt dân sự lên đến 100.000 USD mỗi ngày cho các vi phạm và có thể cộng dồn hàng ngày. |
Thời gian tuân thủ | Tổ chức phát hành có tối đa 18 tháng để đáp ứng các yêu cầu của luật. |
GENIUS Act ảnh hưởng như thế nào đến ngành crypto và stablecoin?
GENIUS Act không chỉ là một bộ quy tắc tuân thủ, mà là một cuộc cải tổ toàn diện đối với thị trường stablecoin tại Mỹ và toàn cầu.
Giờ đây, các công ty crypto, fintech và cả các tổ chức tài chính truyền thống đều phải đưa ra quyết định chiến lược: tuân thủ hoặc bị loại khỏi thị trường Mỹ.
Lần đầu tiên, các tổ chức phát hành stablecoin như Circle và Tether buộc phải theo con đường cấp phép liên bang nếu muốn hoạt động tại Mỹ – điều đó đồng nghĩa với:
🔸Yêu cầu báo cáo định kỳ
🔸Minh bạch hóa dự trữ tài sản
🔸Giám sát nghiêm ngặt mà trước đây chưa từng có
Trong khi đó, các ngân hàng truyền thống, công ty fintech và cả doanh nghiệp bán lẻ giờ đây có một lối đi rõ ràng và hợp pháp để phát hành stablecoin gắn với USD – mở ra làn sóng cạnh tranh mới trong lĩnh vực này.
Phản ứng thị trường sau khi GENIUS Act được thông qua
Không chỉ ảnh hưởng tới thị trường Mỹ, GENIUS Act còn kích hoạt hiệu ứng domino trên toàn cầu. Ngành công nghiệp crypto và các tổ chức tài chính quốc tế đang bắt đầu điều chỉnh lại chiến lược của mình.
1. Mỹ & Chuẩn mực pháp lý toàn cầu: GENIUS Act có thể trở thành khuôn mẫu cho các quốc gia khác như Anh, Singapore, Nhật Bản, Brazil hay Nigeria – những nơi đang thử nghiệm khuôn khổ pháp lý tài sản số.
2. Ngân hàng và fintech toàn cầu nhập cuộc: Các tổ chức tài chính được cấp phép theo luật liên bang giờ đây có quyền phát hành stablecoin. Điều này mở đường cho làn sóng thử nghiệm mới từ ngân hàng, mạng lưới thẻ (Visa, Mastercard), công ty thanh toán như PayPal (với PYUSD) và các nền tảng fintech.
3. Big Tech không bỏ lỡ miếng bánh stableocoin: Apple, Google và Amazon tuy chưa phát hành stablecoin, nhưng họ đang vận hành những ví điện tử và hệ thống thanh toán khổng lồ trong hệ sinh thái thương mại số. Khi rào cản pháp lý dần biến mất, việc tích hợp stablecoin đã được cấp phép – hoặc phát hành qua công ty con – chỉ còn là vấn đề thời gian.
4. Cách mạng chuyển tiền xuyên biên giới: Nếu các stablecoin neo theo USD được “ bật đèn xanh” pháp lý, nhóm này có thể trở thành đối thủ nặng ký của hệ thống SWIFT, Western Union hay các dịch vụ ngoại hối truyền thống bằng cách cung cấp sản phẩm chuyển tiền toàn cầu nhanh và rẻ hơn.

GENIUS Act tác động nhà đầu tư như thế nào?
Về phía người dùng phổ thông, GENIUS Act mang đến sự an tâm rõ rệt. Nhà đầu tư giờ đây có thể biết chính xác một stablecoin có được bảo chứng 1:1 bằng USD hoặc tài sản thanh khoản khác hay không, và liệu tổ chức phát hành có được giám sát ở cấp liên bang.
Tuy nhiên, đổi lại, những loại stablecoin có lãi suất (yield-bearing stablecoins) hoặc các mô hình stablecoin phi tập trung như thuật toán (algorithmic stablecoins) có thể bị loại bỏ khỏi thị trường Mỹ hoặc bị siết chặt đáng kể.
Giải thích các loại stablecoin mà nhà đầu tư đang nắm giữ: So sánh về tài sảnbảo chứng, lợi suất và rủi ro
Loại | Điển hình | Cơ chế bảo chứng | Lợi suất | Tình trạng pháp lý | Rủi ro |
Bảo chứng bằng tiền pháp định (Fiat-collateralized) | USDC, USDT | Dự trữ tiền pháp định được giữ trong tài khoản ngân hàng | Không | Được quản lý chặt (đặc biệt tại Mỹ/EU) | Rủi ro tập trung, rủi ro lưu ký |
Bảo chứng bằng tiền mã hóa (Crypto-collateralized) | DAI | Tài sản mã hóa (ví dụ: ETH) được khóa trong hợp đồng thông minh | Không | Phi tập trung, do DAO quản lý | Biến động tài sản thế chấp, rủi ro thanh lý |
Thuật toán Algorithmic | UST, AMPL | Tỷ giá duy trì thông qua điều chỉnh cung và các cơ chế khuyến khích | Không | Hầu hết không được quản lý | Rủi ro mất neo (peg) cao, mất niềm tin |
Bảo chứng bằng hàng hóa (Commodity-backed) | PAXG, XAUT | Vàng vật chất được giữ trong kho | Không | Được quản lý ở mức trung bình | Biến động giá vàng, rủi ro quy đổi |
Tạo lợi suất (thuần DeFi) (Yield-bearing DeFi-native) | OUSD | Được bảo chứng bằng USDC/USDT/DAI triển khai trong DeFi (như Aave, Convex) | Có – lợi suất từ lending/staking DeFi | Không được quản lý | Rủi ro hợp đồng thông minh, phụ thuộc nền tảng |
Tạo lợi suất (dựa vào tài sản thực) (Yield-bearing RWA-backed) | USDY, USDM | Dựa vào trái phiếu chính phủ Mỹ và các tài sản tiền mặt tương đương | Có – lợi suất từ trái phiếu chính phủ | Được quản lý (ví dụ: Bermuda) | Biến động lãi suất, rủi ro tổ chức phát hành |
Với phần lớn người dùng và tổ chức, sự xuất hiện của các stablecoin được bảo chứng bằng USD và nằm trong khuôn khổ pháp lý là một điểm cộng lớn, đặc biệt trong các ứng dụng thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới và giao dịch DeFi – nơi niềm tin là yếu tố cốt lõi.
Kết luận
GENIUS Act không chỉ là một bước ngoặt của chính sách tiền mã hóa tại Mỹ – mà còn là dấu mốc khiến cả thế giới nhìn nhận lại tương lai của tài sản số. Tuy nhiên, tương lai này sẽ được định hình bởi ba yếu tố: luật này được thực thi ra sao, phản ứng của các bên toàn cầu như thế nào, và liệu đổi mới sáng tạo có thể sống sót trong khuôn khổ pháp lý hay không.
Khi Mỹ tái khẳng định vị thế dẫn đầu trong cuộc đua tiền kỹ thuật số, GENIUS Act không chỉ ổn định thị trường stablecoin – mà còn tái định hình tương lai của chính "đồng bạc xanh"./.