Gia Khánh 18 giờ trước
Người theo dõi

Khung pháp lý MiCA – “cú lội ngược dòng” của châu Âu trong cuộc đua pháp lý crypto

Khung pháp lý MiCA (Markets in Crypto-Assets) – từng bị lo ngại sẽ "bóp nghẹt" ngành công nghiệp crypto tại châu Âu – nay đang chứng minh điều ngược lại sau 200 ngày triển khai...

Hàng loạt các sàn tiền số lớn đang xếp hàng xin cấp phép, bộ luật này đã cho thấy lợi thế kép: vừa bảo vệ nhà đầu tư, vừa tạo đà phát triển cho ngành crypto. Trong 2 quý đầu tiên được áp dụng, MiCA đi ngược lại dự đoán bi quan của các nhà phân tích, định hình thị trường châu Âu theo hướng minh bạch và chuẩn hóa. 

Để dễ hình dung, dưới đây là bảng so sánh nghĩa vụ mà các công ty crypto cần tuân thủ giữa 2 khung pháp lý được thực thi tại châu Âu:

- VASP (Virtual Asset Service Provider - đăng ký AML/CFT): Là quy định hiện hành trước khi MiCA có hiệu lực, chủ yếu tập trung vào phòng chống rửa tiền (AML) và tài trợ khủng bố (CFT).

CASP (Crypto-Asset Service Provider theo MiCA): Là khung pháp lý toàn diện mới của EU thông qua Luật Thị trường tài sản mã hóa (MiCA).

Tiêu chíVASP (Trước khi MiCA có hiệu lực)CASP (MiCA)Giải thích
Biện pháp tuân thủ AML/CFTCả hai đều yêu cầu kiểm soát rửa tiền và tài trợ khủng bố
Yêu cầu về vốn❌ (hầu hết không yêu cầu)MiCA yêu cầu vốn tối thiểu, VASP thì không bắt buộc
Quy định về tiếp thịCả hai đều yêu cầu minh bạch trong quảng bá dịch vụ
Quy tắc liêm chính thị trườngNgăn chặn thao túng thị trường, gian lận
Được cơ quan có thẩm quyền quốc gia quản lý✅ (chỉ về AML/CFT)MiCA quản lý toàn diện hơn, không chỉ về AML
Đồng bộ trên toàn EUMiCA giúp tiêu chuẩn hóa luật trên toàn EU, VASP thì không
Cơ chế "passporting"CASP có thể hoạt động trên toàn EU sau khi được cấp phép tại một quốc gia thành viên. 
Yêu cầu khác nhau tùy theo loại hình dịch vụMiCA phân biệt rõ nghĩa vụ tùy vào từng hoạt động (ví dụ: sàn giao dịch, lưu ký, tư vấn…)
Nghĩa vụ bảo vệ người tiêu dùngCASP bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, công bố rủi ro rõ ràng
Yêu cầu về bảo vệ tài sản của khách hàngCASP cần đảm bảo an toàn, tách biệt tài sản khách hàng
Quy tắc quản trị rủi ro công nghệ thông tin (ICT)CASP phải có biện pháp bảo mật CNTT toàn diện, đảm bảo an toàn hệ thống

Doanh nghiệp crypto hưởng lợi gì từ MiCA?

Đương nhiên, việc tuân thủ MiCA không phải chuyện dễ dàng. Thách thức đầu tiên là luật này còn khá mới, chưa có một bộ hướng dẫn tiêu chuẩn nào để đảm bảo tuân thủ, khiến quy trình nộp hồ sơ đôi khi trở nên mơ hồ – theo chia sẻ của bà Mazurka Chen, Giám đốc điều hành khu vực EU của Bybit. 

Thêm vào đó, việc tuân thủ MiCA đòi hỏi thời gian, công sức và ngân sách lớn – một khoản chi chỉ những công ty lớn, có tiềm lực tài chính mạnh mới có thể kham nổi.  Các sàn nhỏ hơn hoặc những đơn vị không thực sự nghiêm túc có thể phải rút lui khỏi thị trường, qua đó tạo cơ hội cho các công ty tuân thủ tốt mở rộng thị phần.

Điển hình như thị trường stablecoin, việc các sản phẩm không theo chuẩn EU phải rút khỏi thị trường sẽ tạo ra một khoảng trống – thúc đẩy nhu cầu mới và tạo điều kiện cho hệ sinh thái stablecoin phát triển mạnh mẽ trong khuôn khổ pháp lý của MiCA.

Tether cũng đã rút hoạt động khỏi châu Âu từ đầu năm 2025 do quy định MiCA yêu cầu minh bạch và bảo chứng nghiêm ngặt. Điều này khiến: các sàn giao dịch EU hủy niêm yết USDT; người dùng chuyển sang các stablecoin khác như USDC hoặc EURC

Với các sàn giao dịch, MiCA có thể dẫn đến xu hướng các công ty lớn thâu tóm công ty nhỏ. Đây được xem là cách để thanh lọc thị trường – giữ lại những bên hoạt động nghiêm túc và tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch hơn.

MiCA cũng giúp các công ty crypto có vị thế pháp lý tương đương với ngân hàng hay các nền tảng tài chính truyền thống. Từ đó, việc hợp tác giữa các bên trở nên dễ dàng hơn, vì cùng tuân thủ các tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền giống nhau.

MiCA mang lại lợi ích gì cho nhà đầu tư?

Việc thiết lập mặt bằng pháp lý bình đẳng với các tổ chức tài chính truyền thống cũng kéo theo nhiều hệ quả tích cực đối với người dùng: chuyển khoản ngân hàng dễ dàng hơn, tiếp cận được nhiều tổ chức tài chính hơn, và quan trọng nhất là cơ chế bảo vệ tài sản khách hàng. 

“Với giấy phép, chúng tôi có thể mở tài khoản trực tiếp cho người dùng, cho phép họ gửi và rút tiền dễ dàng từ ngân hàng cá nhân", ông Ben Zhou - CEO sàn Bybit chia sẻ. 

Ngoài ra, MiCA kết hợp với chỉ thị MiFID (Chỉ thị về Thị trường trong Công cụ Tài chính) cho phép các sàn crypto cung cấp thêm sản phẩm tài chính truyền thống như cổ phiếu, hàng hóa – điều này giúp nhà đầu tư cảm thấy quen thuộc và đa dạng hóa danh mục dễ hơn.

Dù các yêu cầu về báo cáo và bảo vệ người dùng có thể khiến các sàn phải làm việc vất vả hơn, nhưng đổi lại, nhà đầu tư được hưởng những cơ chế bảo vệ rõ ràng. Tài sản và tiền gửi của khách hàng buộc phải được quản lý chặt chẽ – tránh lặp lại các vụ bê bối như sàn FTX trong quá khứ.

Dưới đây là bảng tóm tắt các nội dung chính trong khung pháp lý MiCA

Tiêu đề MiCATrọng tâmCác yếu tố chính
Title IQuy định về nền tảngQuy định cho các nền tảng tiền mã hóa, định nghĩa thuật ngữ và phạm vi áp dụng
Title IIPhát hành tài sản mã hóaYêu cầu đối với việc phát hành token, công bố whitepaper và tư cách pháp lý của tổ chức phát hành
Title IIIToken tham chiếu tài sản (ARTs)Quy định đối với stablecoin, token được bảo chứng bằng tài sản và yêu cầu minh bạch
Title IVToken tiền điện tử (EMTs)Quy định phát hành, công bố thông tin, trách nhiệm pháp lý và quy tắc giao dịch
Title VNhà cung cấp dịch vụ được cấp phépQuy định đối với tổ chức được cấp phép, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và tuân thủ pháp luật
Title VINgăn ngừa thao túng thị trườngNgăn chặn giao dịch nội gián, rò rỉ thông tin và thao túng thị trường
Title VIIHợp tác quản lýHợp tác giữa các cơ quan quản lý EU và quốc gia: chia sẻ thông tin, thực thi pháp luật

Loạt sàn lớn "nối đuôi nhau" xin giấy phép MiCA

Coinbase – sàn tiền số lớn nhất của Mỹ – đã chính thức được cấp giấy phép MiCA vào ngày 20/6. Ngay sau đó, OKX và Bybit cũng lần lượt nhận được giấy phép.

Khi ngày càng nhiều sàn gia nhập thị trường EU, mức độ cạnh tranh chắc chắn sẽ tăng lên. Các khu vực khác trên thế giới cũng đang để mắt tới xu hướng này và bắt đầu xây dựng những khuôn khổ pháp lý tương tự, vì cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp đều đang có xu hướng tìm đến các khu vực có quy định rõ ràng và minh bạch hơn./. 

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên