
Xe của BYD xếp tại cảng Suape của Brazil hồi tháng 5. (Ảnh: Bloomberg)
Theo South China Morning Post, các công ty như BYD và Great Wall Motor đang nuôi tham vọng toàn cầu, và Brazil đã trở thành thị trường quan trọng khi nhiều nền kinh tế lớn khác chuyển sang chính sách bảo hộ. Brazil, thị trường ô tô lớn thứ 6 thế giới, là nơi mà thành công có thể mở ra triển vọng tại toàn khu vực.
Tuy nhiên, sau khi tạo nên cơn sốt trong lĩnh vực EV mới nổi tại Brazil, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Tình trạng tồn kho xe tại các cảng bắt nguồn từ nỗ lực tránh thuế nhập khẩu mới.
Các đối thủ nội địa đã phản ứng bằng cách bổ sung nhiều lựa chọn xe điện hơn và gia tăng đầu tư. Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng xe điện của Brazil cũng đang chậm lại, tương tự nhiều khu vực khác trên thế giới.
BYD đang trên đà vượt mốc doanh thu 100 tỷ USD trong năm nay, và Brazil đóng góp phần lớn vào con số này. Đây là thị trường nước ngoài lớn nhất của BYD, trong bối cảnh công ty này vấp phải sự phản đối từ các chính phủ ở Mỹ và châu Âu.
Các nhà sản xuất ô tô Brazil đã vận động hành lang để khôi phục thuế nhập khẩu và cuối cùng nhận được sự ủng hộ từ Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, người trở lại cầm quyền vào tháng 1/2023. Chính phủ bắt đầu áp dụng thuế 10% vào đầu năm nay và có kế hoạch tăng dần lên 35% vào giữa năm 2026 (ngành công nghiệp ô tô nội địa hiện đang thúc đẩy đẩy nhanh lộ trình này).
Để ứng phó, BYD đã tăng cường xuất khẩu xe đến Brazil trước thời điểm áp thuế. Vào đầu tháng 11, một lãnh đạo của công ty cho biết còn khoảng 35.000 xe tại các cảng, tương đương 4 tháng tồn kho. Alexandre Baldy, phó chủ tịch cấp cao của BYD tại Brazil, cho biết đây là một phần trong chiến lược nhằm duy trì giá cả và đối phó với ngành công nghiệp nội địa mà ông gọi là “lỗi thời”.
“Chúng tôi đã khuấy động thị trường ô tô Brazil đến mức khiến các đối thủ phải lo sợ,” Baldy khẳng định. “Đó là sự hoảng loạn hoàn toàn từ các đối thủ cạnh tranh.”
Địa điểm đặt nhà máy của BYD ở Camacari, Brazil. (Ảnh: Reuters).
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Brazil (Anfavea), tỷ lệ xe điện trong tổng doanh số bán ô tô tại Brazil gần như tăng gấp đôi, đạt 7% vào tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kể từ đó đã duy trì ở mức này. Trong 10 tháng đầu năm, các công ty ô tô đã bán khoảng hai triệu xe, trong đó có khoảng 140.000 xe điện.
Việc tìm kiếm khách hàng mới sẵn sàng mua xe điện tại một quốc gia mới bắt đầu xây dựng các trạm sạc ngày càng khó khăn hơn. Brazil là một quốc gia rộng lớn với khoảng cách xa giữa các trung tâm dân cư, làm tăng thêm lo ngại về quãng đường mà xe điện có thể đi được sau mỗi lần sạc.
Để đẩy nhanh việc phổ biến xe điện, BYD và Great Wall Motor dự kiến sẽ hành động quyết liệt hơn từ nay đến 2025. Cả hai đều có kế hoạch mở nhà máy tại Brazil.
Đối với BYD, nhà máy sản xuất xe điện đầu tiên bên ngoài châu Á dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 3 tới. Trên khu đất từng thuộc sở hữu của Ford Motor, BYD đang đầu tư 5,5 tỷ real và kỳ vọng trong vòng hai năm sẽ sản xuất được 300.000 xe mỗi năm./.
Nguồn tham khảo: Doanh nhân Việt Nam
Nội dung liên quan
- Doanh thu quý 3 của BYD vượt Tesla, liệu Elon Musk có phải dè chừng?
- Trung Quốc bước vào cuộc chiến giá xe điện khốc liệt hơn bao giờ hết
- Ô tô Trung Quốc thay đổi trật tự thế giới
- CEO Tim Cook tuyên bố Apple sẽ không thể làm được gì nếu thiếu BYD và Luxshare
- BYD 'thách thức mọi rào cản', vận chuyển 5.000 xe điện sang châu Âu