Trong hồ sơ nộp lên sàn giao dịch chứng khoán mới đây, BYD công bố lợi nhuận ròng quý 3 tăng 11,5%, đạt 11,6 tỷ nhân dân tệ (1,63 tỷ USD), nhờ đà bán hàng mạnh mẽ từ các ưu đãi đổi xe của chính phủ. Tổng lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm tăng 18,1%, lên 25,2 tỷ nhân dân tệ.
Dẫu vậy, Tesla vẫn đánh bại BYD về phương diện doanh số bán xe điện trên toàn cầu trong tháng 7 đến tháng 9.
BYD hiện là công ty có lượng xe chiếm hơn một phần ba tổng doanh số bán xe điện và xe hybrid cắm điện tại Trung Quốc trong năm nay. Họ đã phá vỡ kỷ lục doanh số bán hàng hàng tháng vào tháng 9 và doanh số bán hàng theo quý của công ty này cũng đạt mức cao mới trong quý 3.
Cả BYD và các đối thủ như Tesla đã tận hưởng lợi thế từ các biện pháp kích thích đổi cũ lấy mới mở rộng ưu tiên cho xe xanh.
BYD đã dẫn đầu sự tăng trưởng với mức giảm giá mạnh cho các mẫu xe bán chạy nhất của mình. Quý tốt nhất của hãng chủ yếu là nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong doanh số bán xe hybrid cắm sạc, tăng 75,6% trong năm lên 685.830 chiếc trong quý 3, nhờ vào thế hệ công nghệ hybrid cắm sạc mới nhất giúp tiết kiệm nhiều chi phí nhiên liệu hơn cho người dùng.
Trong khi đó, doanh số bán xe điện thuần túy (thay vì xe hybrid) của BYD đã chậm lại còn 2,7% xuống còn 443.426 chiếc trong quý và hãng đã mất thị phần trong phân khúc xe điện vào tay các đối thủ xe điện khác tại Trung Quốc.
Hiện BYD vẫn bán hơn 90% số xe của mình tại Trung Quốc và họ đã đặt mục tiêu doanh số bán hàng hàng năm cao hơn cho năm nay.
Ngoài ra công ty cũng đặt mục tiêu tăng gấp đôi lượng xe xuất khẩu lên 450.000 xe trong năm nay, một sự điều chỉnh giảm so với mục tiêu xuất khẩu hàng năm ra nước ngoài là 500.000 xe được đặt ra vào tháng 3.
Dù dẫn đầu trong nỗ lực thúc đẩy vào thị trường châu Âu nhưng BYD đang phải đối mặt với nhiều loại thuế quan bổ sung. Trong quý 3, công ty này đã bán được 94.477 xe ở nước ngoài, tăng 32,6% so với năm trước.
Về phần Tesla, dù kém BYD về doanh thu nhưng họ cũng có một quý kinh doanh khởi sắc.
Biên lợi nhuận của công ty được củng cố bởi 739 triệu USD doanh thu bán tín chỉ carbon. Các nhà sản xuất ô tô được yêu cầu phải có một số lượng tín chỉ carbon theo quy định nhất định mỗi năm. Nếu họ không đạt được mục tiêu, họ có thể mua tín chỉ carbon từ các công ty như Tesla, công ty có lượng tín chỉ carbon dư thừa vì chỉ sản xuất xe điện.
Doanh thu từ hoạt động kinh doanh ô tô tăng 2% lên 20 tỷ USD từ mức 19,63 tỷ USD trong cùng kỳ năm trước và gần như không đổi kể từ cuối năm 2022. Doanh thu từ sản xuất và lưu trữ năng lượng tăng vọt 52% lên 2,38 tỷ USD, trong khi doanh thu dịch vụ và các doanh thu khác, bao gồm doanh thu từ việc sửa chữa không bảo hành xe Tesla, tăng 29% lên 2,79 tỷ USD.
CEO Elon Musk cho biết trong cuộc họp báo cáo rằng "dự đoán tốt nhất" của ông rằng, tăng trưởng xe sẽ đạt 20% đến 30% vào năm tới, do "xe giá rẻ hơn" và "sự ra đời của tính năng tự lái".
Khi được hỏi trong cuộc họp liệu Tesla có sản xuất xe điện giá rẻ không phải là Cybercab hay không, Musk cho biết tất cả các xe của công ty trong tương lai sẽ là xe tự hành.
Ông cho biết, trong số 7 triệu xe mà Tesla đã sản xuất cho đến nay, "phần lớn" đều "có khả năng tự lái", đồng thời nói thêm rằng công ty "hiện đang sản xuất khoảng 35.000 xe tự hành mỗi tuần".
Vị tỷ phú cho biết công ty sẽ sản xuất 2 triệu chiếc Cybercab mỗi năm và cung cấp dịch vụ gọi xe không người lái trên xe của mình sớm nhất là vào năm 2025 tại Texas và có thể là California. Tesla đã phát triển một ứng dụng gọi xe mà một số nhân viên ở California đã có thể sử dụng trong năm nay.
"Bạn có thể yêu cầu một chuyến đi và chiếc xe sẽ đưa bạn đến bất kỳ đâu trong vùng vịnh", Musk cho biết. "Hiện tại, chúng tôi có một tài xế an toàn".
Theo danh sách các giấy phép được cấp trên trang web của Ủy ban Tiện ích Công cộng California, Tesla hiện không được cấp phép để điều hành một công ty thương mại, mạng lưới giao thông hoặc dịch vụ gọi xe tại California./.
Nguồn tham khảo: Nhịp sống thị trường