Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Bong bóng AI cuối cùng sẽ sụp đổ với ‘Định luật Moore’?

17:49 29/11/2024

Với những người trong ngành bán dẫn, Định luật Moore là một lý thuyết nổi tiếng đã thúc đẩy ngành bán dẫn cũng như làm nên tên tuổi của Intel. Theo đó định luật này cho rằng số lượng bóng bán dẫn trên một vi mạch sẽ tăng gấp đôi sau mỗi hai năm, dẫn đến sức mạnh tính toán tăng theo cấp số nhân.

Luật này đã thúc đẩy tiến bộ công nghệ trong hơn 50 năm và đã có tác động sâu sắc đến trí tuệ nhân tạo (AI).

Cũng theo định luật này, việc "nhồi" càng nhiều chip bán dẫn của Nvidia vào các trung tâm dữ liệu để xây dựng mô hình AI sẽ giúp sức mạnh tính toán của chúng lớn hơn, tạo ra các hệ thống thông minh hơn.

Quan điểm này đã thúc đẩy các tập đoàn chuyển từ giải quyết những vấn đề khó khăn trong thuật toán hay kỹ thuật sang việc chỉ đơn giản là xây các trung tâm dữ liệu lớn hơn với nhiều chip Nvidia hơn.

Kể từ khi ChatGPT bùng nổ, các tập đoàn và doanh nghiệp đã đua nhau xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu đào tạo AI, dẫn đến nhu cầu chip Nvidia bùng nổ mạnh. Mọi người đều kỳ vọng việc xuất hiện một "siêu trí tuệ nhân tạo" trong thập kỷ này nhờ việc gia tăng số chip bán dẫn.

Tuy nhiên trong vài tháng qua, tờ Financial Times cho hay những lời bàn tán về định luật Moore đang ngày càng nhiều khi các mô hình mới của OpenAI, Google hay Anthropic đã không cho thấy những cải tiến như mong đợi theo dự đoán về việc mở rộng quy số số lượng chip bán dẫn.

Nhà đồng sáng lập Ilya Sutskever của OpenAI, người đã từng đứng lên "đảo chính" CEO Sam Altman để rồi thất bại và phải ra đi, nhận định ngành bán dẫn và vi mạch từng chứng kiến định luật Moore không thực sự chính xác khi việc thu nhỏ các bộ vi xử lý ngày càng khó.

Cho dù có tăng số lượng bóng bán dẫn thì việc thu nhỏ chúng để giữ kích thước và hiệu năng lại ngày càng khó hơn. Việc nhồi bóng bán dẫn mà không thu nhỏ kích thước sẽ chẳng có tác dụng gì trong cuộc cách mạng công nghệ.

Điều tương tự cũng diễn ra với AI, ông Sutskever chia sẻ rằng nếu cứ theo định luật Moore thì cuối cùng toàn bộ trái đất sẽ phủ kín tấm pin năng lượng mặt trời và trung tâm dữ liệu để cung cấp cho vô số chip bán dẫn đào tạo AI.

Theo Financial Times, ngày càng nhiều chuyên gia thừa nhận việc đào tạo AI đã đạt điểm tới hạn về chất lượng và nếu chỉ đơn thuần mở rộng quy mô thì việc phát triển mô hình AI sẽ không còn hiệu quả như trước. Để duy trì được những tiến bộ đột phá thì các nhà khoa học sẽ phải làm nhiều việc hơn./. 

Nguồn tham khảo: Nhịp sống thị trường