Thứ năm, 02/05/2024, 23:09

Nghệ "buôn" ngân hàng của ông Tuấn “chợ” (kỳ 1)

DFF.VN - Với phần đông thị trường, ông Tuấn “chợ” chưa chắc nổi tiếng bằng ông Kiên “bạc” hay ông Bê “Trầm”. Nhưng có đi sâu tìm hiểu mới thấy cái tầm của vợ chồng ông chủ MSB trong nghệ buôn này…

Thời còn ngang dọc thương trường, ông Nguyễn Đức Kiên từng được xem như bố già quyền lực bậc nhất thị trường tài chính Việt Nam.

Quyền lực và ảnh hưởng của đại gia Kiên “bạc” không chỉ giới hạn ở Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) – vốn đã quá nổi danh và gắn liền với tên tuổi, với công lao sáng lập, quản trị, điều hành của ông bầu.

Là một người ăn to nói lớn, thẳng thắn đến kiêu bạc, ông Nguyễn Đức Kiên không giấu diếm chuyện ông có cổ phần, có tiếng nói, có ảnh hưởng (có thể trực tiếp, có thể gián tiếp) ở nhiều nhà băng khác. Hàng loạt cái tên, về sau, đã được thị trường điểm danh, kể như: Eximbank, Kienlongbank, DaiABank, VietBank, Techcombank.

Một cộng sự đắc lực của ông Kiên “bạc” cũng từng chia sẻ với người viết về thương vụ mua hụt Sacombank của vị tài phiệt sinh năm 1964. “Các anh cứ can tôi. Giờ thì Sacombank về tay người khác rồi. Tiếc chưa?!” – thương vụ hụt khiến ông Kiên tiếc mãi, ông cũng trách mãi bộ tham mưu về sự chần chừ.

Ông Kiên
Ông Kiên "bạc" và ông Trầm Bê từng là những tay "buôn" ngân hàng có hạng...

Người vượt mặt bầu Kiên trong vụ thâu tóm Sacombank lần ấy là ông Trầm Bê – tác giả của cuộc soán ngôi kinh điển vào năm 2012, loại gia đình nhà sáng lập Đặng Văn Thành khỏi Sacombank và tạo nên thương vụ M&A ngân hàng nhiều tai tiếng Sacombank – SouthernBank.

Không học hành cao như “bầu” Kiên nhưng ông Bê “Trầm” là người đặc biệt nhạy bén trước các cơ hội kinh doanh. “Ông Bê cũng thấy giá STB rẻ quá. Tỷ lệ sở hữu của nhà ông Đặng Văn Thành lại chênh vênh. Thế là ông Bê nhảy vào” – một nhân vật có mối gắn bó với cả “bầu” Kiên lẫn ông Bê nhớ lại.

Nhận thấy tiềm năng to lớn của các ngân hàng, bằng nhiều “kỹ thuật” và cả sự quyết đoán, đôi khi đến liều, ông Trầm Bê đã vươn tay tới nhiều nhà băng khác, ngoài Sacombank, Southernbank.

Eximbank, VietBank, Kienlongbank là những cái tên từng lưu dấu ấn của vị đại gia gốc Hoa. Tức là khẩu vị đầu tư của ông Bê cũng phần nào giao thoa với nhóm “bầu” Kiên.

Nhắc chuyện trên, cũng cần phải bổ sung rằng, xét lại bối cảnh của giai đoạn trước đây, việc một nhóm chủ nhà băng này sở hữu cổ phần đáng kể của một hoặc một số nhà băng khác là không quá hiếm gặp. Dĩ nhiên, nó cũng để lại nhiều hậu quả, khiến các cơ quan quản lý và cả hệ thống phải mất nhiều năm, nhiều nguồn lực, nhiều giải pháp để xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối các tổ chức tín dụng.

Sự vào cuộc quyết liệt, khoa học, đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan những năm qua đã phát huy hiệu quả, thiết lập lại trật tự, kỷ cương thị trường, giúp hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, hiệu quả, bền vững.

Về phía các ông trùm lũng đoạn, nhiều người cũng đã phải trả giá!

Ông Tuấn “chợ”

Như đã nói, ông chủ MSB Trần Anh Tuấn không nổi đình nổi đám như ông Kiên “bạc” hay ông Trầm “bê” trong các thương vụ đầu tư ngân hàng.

Là một người kín đáo và kiệm lời, vị đại gia nổi tiếng với biệt danh Tuấn “chợ” muốn làm hơn là nói. Cùng vị phu nhân tài sắc Nguyễn Thị Nguyệt Hường và các cộng sự tài năng, với sự nỗ lực không ngừng và tư duy hơn người, ông Trần Anh Tuấn đã xây dựng được một đế chế kinh doanh đồ sộ, trải dài nhiều lĩnh vực, và trải rộng không chỉ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bài viết này, người viết xin chỉ tập trung vào các bước đi của vợ chồng ông Trần Anh Tuấn ở riêng mảng ngân hàng, đi sâu vào các thương vụ đầu tư cổ phần tại các nhà băng.

msb 2.png

Thuộc “thế hệ vàng” của nhóm các doanh nhân trở về từ Đông Âu, ông Tuấn và bà Nguyệt Hường vốn là những nhân tài được nhà nước cử đi du học ở Liên Xô cũ. Nhập học Học viện thăm dò địa chất quốc gia Moscow năm 1987 và tốt nghiệp năm 1993, quãng thời gian ngồi giảng đường của ông Trần Anh Tuấn cũng là giai đoạn biến động nhất của thành trì Đông Âu, chương cuối của Liên Xô và buổi ban mai của nước Nga mới.

Bối cảnh tranh tối tranh sáng của không gian hậu Xô Viết đã mở ra nhiều cơ hội kiếm tiền cho những người Việt giàu tính thích nghi và thừa nghị lực. Nhóm du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam ngày ấy, nhiều người đã sớm đi buôn ngay từ khi còn ngồi ghế giảng đường.

“Chung quanh giường tầng chất đầy thùng các tông, quản lý ký túc cũng không bao giờ bắt vì nghĩ đấy là thùng đồ được sinh viên tích để gửi về Việt Nam. Kỳ thực trong đó có cả những thùng tiền mà anh em hùn hạp và tích lũy buôn bán”, một đại gia trong nhóm “thế hệ vàng” có lần hồi tưởng với người viết.

Ông Tuấn cũng sớm đi buôn. Thay vì trở về nước để làm một công chức trong ngành địa chất, chàng lưu học sinh sinh ra ở phố cổ Hà Nội trở thành một thương nhân, rồi doanh nhân. (Tấm bằng cử nhân khoa học địa chất – khoáng sản lấy từ Moscow không rõ có là một lý do để sau này ông Tuấn phát triển cả trụ khai khoáng trong hệ sinh thái của mình).

Có tin nói ông Tuấn là một trong những người Việt đầu tiên làm “chợ” - khu kiôt buôn bán cho dân mình thuê, và biệt danh Tuấn “chợ” ra đời từ đó. Cũng có ý kiến phản bác, rằng biệt danh ấy mới có từ thời ông về Việt Nam, làm chợ Thượng Đình.

Người viết chưa trao đổi trực tiếp với ông Tuấn “chợ” bao giờ nên cũng chẳng rõ sự thể ra sao. Chỉ thấy lý lịch tự khai của ông Tuấn viết ngắn gọn rằng, từ năm 1993 đến năm 1995, ông kinh doanh tại Liên bang Nga. Còn bà Hường, từ năm 1992 – 1995 là Phó Giám đốc Công ty TNHH Intelcom – Matxcơva.

Đầu năm 1996, vợ chồng ông Tuấn trở về Việt Nam gây dựng cơ đồ, sáng lập nên Công ty cổ phần Nam Thắng – tiền thân của TNG Holdings hay ROX Group sau này. Có một dòng ngắn trong lý lịch của ông Tuấn nhưng rất đáng chú ý: “01/1996 – 11/1996: Kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam: VP Bank, MB”.

Nó cho thấy, ngân hàng đã ngay lập tức là lựa chọn ưu tiên của ông Tuấn “chợ” khi hồi hương. Tuy vậy, phải mất thêm nhiều năm, vợ chồng ông Tuấn “chợ” mới có được vị thế chủ bank đúng nghĩa, xác lập vào năm 2007, với sự hiện diện của cả hai ở Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB).

Bắt đầu với chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT, đến tháng 10/2008, ông Trần Anh Tuấn kiêm nhiệm thêm chức vụ Tổng Giám đốc MSB – khi ấy vẫn mang thương hiệu Maritime Bank. Từ năm 2012, ông Tuấn “chợ” lên ngồi ghế Chủ tịch và liên tục giữ quyền lãnh đạo tối cao ở MSB cho đến nay, củng cố vững chắc bệ đỡ tài chính cho đế chế kinh doanh đồ sộ của mình.

Nhưng MSB không phải nhà băng duy nhất mà nhóm tài phiệt này ‘phủ bóng’.

Xét về tầm mức, trình “buôn” ngân hàng của ông Tuấn “chợ” thậm chí trên phân so với những đại gia Kiên “bạc” hay Trầm Bê. Như ai đó từng nói rằng những người nổi quá thì dễ chìm, háo thắng thì hay thua.

Song vợ chồng ông Tuấn thì khác! Một đẳng cấp thực sự khác...

*Kỳ 2: 'Nghệ' buôn ngân hàng của các 'soái' Việt: Hấp lực ngành 'bank'

Thông tin chứng khoán

Cập nhật 2024-05-17 16:11

VN-INDEX 1,273.11 4.33 0.34%
HNX-INDEX 241.54 1.53 0.64%
UPCOM-INDEX 93.07 0.37 0.40%
VN30-INDEX 1,310.15 1.88 0.14%
HNX30-INDEX 533.02 2.87 0.54%
Tỉ giá ngoại tệ

Cập nhật 2024-05-16

Name Giá trị Thay đổi
USD/VND 25450 -0.0157%
EUR/VND 27658 -0.1732%
CNY/VND 3524.248 -0.0509%
JPY/VND 163.8606 -0.002912%
EUR/USD 1.0867 -0.1562%
USD/JPY 155.39 0.3293%
USD/CNY 7.2214 0.0332%
Giá vàng hôm nay

Cập nhật 2022-05-28 04:58

Loại Giá mua Giá bán
DOJI HN 68,500 69,500
DOJI SG 68,500 69,450
Phú Qúy SJC 68,650 69,400
SJC TP HCM 68,500 69,500
SJC Đà Nẵng 68,500 69,520
PNJ TP.HCM 54,100 55,200
PNJ HN 54,100 55,200

Top thành viên

Tag nổi bật