Volkswagen - tấm gương phản chiếu nền kinh tế Đức
Cuộc khủng hoảng của Volkswagen sẽ lan ra toàn bộ ngành ô tô Đức - lĩnh vực tư nhân lớn nhất nền kinh tế và đóng góp 5% GDP cả nước. Một điều quan trọng khác là ngành ô tô Đức cung cấp việc làm cho 800.000 lao động và có tới 37% trong số đó làm việc cho Volkswagen.
Người phát ngôn của hiệp hội ô tô Đức VDA khẳng định vấn đề không nằm ở bản thân ngành công nghiệp ô tô, mà Đức đang trở thành một nơi khó để vận hành doanh nghiệp.
Giống Volkswagen, Đức cũng phải đối mặt với chi phí lao động cao, năng suất lao động kém và sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc. Ngày trước Đức có thể dựa vào nhu cầu nóng bỏng của Trung Quốc, nhưng hiện nay Trung Quốc đã tự mình sản xuất nhiều hàng hóa hơn và chẳng cập nhập khẩu từ nước ngoài.
“Trung Quốc giờ đã là đối trọng của Đức”, ông Carsten Brzeski, trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô tại ngân hàng ING, bình luận.
Một nghiên cứu gần đây do Liên đoàn Công nghiệp Đức khởi xướng nhận thấy khoảng 20% sản lượng công nghiệp Đức gặp rủi ro trong trung hạn, chủ yếu do chi phí năng lượng tăng cao và thị phần dành cho hàng hóa Đức sụt giảm.
“Những lợi thế mà Đức đã xây dựng trong hàng thập kỷ ở những lĩnh vực như công nghệ động cơ đốt trong không còn quan trọng như trước. Mô hình xuất khẩu của Đức ngày càng bị đe dọa bởi căng thẳng địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu và các điểm yếu nội bộ”, nghiên cứu viết.
Các tác giả chỉ ra những bất lợi về chi phí đã tồn tại từ lâu ở Đức, ví dụ như thuế suất cao, chi phí lao động và năng lượng đắt đỏ. Đồng thời, họ cũng đề cập đến ảnh hưởng tiêu cực của xu hướng già hóa dân số tới nguồn cung lao động tay nghề cao.
Nghiên cứu kết luận rằng nền kinh tế Đức cần thực hiện “nỗ lực chuyển đổi lớn nhất” kể từ thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai. Để làm được điều đó thì từ nay đến năm 2030, Đức cần đầu tư bổ sung 1.400 tỷ euro cho hàng loạt lĩnh vực, từ cơ sở hạ tầng cho đến giáo dục và công nghệ xanh.
Tuy nhiên, Đức khó có thể thực hiện cuộc cải tổ quy mô lớn như nghiên cứu đề xuất vì hiến pháp khiến chính phủ không thể mạnh tay vay nợ.
Ngoài ra, mối quan hệ liên minh của chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz cùng hai đảng khác đang rạn nứt, cản trở quá trình thiết lập chính sách và khiến chính phủ không đưa ra được tầm nhìn rõ ràng cho đất nước.
Theo nhà kinh tế Brzeski của ING, lạm phát hạ nhiệt có thể giúp thúc đẩy tiêu dùng của Đức trong năm tới. Tuy nhiên, ôngBrzeski nói nhiên triển vọng kinh tế nhiều khả năng sẽ chỉ cải thiện vào năm 2026, sau khi cuộc tổng tuyển cử giúp bầu ra chính phủ mới.
“Dự đoán của tôi là nền kinh tế Đức sẽ tiếp tục trì trệ trong năm tới”, ông nhấn mạnh./.
Nguồn tham khảo: Nhịp sống thị trường