Trung Quốc vẫn loay hoay với bài toán tiêu dùng nội địa
17:11 19/05/2025
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang đối mặt với thách thức lớn, ngay cả khi căng thẳng thương mại với Mỹ tạm thời "hạ nhiệt".
Cụ thể, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 4 tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh số bán lẻ - chỉ báo then chốt cho tiêu dùng nội địa - lại hụt hơi, chỉ đạt mức tăng 5,1%, thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích.
Bất chấp đà phục hồi vững của ngành sản xuất, tiêu dùng yếu kém trong tháng 4 cho thấy Trung Quốc vẫn cần tiếp tục chính sách hỗ trợ mạnh tay để hỗ trợ nền kinh tế.
Sản lượng công nghiệp tăng vượt kỳ vọng, song doanh số bán lẻ của Trung Quốc lại thấp hơn dự báo (Nguồn: Bloomberg).
Theo Bloomberg, tâm lý tiêu dùng tại Trung Quốc hiện vẫn chịu sức ép từ khủng hoảng bất động sản kéo dài, áp lực giảm phát và nỗi lo thất nghiệp đang âm ỉ trong lòng xã hội.
Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng ở mức khoảng 5% trong năm 2025, đồng thời xác định thúc đẩy tiêu dùng nội địa là một trong những ưu tiên hàng đầu của năm nay.
“Những con số lạc quan từ ngành sản xuất chỉ phản ánh một mặt của nền kinh tế. Dữ liệu bán lẻ tháng 4 cho thấy người dân vẫn chưa sẵn sàng mở hầu bao. Muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng 5%, chúng ta vẫn cần tiêu dùng nội địa bứt phá", ông Raymond Yeung, Kinh tế trưởng khu vực Trung Hoa tại Ngân hàng ANZ, nhận định.
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm nhẹ xuống 5,1% trong tháng 4. Tuy nhiên, tốc độ tăng đầu tư tài sản cố định trong 4 tháng đầu năm lại chậm lại, chỉ đạt 4%. Thị trường bất động sản vẫn chưa có tín hiệu phục hồi rõ ràng khi giá nhà mới tiếp tục giảm với tốc độ nhanh hơn.
Trên thị trường tài chính, đồng nhân dân tệ gần như không biến động sau khi dữ liệu được công bố. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ xuống còn 1,67%. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông cũng thu hẹp mức giảm nhờ kỳ vọng hồi phục từ phía nhà đầu tư.
Bức tranh kinh tế tháng 4 mang đến cái nhìn rõ nét hơn về khả năng Trung Quốc chống chọi với làn sóng căng thẳng thương mại do Mỹ khơi mào. Dù hai bên đã đạt thỏa thuận "đình chiến" trong tháng 5, sự mơ hồ xoay quanh tiến trình đàm phán cuối cùng vẫn khiến doanh nghiệp do dự khi mở rộng sản xuất hay đầu tư vào các dự án mới.
Dẫu vậy, đà tăng bất ngờ của sản xuất công nghiệp cho thấy Trung Quốc đã tránh được một cú trượt lớn trước đợt áp thuế đầu tiên từ chính quyền Donald Trump.
Xuất khẩu trong tháng 4 cũng tăng vượt kỳ vọng, khi doanh nghiệp Trung Quốc nhanh chóng chuyển hướng sang các thị trường Đông Nam Á và châu Âu, bù đắp phần nào cho đà giảm sâu tại thị trường Mỹ.
Tuần trước, một số ngân hàng lớn như Goldman Sachs đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc cho năm 2025, dù mức nâng này vẫn chưa chạm tới mục tiêu mà Bắc Kinh đặt ra.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng giai đoạn “hạ nhiệt” hiện tại trong căng thẳng thương mại sẽ giúp Trung Quốc có thêm thời gian trước khi buộc phải tung ra các gói kích thích lớn nhằm giữ vững đà tăng trưởng./.
Nguồn tham khảo: Bloomberg