Mỗi buổi tối ở Thượng Hải, Bắc Kinh hay Thâm Quyến, hàng triệu người trẻ Trung Quốc lướt Meituan hay Dianping để săn những bữa ăn giảm giá. Họ không còn đi theo mô hình tiêu dùng tự tin như những năm đầu 2010, mà dường như đã chuyển sang trạng thái phòng thủ – ăn tiết kiệm, tiêu dè sẻn, sống thận trọng.
Đằng sau những “bữa ăn khuyến mãi” là một bức tranh rộng lớn hơn: Nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại, và các nhà kinh tế học bắt đầu đặt câu hỏi nghiêm túc: "Phải chăng Trung Quốc đang lặp lại sai lầm của Nhật Bản ba thập kỷ trước?".

Từ bất động sản đến bong bóng tâm lý
Trong suốt nhiều năm, bất động sản là trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, chiếm đến 70–75% tổng tài sản hộ gia đình. Người dân đổ tiền vào nhà cửa với niềm tin bất diệt rằng giá nhà chỉ có thể tăng. Nhưng khi giá bất động sản bắt đầu sụt giảm trong những năm gần đây, niềm tin ấy đã lung lay.
Tháng 7/2024, Trung Quốc ghi nhận một hiện tượng chưa từng có trong 19 năm: Số lượng người trả nợ vượt số người vay mới. Đó là tín hiệu rõ ràng nhất của một nền kinh tế mất phương hướng – tăng trưởng tín dụng âm. Khi niềm tin vơi cạn, người dân không còn mặn mà với việc vay vốn, đầu tư hay tiêu dùng. Họ tiết kiệm. Và như một hiệu ứng domino, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, tuyển dụng giảm, thu nhập đình đốn.
Chi tiêu giảm, trái phiếu tăng – công thức của giảm phát
Khi người dân không tiêu dùng, tiền nhàn rỗi tìm đến nơi “an toàn”: Trái phiếu chính phủ. Lợi suất trái phiếu Trung Quốc vì thế lao dốc, chạm đáy lịch sử vào đầu năm 2024. Đây là một hiện tượng từng xảy ra ở Nhật Bản sau năm 1990, khi cả nền kinh tế rơi vào "cuộc khủng hoảng bảng cân đối kế toán": Cá nhân và doanh nghiệp đua nhau trả nợ, không dám vay, và vì vậy, chính sách tiền tệ trở nên vô hiệu.
Hạ lãi suất cũng không còn hiệu quả nếu không ai muốn vay tiền. Đó là khi ngân hàng trung ương trở thành “người thổi còi giữa sa mạc”.
Một yếu tố khác đè nặng lên tương lai tăng trưởng là dân số Trung Quốc đã bắt đầu giảm tự nhiên và già hóa nhanh chóng. Đây không chỉ là vấn đề xã hội – mà còn là một lực cản đối với tiêu dùng, đổi mới, và năng suất lao động trong dài hạn. Nhìn lại, Nhật Bản bước vào giai đoạn suy thoái kéo dài đúng khi dân số bắt đầu già đi và tỷ lệ sinh lao dốc – một chu kỳ mà Trung Quốc giờ đây đang phản chiếu lại.
Trung Quốc có đi vào vết xe đổ của Nhật Bản?
Không ít chuyên gia lo ngại rằng Trung Quốc đang lặp lại mô hình suy thoái của Nhật Bản – nhưng kịch bản không nhất thiết phải giống nhau.
Đúng là nhiều dấu hiệu tương đồng: Khủng hoảng bất động sản, giảm phát, người dân tiết kiệm quá mức, giảm tăng trưởng tín dụng và dân số già hóa. Nhưng Trung Quốc hiện nay có những lợi thế mà Nhật Bản khi ấy không có:
- Vay vốn công nghiệp vẫn tăng hơn 12% năm 2024, cho thấy khu vực sản xuất vẫn hoạt động.
- Đầu tư hạ tầng và bất động sản chưa hoàn toàn sụp đổ.
- Trung Quốc còn nhiều không gian đô thị hóa, hàng trăm triệu người dân nông thôn vẫn đang chờ được đưa vào nền kinh tế hiện đại.
- Thị trường nội địa khổng lồ, nếu kích cầu đúng cách, có thể giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu.
- Sức mạnh công nghệ đang lên: Trung Quốc có số lập trình viên gấp ba lần Mỹ, sở hữu những công ty công nghệ số hàng đầu như Alibaba, Tencent, Huawei – và đang dốc toàn lực vào AI, năng lượng sạch, bán dẫn.
Và đặc biệt là sẽ không có hiệp định bán dẫn nào mà Trung Quốc phải ký như Nhật Bản.
Năm 1986, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ, Nhật Bản bị Washington ép ký Hiệp định Bán dẫn Mỹ – Nhật, buộc Tokyo phải mở cửa thị trường, hạn chế xuất khẩu chip giá rẻ và tăng nhập khẩu chip từ Mỹ. Chỉ trong vài năm, công nghiệp bán dẫn Nhật Bản – từng dẫn đầu thế giới – tụt lại phía sau và không bao giờ phục hồi lại vị thế cũ.
Bài học từ Nhật Bản: Can thiệp sớm và quyết liệt
Nhật Bản mất cả một thập kỷ – thậm chí hai – vì không nhận ra bản chất của cuộc khủng hoảng. Các chính sách quá thận trọng, quá chậm và thiếu phối hợp khiến niềm tin của thị trường ngày càng xói mòn. Ngược lại, Trung Quốc đang có trong tay một “sách giáo khoa kinh nghiệm” quý giá – và vấn đề chỉ là liệu họ có hành động kịp lúc hay không?
Trong thời kỳ "mọi cá nhân hành xử hợp lý, nhưng kết quả lại phi lý", chính phủ là người duy nhất có thể hành xử khác biệt, Bắc Kinh cần:
- Tăng chi tiêu công để thay thế cho tiêu dùng tư nhân suy yếu.
- Tiếp tục cải cách hệ thống tài chính để dòng tiền không nằm chết trong trái phiếu và ngân hàng.
- Thúc đẩy tiêu dùng nội địa qua trợ giá, giảm thuế và các biện pháp kích cầu có trọng tâm.
Trung Quốc đang đứng trước một lựa chọn định mệnh. Nếu không phản ứng đủ mạnh, nền kinh tế có thể trượt vào “kỷ nguyên mất mát” như Nhật Bản từng trải qua – kéo dài hàng chục năm, hao mòn động lực và chôn vùi kỳ vọng. Nhưng nếu hành động quyết liệt, sử dụng đúng đòn bẩy tài khóa, huy động công nghệ, và khơi lại niềm tin tiêu dùng – Trung Quốc vẫn có thể bẻ lái lịch sử.
Sự khác biệt đôi khi không nằm ở các chỉ số vĩ mô, mà ở khả năng đọc được tâm lý con người, và can thiệp khi niềm tin vẫn còn có thể cứu vãn.
Nội dung liên quan
- Chứng sĩ Việt vẫn lo Trump đánh thuế? Nhìn sang Trung Quốc đi cho an tâm!
- Cung tiền M1 của Trung Quốc tăng dựng đứng giữa khủng hoảng bất động sản
- Ông Tập Cận Bình gặp loạt doanh nhân hàng đầu Trung Quốc, khẳng định một nguyên tắc bất di bất dịch, Jack Ma và nhiều ông trùm công nghệ góp mặt
- Bất động sản Trung Quốc chìm sâu trong khủng hoảng, ngay cả những cái tên khoẻ mạnh nhất cũng ngộp thở, nguy cơ sụp đổ hàng loạt