Thủ tướng yêu cầu sớm bỏ "room" tín dụng, chuyển sang điều hành theo cơ chế thị trường
09:45 04/07/2025
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương chiều 3/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tín dụng – cụ thể là giao hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng – và chuyển sang điều hành theo cơ chế thị trường.
Theo chỉ đạo, NHNN cần xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng, thay thế cho việc áp trần tăng trưởng tín dụng từng năm, và báo cáo Thủ tướng trong tháng 7.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: VGP)
Hạn mức tín dụng – hay còn gọi là "room" tín dụng – đã được NHNN áp dụng hơn một thập kỷ qua, nhằm kiểm soát tổng dư nợ và phục vụ các mục tiêu vĩ mô như kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, cung tiền. Tuy nhiên, cơ chế này đến nay được cho là không còn phù hợp, một số trường hợp còn khiến hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp khi ngân hàng “cạn room”.
Trên thực tế, NHNN đã bắt đầu lộ trình nới lỏng và tiến tới xóa bỏ cơ chế hạn mức, với việc miễn trừ room tín dụng cho các chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ năm 2023. Với các tổ chức tín dụng trong nước, cơ quan quản lý cũng đang rà soát để điều chỉnh dần. Dù vậy, NHNN vẫn lo ngại việc bỏ hoàn toàn công cụ này có thể dẫn đến cuộc đua lãi suất và làm gia tăng rủi ro tín dụng như giai đoạn trước 2011.
Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên và hướng tới mức hai con số trong những năm tiếp theo. Để hỗ trợ mục tiêu này, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng được đặt ở mức khoảng 16%, cao hơn 0,92 điểm phần trăm so với mức thực hiện năm 2024.
Tính đến ngày 26/6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt hơn 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm ngoái và 18,87% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất trong hai năm trở lại.
Từ đầu năm, NHNN vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, qua đó góp phần ổn định mặt bằng lãi suất trên thị trường. Hiện lãi suất cho vay bình quân đang ở mức 6,38%/năm, giảm khoảng 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024.
Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh NHNN cần tiếp tục duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, và trình Nghị định sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng trong tháng 7. Đồng thời, chỉ đạo hệ thống ngân hàng giảm lãi suất cho vay, đảm bảo cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ tăng trưởng.
Ngoài lĩnh vực ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh huy động tổng đầu tư toàn xã hội, với mục tiêu tăng từ 11–12% so với năm 2024. Các địa phương phải đảm bảo giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay, và hoàn thành xây dựng 100.000 căn nhà ở xã hội trước ngày 31/12/2025./.