Thông tin trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà nêu tại tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 diễn ra hôm 3/7.
Cụ thể, lãnh đạo NHNN cho biết, trong nửa đầu năm, nhà điều hành đã bám sát các diễn biến thực tế, diễn biến của thị trường, qua đó điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã tích cực thực hiện chỉ đạo của NHNN trong việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động. Điều này giúp tiết giảm chi phí đầu vào, tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Về tín dụng, để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, NHNN cũng đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vào năm nay là khoảng 16% và có điều chỉnh theo cái diễn biến tình hình kinh tế.
Theo số liệu được Phó Thống đốc cập nhật, tính đến ngày 26/6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tức là tăng khoảng 8,3% so với cuối năm 2024. Nếu so với cùng kỳ (cuối tháng 6/2024), tín dụng tăng khoảng 18,87%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2023 đến nay.
Theo đó, cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Một số ngành chính như nông lâm thủy sản chiếm khoảng 6,37%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 12,84%.
Ngành xây dựng chiếm 7,53%. Trong xây dựng thì có cả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng - ngành hàng được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh tín dụng trong thời gian vừa qua. Các ngành dịch vụ khác như bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn là khoảng 23,74%./.