Nhà kinh tế học tại Đại học Chicago lên tiếng cho rằng chính quyền Mỹ đã dùng sai công thức trong nghiên cứu của ông để tính toán mức thuế đối ứng áp lên 180 đối tác thương mại, bao gồm cả Việt Nam.
Trong bài bình luận đăng ngày 7/4, giáo sư kinh tế Brent Neiman, Đại học Chicago, khẳng định chính quyền Tổng thống Donald Trump đã trích dẫn sai và diễn giải sai nghiên cứu của ông cùng các cộng sự để làm cơ sở cho chính sách thuế đối ứng với hàng loạt quốc gia trên thế giới.
Theo ông Neiman, nếu vận dụng đúng phương pháp tính được nhóm ông công bố vào tháng 3/2021, mức thuế Mỹ áp lên các nước hiện nay lẽ ra phải thấp hơn ít nhất... 4 lần.

Brent Neiman, giáo sư kinh tế tại Đại học Chicago ở Mỹ
"Làm sao họ lại đưa ra những con số khổng lồ như thế?", Neiman kể lại phản ứng đầu tiên của mình vào ngày 2/4, khi ông Trump công bố mức thuế nhập khẩu đối ứng dao động từ 10-50%.
Và rồi chỉ một ngày sau, ông nhận ra chính bản thân mình có liên quan trực tiếp đến sự việc này. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã công bố phương pháp tính thuế, trích dẫn công trình nghiên cứu của bốn nhà kinh tế học – trong đó có Neiman – như một bằng chứng học thuật để hậu thuẫn cho các con số thuế suất nặng nề.
“Vấn đề là họ đã hiểu sai. Rất sai”, Neiman nhấn mạnh.
Thâm hụt thương mại không phải bằng chứng bất công
Từng là quan chức trong Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden, Neiman cho biết ông không đồng tình với các chính sách thương mại mà chính quyền ông Trump đang thúc đẩy.
“Ngay cả khi giả định rằng chủ trương này là hợp lý, thì theo tính toán của chúng tôi, mức thuế hợp lý phải thấp hơn rất nhiều – chỉ bằng khoảng một phần tư so với mức hiện hành”, ông nói.
Theo công thức mà USTR công bố, chính quyền Mỹ sử dụng nhiều biến số để xác định mức thuế đối ứng, từ kim ngạch xuất - nhập khẩu, mức độ biến động nhu cầu, chênh lệch giá, cho đến các yếu tố mang tính chính sách như môi trường, thuế tiêu thụ hay thao túng tiền tệ. Số liệu thống kê được lấy từ Cục Thống kê Mỹ năm 2024.
Tuy nhiên, theo Neiman, nhóm cố vấn của ông Trump đã "tự ý" gán hệ số φ (ảnh hưởng của thuế lên giá hàng hóa) là 0,25 (25%) – điều mà ông cho rằng là vô căn cứ.

Công thức tính thuế đối ứng được đăng trên website của USTR
“25% đó từ đâu ra? Có liên quan gì đến nghiên cứu của chúng tôi không? Tôi không hiểu nổi. Nếu USTR sử dụng hệ số gần với mức 95% từ nghiên cứu của chúng tôi – điều lẽ ra họ nên làm – thì kết quả tính ra sẽ thấp hơn hiện tại rất nhiều”, Neiman lập luận.
Vị giáo sư cho rằng sai lầm lớn nhất của nhóm hoạch định chính sách là sử dụng thuế đối ứng như một công cụ để xóa bỏ thâm hụt thương mại song phương – điều mà ông cho là vừa sai về mặt kinh tế, vừa nguy hiểm về mặt chiến lược.
“Thâm hụt không chứng minh được rằng có cạnh tranh không công bằng, chứ chưa nói đến chuyện nó là bằng chứng của sự bất công. Nhưng USTR lại tính mức thuế dựa trên mục tiêu xóa sạch thâm hụt với từng đối tác – một mục tiêu hoàn toàn phi lý”, Neiman nhấn mạnh.
Theo ông, thâm hụt thương mại là kết quả của nhiều yếu tố như cấu trúc kinh tế, sự khác biệt về tài nguyên, trình độ phát triển, và lợi thế so sánh – không liên quan gì đến hành vi thương mại không công bằng.
“Người Mỹ chi nhiều tiền cho quần áo từ Sri Lanka hơn người Sri Lanka chi cho dược phẩm hay tuabin khí từ Mỹ. Vậy thì sao? Điều đó chỉ phản ánh sự khác biệt giữa hai nền kinh tế, chứ không phải là lý do để áp thuế”, ông lập luận.
Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng tuần trước tuyên bố rằng chính sách thuế mới nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại, kích thích sản xuất nội địa và tăng nguồn thu cho chính phủ liên bang. Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh rằng chính sách này sẽ giúp phục hồi việc làm trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ.
Hiện tại, bên cạnh mức thuế chung 10%, khoảng 60 đối tác thương mại lớn sẽ chịu mức thuế cao hơn bắt đầu từ ngày 9/4. Trong số này, Liên minh châu Âu (EU) bị áp mức 20%, trong khi Trung Quốc chịu thêm 34% thuế – nâng tổng mức lên 54%, chưa kể mức thuế cũ 20%./.