Hơn cả thời Covid, chỉ số VN-Index rơi thẳng đứng sau khi ông Donald Trump công bố mức thuế đối ứng 46% đối với Việt Nam. Bán tháo lan rộng toàn cầu, chỉ số Hang Seng Index giảm hơn 10%, chứng khoán Nhật Bản và Đài Loan buộc phải tạm ngưng giao dịch.
Có phải fundamental tăng trưởng của Việt Nam đã thay đổi? Kinh tế Việt Nam sẽ ra sao?
Đó là những lo ngại chưa có câu trả lời xác đáng.
Dù thế nào, chúng ta có thể xác quyết rằng giai đoạn Việt Nam có được sự ổn định tương đối trước biến động vĩ mô thế giới đã qua.
Mà bất định vốn là kẻ thù của thị trường chứng khoán…
Thuế đối ứng là gì?
Thuế đối ứng (reciprocal tariff) là loại thuế hoặc các rào cản phi thuế quan mà một quốc gia áp dụng đối với quốc gia khác, ‘có đi có lại’, nhằm đạt được sự cân bằng trong cán cân thương mại.
Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, thuế quan đối ứng là “nếu họ đánh thuế chúng ta, chúng ta sẽ đánh thuế họ cùng mức như vậy”. Còn theo Bộ trưởng Bộ thương mại Mỹ Howard Lutnick, thuế quan đối ứng là “các bạn đối xử với chúng tôi thế nào, tôi sẽ đáp trả bạn như thế”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent ước tính nước này có thể thu từ 300 - 600 tỷ USD mỗi năm từ thuế quan. Nguồn thu này có thể được sử dụng để tài trợ cho các đợt cắt giảm thuế đang được Quốc hội Mỹ xem xét. Ông Bessent cho rằng, khi các nhà máy chuyển về Mỹ, nguồn thu từ thuế quan có thể giảm nhưng sẽ được bù đắp bởi sự gia tăng thuế thu nhập từ việc làm mới và hoạt động sản xuất trong nước.
Đằng sau công thức thuế đối ứng của chính quyền Trump
Công thức tính thuế đối ứng được đăng trên website của USTR
“Công thức “Reciprocal Tariff” mà Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đưa ra: Δτi = (xi − mi) / (ε * φ * mi) thoạt nhìn giống như một mô hình chính sách dựa trên nguyên lý kinh tế học vi mô, nhưng thực chất chỉ là một phép nội suy ngược từ hành vi tiêu dùng nhập khẩu.
Công thức này dựa trên hai định nghĩa kinh điển: hệ số truyền thuế vào giá hàng nhập khẩu (φ = %ΔP / Δτ) và độ co giãn cầu nhập khẩu theo giá (ε = %Δm / %ΔP).
Khi kết hợp lại, ta có: (%Δm = ε * φ * Δτ).
Nếu mục tiêu là làm giảm lượng nhập khẩu đúng bằng thâm hụt thương mại (Δm = xi − mi), thì việc giải ngược công thức dẫn đến biểu thức trên – một công thức đúng về mặt số học, nhưng mang tính triệu chứng, không chạm vào nguyên nhân.
…
Dù USTR tính Δτ lý thuyết lên tới 90%, mức áp thực tế với Việt Nam chỉ là 46%. Không phải công thức sai, mà vì nó đã hoàn thành vai trò chiến lược: thiết lập mức sàn đàm phán, tạo dư địa ép nhượng bộ. Công thức Δτ không còn là một mô hình học thuật trung lập, mà là một ngôn ngữ chiến lược, dùng để “định danh hóa” áp lực chính trị bằng ký hiệu kỹ thuật. Nó tạo ảo giác khách quan cho một hành động đã có chủ đích quyền lực từ đầu.
…
Tóm lại, công thức Δτ chỉ đúng trong một thế giới tĩnh, tuyến tính và thiếu phản xạ. Do đó, phản ứng đúng với Δτ không phải là tranh cãi con số, mà là đọc được thông điệp chiến lược phía sau nó. Với Việt Nam, thay vì chỉ tìm cách “hạ” Δτ, điều cần làm là tái cơ cấu xuất khẩu, nâng tỷ lệ nội địa hóa, chuyển từ gia công sang sáng tạo giá trị, và xây dựng vị thế thương lượng dựa trên năng lực.
…
Việc ngụy trang biểu thức này bằng ký hiệu Hy Lạp và viện dẫn học thuật khiến công thức tưởng như có chiều sâu, nhưng thực chất là một biểu thức chính trị được “kỹ thuật hóa” (technocratization) để tạo vỏ bọc chính danh” - trích báo cáo của Hedge Academy.
Nếu xác định mức thuế đối ứng của chính quyền Trump 2.0 bản chất là gây sức ép chính trị để đàm phán, thì tại sao họ phải làm điều này?
Trước hết, hãy đứng ở góc độ của Mỹ.
Theo Autor, Dorn và Hanson (2016), trong giai đoạn từ năm 2000 - 2011, có khoảng 600.000 - 1 triệu việc làm trong ngành sản xuất tại Mỹ biến mất khi hoạt động thương mại với Trung Quốc gia tăng. Đáng nói, càng thâm hụt với Trung Quốc, số lượng việc làm tại Mỹ mất đi càng nhiều. Các tác giả gọi đây là “cú sốc Trung Hoa” (China shock). Với nhiều cộng đồng ở Mỹ, “tổn thất là rất nghiêm trọng”.
Giờ đây, vấn đề không chỉ dừng lại ở thương mại. Trung Quốc và Nga đã trở thành các mối đe dọa an ninh không thể xem thường, đe doạ vị thế thống trị của Mỹ. Trong bối cảnh đó, việc gây dựng lại ngành công nghiệp sản xuất đang là mục tiêu hàng đầu của giới lãnh đạo nước này.
Xét riêng ở lĩnh vực quốc phòng, nếu không có chuỗi cung ứng để sản xuất vũ khí và hệ thống phòng thủ, bạn không có an ninh quốc gia. Quan điểm này của giới chức Mỹ từng được Tổng thống Trump cụ thể hóa qua tuyên bố: “Nếu bạn không có thép, bạn không có (an ninh) quốc gia”.
Hay như nhà kinh tế học Stephen Miran - Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của chính quyền Trump, đã viết trong tài liệu “A User’s Guide to Restructuring the Global Trading System” (2024): Nguồn gốc của sự bất mãn nằm ở đồng đô la (The Roots of Economic Discontent Lie in the Dollar).
Cụ thể:
“Sự bất mãn sâu sắc với trật tự kinh tế hiện hành bắt nguồn từ việc đồng đô la bị định giá quá cao kéo dài và các điều kiện thương mại bất cân xứng.
Việc này khiến hàng xuất khẩu của Mỹ kém cạnh tranh, hàng nhập khẩu trở nên rẻ hơn, và làm suy yếu ngành sản xuất Mỹ. Việc làm trong ngành sản xuất sụt giảm khi các nhà máy đóng cửa.
Các nền kinh tế địa phương suy thoái, nhiều gia đình lao động không còn khả năng tự nuôi sống bản thân, trở nên phụ thuộc vào trợ cấp chính phủ hoặc nghiện opioids, hoặc di cư đến những nơi thịnh vượng hơn. Cơ sở hạ tầng xuống cấp khi chính quyền không còn duy tu, nhà ở và nhà máy bị bỏ hoang. Các cộng đồng trở nên suy kiệt”.
Vị 'kiến trúc sư trưởng' cho các chính sách kinh tế của chính quyền Trump gọi tình trạng trên là “The Triffin World”.
Để hiểu thêm. Nghịch lý Triffin (The Triffin Dilemma) được “lấy cảm hứng” theo tên nhà kinh tế học Robert Triffin, với niềm tin rằng đồng USD không thể tồn tại như một loại tiền tệ dự trữ của thế giới nếu không khiến Mỹ phải chịu thâm hụt ngày càng tăng.
Ông Trump cầm tấm bảng ghi mức thuế nhập khẩu đối ứng áp dụng cho các nước, trong đó có Việt Nam (Ảnh: Reuters)
Cơ sở áp thuế của chính quyền Trump
Có thể hiểu, chính quyền Trump sẽ cân nhắc các vấn đề về thương mại và an ninh quốc gia khi đưa ra mức thuế đối với từng quốc gia. Vậy các tiêu chí đó cụ thể là gì?
Ông Scott Bessent - Bộ trưởng Tài chính Mỹ - từng đề xuất phân loại các quốc gia thành các nhóm khác nhau dựa trên các chính sách tiền tệ, các điều khoản của các thỏa thuận thương mại song phương, các thỏa thuận an ninh, các giá trị và yếu tố khác.
Theo đó, những nhóm này có thể chịu các mức thuế khác nhau và chính phủ có thể chỉ ra những hành động mà các đối tác thương mại cần thực hiện để di chuyển giữa các nhóm.
Ý tưởng của cách làm này là thuế quan sẽ tạo ra sức ép đàm phán, qua đó khuyến khích các điều khoản thương mại và an ninh tốt hơn từ phần còn lại của thế giới. Mỹ sẽ khuyến khích các quốc gia khác di chuyển xuống các bậc thuế thấp hơn, cải thiện việc chia sẻ thâm hụt thương mại.
Chẳng hạn, Mỹ có thể phân loại mức thuế dành cho các quốc gia dựa trên các tiêu chí sau:
- Liệu quốc gia đó áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ như Mỹ áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ quốc gia đó vào thị trường Mỹ?
- Liệu quốc gia đó có lịch sử thao túng đồng tiền của mình, chẳng hạn thông qua việc tích lũy một lượng lớn dự trữ ngoại hối?
- Liệu quốc gia đó có mở cửa thị trường của mình cho các công ty Mỹ như Mỹ mở cửa thị trường cho các công ty nước ngoài hoạt động tại Mỹ?
- Liệu quốc gia đó có tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ không?
- Liệu quốc gia đó có giúp Trung Quốc tránh thuế quan thông qua việc tái xuất khẩu không?
- Liệu quốc gia đó có thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ NATO của mình không?
- Liệu quốc gia đó có đứng về phía Trung Quốc, Nga và Iran trong các tranh chấp quốc tế quan trọng, ví dụ tại Liên Hợp Quốc?
- Liệu quốc gia đó có giúp các thực thể bị cấm vận né tránh các biện pháp cấm vận, hoặc buôn bán với các thực thể bị cấm vận không?
- Liệu quốc gia đó có ủng hộ hay phản đối các nỗ lực an ninh của Mỹ tại các khu vực khác nhau?
- Liệu quốc gia đó có chứa chấp kẻ thù của Mỹ, ví dụ như khủng bố hay tội phạm mạng không?
- Liệu lãnh đạo quốc gia đó có công khai chống lại Mỹ trên trường quốc tế không?
Sau thuế đối ứng là gì?
Cũng tại tài liệu được xem là nền tảng cho cho các chính sách thương mại của chính quyền Trump 2.0 nêu trên, bên cạnh các đòn thuế quan, chuyên gia kinh tế học Stephen Miran đã đề cập tới một khái niệm gọi là “currency offset”.
“Một cú sốc đột ngột về tỷ lệ thuế quan có thể gây ra sự biến động trên thị trường tài chính. Biến động đó có thể xảy ra thông qua sự gia tăng bất định, lạm phát cao hơn và các mức lãi suất cần thiết để trung hòa lạm phát, hoặc thông qua một đồng tiền mạnh hơn và các tác động lan tỏa từ đó”, ông viết.
Do đó, có thể hiểu currency offset - theo góc nhìn của GS Stephen Miran - là sự điều chỉnh trong chính sách tiền tệ, tỷ giá để giảm thiểu tác động của các đòn thuế quan nhập khẩu đối với người dân Mỹ. Theo thống kê của vị chuyên gia này, trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 2018-2019, currency offset đã diễn ra hiệu quả.
Ông cũng đề xuất một số giải pháp để điều tiết tỷ giá USD theo ý muốn của chính quyền Trump mà không cần Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải hạ lãi suất.
Đơn cử như việc áp dụng một mức phí đối với những ai đang nắm giữ chứng khoán Kho bạc Mỹ (a user fee on foreign official holders of Treasury securities) bằng việc giữ lại một phần của khoản thanh toán lãi suất đối với những tài sản đó. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo thêm nguồn thu để Mỹ bù đắp các thiệt hại cho ngành sản xuất.
“Đầu tiên, bắt đầu nhỏ và tiến hành từng bước. Bằng cách bắt đầu với một mức phí sử dụng nhỏ, chẳng hạn 1% trên các khoản thanh toán lãi, Bộ Tài chính có thể tránh làm phát sinh một làn sóng dòng tiền lớn. Nếu mức phí đó không đủ để đạt được mục tiêu giảm giá trị đồng đô la, có thể tăng lên 2%. Và cứ như thế…”
Trật tự toàn cầu mới đang hình thành?

Trong cuốn Principles for Dealing with the Changing World Order, chuyên gia quản lý quỹ danh tiếng Ray Dalio mô tả một “Big Cycle” gồm 6 giai đoạn:
(1) Tăng trưởng mạnh mẽ dựa vào trật tự ổn định
(2) Hưng thịnh → dư thừa → nợ chồng chất
(3) Suy thoái, phân cực xã hội
(4) Vỡ trật tự → hỗn loạn
(5) Tái cấu trúc toàn diện (Great Restructuring)
(6) Hình thành trật tự mới
Chúng ta đang ở cuối giai đoạn 4, bước sang giai đoạn 5 – thời điểm hỗn loạn và tái cấu trúc.
Đối với Việt Nam, tác động của thương chiến sẽ không chỉ dừng lại ở những con số GDP đơn thuần, hay bó hẹp ở các ngành sản xuất, xuất khẩu.
Bất động sản công nghiệp có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dòng vốn FDI chậm lại (thậm chí rời đi), khiến giá đất cho thuê mặt bằng khu công nghiệp chững lại hoặc giảm mạnh. Kéo theo đó là việc cắt giảm việc làm, cắt giảm nhân sự (cả lao động phổ thông và chuyên gia cấp cao).
Xa hơn là tác động tới thị trường bất động sản nhà ở, một trong những trụ cột khác của nền kinh tế.
Đối với doanh nghiệp sản xuất, có 3 cách xử lý thuế nhập khẩu
(1) Chuyển phần thuế tăng lên cho người tiêu dùng chịu, bản chất là do nothing, tức không làm gì cả. Nếu thế thì loại hàng hoá càng không thiết yếu chừng nào, lượng sản phẩm dôi dư càng nhiều. Doanh nghiệp sẽ phải tìm các thị trường mới để tiêu thụ lượng hàng dôi dư. Mà việc này không chỉ có các doanh nghiệp Việt thực hiện.
(2) Công ty gánh một phần mức thuế. Cụ thể, mỗi doanh nghiệp sẽ lên nhiều phương án, thử và sai để dò phản ứng.
(3) Chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ. Xây nhà máy, tuyển công nhân Mỹ, bán cho người Mỹ. Đây là cách ông Trump thích nhất, là lá bài bầu cử lấy phiếu nhóm lao động nhưng cũng là cách khó làm nhất với đa số doanh nghiệp. Làm thế nào để những doanh nghiệp dệt may, da giày, thuỷ sản Việt Nam mở nhà máy ở Mỹ và có lời?
Đến đây hẳn bạn cũng đã dự đoán phương án nào mà các doanh nghiệp sẽ chọn. Vấn đề duy nhất là mức độ đến đâu.
Đối với mỗi cá nhân
Cách bền vững lâu dài có là tự nâng trình mình lên để có nhiều phương án việc làm, để bản thân không/khó có thể bị thay thế./.