
Sản xuất Trung Quốc suy yếu tháng thứ ba liên tiếp, lo ngại giảm phát gia tăng
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục sụt giảm trong tháng 6 – tháng thứ ba liên tiếp đi xuống, bất chấp các biện pháp kích thích của Bắc Kinh nhằm vực dậy lĩnh vực công nghiệp.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) tăng nhẹ từ 49,5 lên 49,7. Song, mức dưới ngưỡng 50 cho thấy sản xuất vẫn đang thu hẹp.
Một số tín hiệu tích cực đã xuất hiện: chỉ số phụ về sản lượng tăng lên 51, còn đơn hàng mới nhích lên 50,2. Điều này cho thấy nhu cầu cải thiện và sản xuất phần nào phục hồi, theo ông Zhao Qinghe – chuyên gia của NBS.
Tuy nhiên, tồn kho và việc làm tại các nhà máy vẫn tiếp tục suy yếu, lần lượt ở mức 48 và 47,9.
Không chỉ ngành sản xuất, hoạt động trong khu vực dịch vụ và xây dựng – được đo bằng chỉ số PMI phi sản xuất – cũng có diễn biến đối lập.
Trong khi ngành xây dựng duy trì đà phục hồi mạnh nhờ các dự án hạ tầng, với điểm số tăng lên 52,8, thì dịch vụ lại gần như đi ngang ở mức 50,1. Chỉ số chung của cả khối tăng từ 50,3 lên 50,5 trong tháng 6.
Ngay sau khi số liệu được công bố, chỉ số CSI 300 trên sàn chứng khoán Trung Quốc đã nhích nhẹ 0,22%.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc tiếp đà suy yếu (Nguồn: CNBC)
Còn nhiều thách thức
Theo ông Zichun Huang – chuyên gia kinh tế tại Capital Economics – nền kinh tế Trung Quốc đã lấy lại đà tăng trưởng, nhờ sản xuất và xây dựng phục hồi. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo triển vọng nửa cuối năm vẫn còn nhiều thách thức do xuất khẩu suy yếu và các gói kích thích tài khóa bắt đầu giảm hiệu lực.
Trong khi đó, lĩnh vực xuất khẩu – vốn là động lực tăng trưởng then chốt của Trung Quốc – cũng bắt đầu phát tín hiệu khả quan hơn.
Đơn hàng xuất khẩu mới, một chỉ số thành phần trong PMI, tăng lên 47,5 từ mức 44,7 của tháng trước, cho thấy nhu cầu từ Mỹ có thể đang phục hồi sau khi thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung hồi tháng 5.
Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn phải vật lộn với cuộc chiến giá ngày càng khốc liệt do thị trường nội địa thừa cung, thiếu cầu. Phía bên ngoài, thuế nhập khẩu của Mỹ lại tăng lên.
Cụ thể, trong tháng 5, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ lao dốc 34,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, con số này đã giảm hơn 21% trong tháng 4.
Nhiều nhà xuất khẩu buộc phải chuyển hướng sang thị trường khác để tránh mức thuế ba chữ số từng được áp dụng ngắn hạn bởi Washington.
Cường quốc tiêu dùng
Bắc Kinh đang nỗ lực chuyển trọng tâm sang kích cầu nội địa. “Trung Quốc hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc tiêu dùng”, Thủ tướng Lý Cường tuyên bố vào tuần trước.
Tuy nhiên, giá cả tiêu dùng vẫn chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi. Chỉ số CPI tháng 5 giảm 0,1% so với cùng kỳ, cho thấy nền kinh tế vẫn đang vật lộn với áp lực giảm phát.
Cùng lúc, chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2023, làm trầm trọng thêm tình trạng suy yếu trong lĩnh vực sản xuất kéo dài suốt hơn 2 năm qua.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp trong tháng 5 cũng sụt mạnh 9,1% – mức giảm sâu nhất trong 7 tháng gần đây.
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ cần thêm các biện pháp kích thích tài khóa để hỗ trợ nhu cầu trong nước.
“Chúng tôi kỳ vọng chính phủ sẽ tiếp tục phát hành phiếu mua hàng, mở rộng các chương trình đổi thiết bị cũ lấy mới và đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong nửa cuối năm”, ông Tommy Xie – Trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại Ngân hàng OCBC – nói.
Cùng lúc, quan hệ thương mại với Mỹ cũng có dấu hiệu tan băng. Hôm 27/6, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hai nước đã đạt được đồng thuận về một số chi tiết trong khuôn khổ thương mại hiện tại.
Theo đó, Bắc Kinh sẽ xem xét cấp phép xuất khẩu với một số mặt hàng bị kiểm soát, trong khi Washington sẽ dỡ bỏ một loạt biện pháp hạn chế nhằm vào Trung Quốc.
Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng vẫn còn nhiều điều bỏ ngỏ, đặc biệt là tiêu chí phía Trung Quốc đặt ra để xét duyệt các đơn hàng xuất khẩu những sản phẩm nhạy cảm như nam châm đất hiếm.
Cuối tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng khẳng định sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào giữa Mỹ và bên thứ ba nếu điều đó làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc.
“Nếu xảy ra tình huống như vậy, Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp”, cơ quan này nhấn mạnh.
Dự kiến, dữ liệu PMI do Caixin và S&P Global công bố ngày 1/7 tới sẽ tiếp tục làm rõ xu hướng hiện tại. Theo dự báo, chỉ số này có thể tăng nhẹ từ 48,3 lên 49 điểm trong tháng 6.
Nguồn tham khảo: CNBC
Nội dung liên quan
- Trung Quốc đẩy mạnh quốc tế hóa nhân dân tệ khi niềm tin vào USD suy giảm
- Ông Trump nới lỏng trừng phạt, bật đèn xanh cho Trung Quốc mua dầu Iran
- Thủ tướng đề nghị một ngân hàng "big 4" Trung Quốc tham gia xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam
- Trung Quốc: Xuất khẩu nam châm đất hiếm chạm đáy 5 năm