Quan chức Fed: Chính sách thuế quan của Trump có thể khiến lạm phát nóng trở lại
09:14 11/11/2024
Ông Neel Kashkari, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Minneapolis, cho rằng các đề xuất thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể khiến tình hình lạm phát dài hạn xấu đi nếu các đối tác thương mại toàn cầu của Mỹ phản ứng bằng cách “ăn miếng trả miếng”.
“Thuế quan chỉ đánh một lần sẽ không có tác động lâu dài lên lạm phát. Thách thức xuất hiện khi các nước bị Mỹ áp thuế quan phản ứng bằng cách áp thuế quan trả đũa và xung đột leo thang. Trong tình huống này, triển vọng của lạm phát trở nên đáng lo ngại và khó đoán định hơn nhiều”, ông Kashkari phân tích trên chương trình của đài CBS hôm 10/11.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Donald Trump đã khởi động chiến tranh thương mại với Trung Quốc bằng cách áp thuế nhập khẩu lên một loạt hàng hóa Trung Quốc, khiến Bắc Kinh trả đũa bằng cách tung ra thuế quan với hàng hóa Mỹ.
Đến khi tái đắc cử Tổng thống, một trong những đề xuất kinh tế chủ đạo của ông Trump cho nhiệm kỳ thứ hai là áp thuế phổ quát lên hàng nhập khẩu của mọi quốc gia, đặc biệt nâng thuế quan với Trung Quốc lên 60%.
Các nhà kinh tế, nhà phân tích Phố Wall và lãnh đạo nhiều ngành đã không ít lần bày tỏ lo ngại về tác động của chính sách thương mại cứng rắn đó lên lạm phát, đặc biệt là khi áp lực giá mới bắt đầu hạ nhiệt từ mức đỉnh trong đại dịch.
Ông Kashkari bình luận: “Chúng tôi đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống lạm phát. Dĩ nhiên tôi chưa muốn vội tuyên bố chiến thắng. Fed cần hoàn tất công việc, nhưng chúng tôi đang bước trên con đường thuận lợi”.
Tuần trước, Fed giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát hướng về mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Ông Kashkari dự kiến Fed sẽ thực hiện một đợt cắt giảm nữa vào tháng 12, nhưng thực tế sẽ vẫn phụ thuộc vào dữ liệu vào thời điểm đó.
Còn đối với các đề xuất chính sách lớn khác của ông Trump như trục xuất lượng lớn lao động nhập cư, ông Kashkari lưu ý rằng rủi ro lạm phát vẫn chưa rõ và do vậy Fed sẽ “chờ đợi và theo dõi” trước khi điều chỉnh chính sách.
Ông Trump và các đồng minh như CEO Tesla Elon Musk cũng thể hiện mong muốn cho phép tổng thống Mỹ có tiếng nói đối với các quyết định chính sách của Fed, theo tờ CNBC.
Fed coi sự độc lập về mặt chính trị là yếu tố cốt lõi cho phép các quan chức định hình chính sách tiền tệ hoàn toàn dựa trên sức khỏe của nền kinh tế, không phải lo về việc được bổ nhiệm hay bị sa thải.
Song, ông Kashkari không lo lắng về ảnh hưởng của chính trị đến quyết định của Fed.
“Tôi tự tin rằng Fed sẽ tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ kinh tế. Đó là nhân tố quyết định các hành động của chúng tôi trong hiện tại và tương lai”, ông cho biết./.
Nguồn tham khảo: Doanh nhân Việt Nam