Cao Lê Minh Long Thứ Năm, 7/11/2024, 14:25 (GMT+7)
Người theo dõi

Trung Quốc đã chuẩn bị như thế nào cho kỷ nguyên Trump 2.0?

Khi ông Donald Trump bắt đầu cuộc chiến thương mại ở nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2018, Bắc Kinh lúc đó đã tỏ ra bị động và thiếu sự nhất quán trong các quyết định đáp trả của mình. 6 năm trôi qua, ông Trump đã chuẩn bị quay trở lại Nhà Trắng, còn Trung Quốc cũng được cho là đã có những chiến lược cần thiết cho một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 2.0.
Trung Quốc đã chuẩn bị như thế nào cho kỷ nguyên Trump 2.0?

Sau 6 năm, ông Tập một lần nữa chuẩn bị đối đầu với người đồng cấp phía Mỹ trong một cuộc chiến thương mại

Ông Donald Trump - chủ nhân mới của tòa Bạch Ốc - đã đe dọa sẽ áp mức thuế quan lên tới 60% đối với hàng hóa của Trung Quốc. Theo các chuyên gia, con số 60% đủ sức để tàn phá nền thương mại giữa 2 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.

Dù vậy, Trung Quốc - đất nước với danh xưng "công xưởng của thế giới" - trong suốt thời gian vừa qua đã thực hiện các bước đi chiến lược để giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách thuế mà ông Donald Trump đe dọa sẽ áp lên các mặt hàng của quốc gia này, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho các đòn “hồi mã thương”.

Cụ thể, nền kinh tế số 2 thế giới đã mở rộng bộ cung cụ của mình, bao gồm việc thắt chặt kiểm soát đối với hoạt động xuất khẩu các nguyên liệu thô quan trọng, áp thuế với các mặt hàng nông sản và đưa vào "tầm ngắm" hàng loạt công ty Mỹ để sẵn sàng có những hành động đáp trả.

Bên cạnh đó, quốc gia tỷ dân cũng dựa vào xuất khẩu các mặt hàng như xe điện và pin để vực dậy nền kinh tế vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi áp lực giảm phát và những khó khăn của thị trường bất động sản.

Ngoài ra, các nhà lập pháp của Trung Quốc đang tổ chức các cuộc họp trong tuần này nhằm xây dựng thêm các chính sách thúc đẩy nền kinh tế phục hồi.

Đã chuẩn bị kĩ càng cho kỷ nguyên Trump 2.0, nhưng dĩ nhiên, chính quyền Bắc Kinh hơn hết vẫn muốn tránh một cuộc chiến thuế quan có nguy cơ gây ra hậu quả tàn khốc hơn rất nhiều so với lần năm 2018.

Nhiều chuyên gia tin rằng, nếu ông Donald Trump hiện thực hóa lời đe dọa áp thuế, Trung Quốc sẽ phải có những biện pháp mạnh tay hơn nữa để bảo vệ nền kinh tế.

Tuần trước, Goldman Sachs Group đã tiết lộ thông tin về việc các hạn chế thương mại có thể khiến chính quyền Bắc Kinh phải thúc đẩy tiêu dùng trong nước – điều mà giới chức Trung Quốc luôn tìm cách né tránh.

Bên cạnh đó, đồng Nhân dân tệ trên thị trường quốc tế đã giảm tới 1,3% so với đồng USD – mức giảm cao nhất kể từ tháng 10/2022. Cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc được niêm yết tại thị trường chứng khoán Hong Kong cũng chìm trong sắc đỏ khi chỉ số Hang Sheng (HIS) ghi nhận mức giảm 2,6%.

“Trung Quốc khó có thể đáp trả nếu ông Donald Trump quyết định áp mức thuế 60% đối với hàng hóa nước này. Thay vào đó, chính quyền Bắc Kinh sẽ công bố một biện pháp kích thích kinh tế lớn hơn để chống lại các ảnh hưởng tiêu cực”, bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis SA, cho biết.

Năm ngoái, thị trường Mỹ chiếm 15% (tương đương khoảng 500 tỷ USD) trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc. Nếu ông Donald Trump hiện thực hóa lời đe dọa áp thuế của mình, vị Tổng thống 78 tuổi có thể “thổi bay” phần lớn con số 500 tỷ USD trên, đồng thời gây tổn hại cho các công ty Trung Quốc vốn đang phải đối mặt với tình trạng kinh tế trong nước trì trệ và giá cả liên tục suy giảm.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chính quyền Bắc Kinh luôn ý thức được những hiểm họa tiềm tàng một khi ông Donald Trump tái đắc cử, đồng thời chuẩn bị sẵn các phương án đối phó. Lần này, với những sự chuẩn kĩ càng như vậy, liệu Trung Quốc hay Mỹ sẽ là bên có lợi thế quyết định? Cùng chờ xem!

Nguồn tham khảo: Bloomberg

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên