“Thuế quan là thứ tuyệt vời nhất từng được phát minh”, ông Donald Trump tuyên bố với đám đông người ủng hộ trong bài phát biểu tại toà thị chính thành phố Warren (bang Michigan) cách đây hai tuần.
Theo một phân tích của viện chính sách Tax Foundation, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã áp thuế quan lên khoảng 380 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ.
Hàng nghìn sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, từ quần áo, xe đạp cho đến tivi và giày thể thao, phải chịu thuế đến hai chữ số. Ngoài ra, ông Trump còn nhắm vào thép, nhôm, máy giặt và tấm pin mặt trời của các nước khác.
Giờ đây, ứng viên của đảng Cộng Hòa đang cân nhắc nâng mức thuế quan đối với hàng hoá Trung Quốc lên 60% hoặc cao hơn. Ông cũng liên tục đề cập đến mức thuế quan chung lên đến 20% cho hàng nhập khẩu từ tất cả các nước khác.
Ông cũng đề xuất sử dụng thuế quan như một công cụ nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước. Để chính sách thêm hiệu quả, nhiều khả năng ông Trump sẽ sử dụng kết hợp thuế quan với việc cắt giảm thuế doanh nghiệp.
Viện Kinh tế Quốc tế Peterson lo ngại rằng kế hoạch áp thuế của ông Trump sẽ không còn giới hạn Mỹ trong cuộc thương chiến với Trung Quốc nữa mà sẽ trở thành cuộc chiến chống lại chính hệ thống thương mại.
Các mặt hàng nào của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng?
Theo số liệu của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, trong 8 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam đạt 94 tỷ USD - tăng khoảng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Việt Nam xuất khẩu khoảng 85,8 tỷ USD hàng hoá, là thị trường nhập khẩu lớn thứ 7 của Mỹ. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu khoảng 8,2 tỷ USD hàng hoá từ Mỹ.
Qua đó, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại hàng hoá khoảng 77,6 tỷ USD với nền kinh tế số một thế giới, đứng thứ ba trong danh sách sau Trung Quốc và Mexico.
Về các hàng hoá xuất khẩu sang Mỹ trong 8 tháng đầu năm, đứng đầu vẫn là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch của nhóm hàng này đạt 15,5 tỷ USD - tăng 50,8% so với cùng kỳ.
Tiếp đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 13 tỷ USD - tăng 22,9% so với một năm trước. Xuất khẩu dệt may sang Mỹ cũng tăng gần 8%, đạt 10,8 tỷ USD.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của nhiều nhóm hàng khác cũng tăng mạnh ở mức hai con số như điện thoại các loại và linh kiện đạt 7,3 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,7 tỷ USD; giày dép các loại đạt 5,6 tỷ USD,...
Nếu ông Trump xúc tiến kế hoạch áp thuế phổ quát lên hàng hoá của mọi quốc gia khác, các mặt hàng kể trên nhiều khả năng sẽ là những sản phẩm có nguy cơ rơi vào tầm ngắm./.
Nguồn: Doanh nhân Việt Nam