Sau nhiều năm đối đầu thương mại căng thẳng, quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn mới, nơi mà cạnh tranh không còn chỉ xoay quanh cán cân thương mại hay thuế quan, mà là sự định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu và trật tự kinh tế thế giới.
Cuộc chơi giờ đây là về quyền lực, công nghệ, ảnh hưởng chiến lược và khả năng kiểm soát các nguồn lực mang tính quyết định trong thế kỷ 21.

Cả hai siêu cường đang cùng lúc tìm cách giảm phụ thuộc vào nhau trong các lĩnh vực trọng yếu như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng. Washington không chỉ muốn kiềm chế ảnh hưởng công nghệ của Bắc Kinh mà còn muốn kéo các doanh nghiệp quay lại đầu tư trong nước.
Trong khi đó, Bắc Kinh đã theo đuổi chính sách “tự lực tự cường” từ lâu, xây dựng các công ty công nghệ nội địa và từng bước đẩy các công ty phương Tây ra khỏi các lĩnh vực chiến lược.
Cuộc chiến thuế quan tưởng chừng leo thang đến mức nguy hiểm, với đỉnh điểm là các mức thuế lên đến trên 100%, đã được kiềm chế phần nào. Tuy nhiên, sự nhượng bộ này không phản ánh một xu hướng hòa dịu bền vững, mà đúng hơn là một sự điều chỉnh chiến thuật tạm thời nhằm tránh tổn thương sâu sắc cho cả hai bên. Trung Quốc vẫn sẽ đối mặt với nguy cơ mất hàng chục triệu việc làm; còn nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ đối mặt với nguy cơ đình lạm.
Vấn đề nằm ở chỗ: dù có giảm căng thẳng song phương, cấu trúc thương mại toàn cầu vẫn chưa thay đổi căn bản. Hàng hóa Trung Quốc tiếp tục tìm đường sang Mỹ qua các nước trung gian như Việt Nam, Mexico hay Ấn Độ.
Những con số thống kê về nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ có thể đã thay đổi, nhưng dòng chảy thực chất của chuỗi cung ứng vẫn luân chuyển, chỉ phức tạp hơn, khó truy vết hơn. Sự suy giảm trong thâm hụt thương mại song phương Mỹ - Trung vì vậy chỉ là bề nổi.
Thặng dư toàn cầu của Trung Quốc tiếp tục tăng và thâm hụt toàn cầu của Mỹ vẫn tiếp tục mở rộng, phản ánh bất cân xứng trong mô hình tăng trưởng nội tại của hai nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia trung gian như Việt Nam, Ấn Độ hay Mexico lại trở thành tâm điểm trong chiến lược tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Những nước này vừa là điểm đến thay thế cho các nhà máy rút khỏi Trung Quốc, vừa là nơi hàng hóa Trung Quốc “trá hình” để vào thị trường Mỹ.
Washington muốn dùng đòn bẩy thuế quan để dần đưa các nước này ngả theo quỹ đạo của mình, còn Bắc Kinh cũng ra sức duy trì ảnh hưởng bằng đầu tư, hợp tác và các hiệp định song phương. Cuộc giằng co ảnh hưởng địa kinh tế giờ đây không chỉ diễn ra giữa hai siêu cường, mà còn lan ra toàn bộ chuỗi cung ứng Đông Nam Á và toàn cầu.
Tất cả những chuyển động ấy cho thấy một điều: thế giới đang từng bước bước vào một thời kỳ “tách rời có kiểm soát” – không phải bằng tuyên bố hay lệnh cấm, mà bằng chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật và định hướng chiến lược.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều phủ nhận từ “decoupling”, nhưng những gì đang diễn ra phản ánh đúng bản chất của nó, những nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng độc lập, kiểm soát và ít rủi ro địa chính trị hơn.
Câu hỏi có lẽ không nằm ở việc ai thắng ai, mà là thế giới sẽ thích nghi ra sao với trật tự mới. Liệu các quốc gia đang phát triển có thể giữ thế cân bằng, hay sẽ phải chọn phe? Liệu mô hình toàn cầu hóa sẽ bị thay thế bằng chủ nghĩa khu vực hóa, nơi các “vùng ảnh hưởng kinh tế” được xác lập rõ ràng? Và liệu những giá trị cốt lõi của hệ thống thương mại đa phương – như mở cửa, cạnh tranh công bằng, tự do lưu chuyển vốn và hàng hóa – có còn chỗ đứng?
Câu trả lời chưa rõ ràng. Nhưng một điều chắc chắn rằng kỷ nguyên “toàn cầu hóa tự do thương mại” đã đi qua. Và ở thời kỳ sau nó, tầm nhìn chiến lược và năng lực đàm phán sẽ trở thành yếu tố quyết định sự hưng thịnh của các quốc gia./.