Tổng thống Donald Trump đã không ngần ngại biến thương mại thành chiến trường mới, nơi ông tuyên bố sẽ “đáp trả sòng phẳng” mọi sự bất công. Với “reciprocal tariffs” – thuế quan có đi có lại – chính quyền Trump theo đuổi một cách tiếp cận đơn giản mà đầy tính đối đầu: Nước nào đánh thuế hàng hóa Mỹ, thì Mỹ sẽ đánh thuế lại hàng hóa của nước đó.

Đây là một cách làm đi ngược với truyền thống. Trong nhiều thập kỷ, việc áp thuế ở Mỹ là một quá trình kỹ lưỡng, chặt chẽ, và… chậm. Nó đòi hỏi các phân tích kinh tế sâu rộng, tham vấn ý kiến từ doanh nghiệp, công đoàn, công chúng, và những cuộc điều trần kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Tất cả đều được thực hiện dưới sự giám sát của Quốc hội – cơ quan được hiến pháp Mỹ trao quyền chính thức trong lĩnh vực thương mại và thuế quan.
Tuy nhiên, thực tế trong suốt nhiều thập kỷ qua, Quốc hội Mỹ đã từng bước chuyển giao quyền lực thuế quan cho nhánh hành pháp thông qua hàng loạt đạo luật đặc biệt. Những đạo luật này cho phép Tổng thống hành động trong một số tình huống nhất định, nhưng với điều kiện: Ông phải tuân thủ những quy trình rõ ràng như phân tích từ các cơ quan kinh tế liên bang, tham vấn với ngành công nghiệp và công đoàn, công bố báo cáo đánh giá chi tiết và lấy ý kiến công chúng trước khi ra quyết định cuối cùng.
Tổng thống Trump không hài lòng với sự chậm trễ mang tính “kỹ trị” đó. Trong mắt ông, đó là thứ làm trì hoãn việc “ra tay sửa chữa những thiệt hại mà các quốc gia khác đã gây ra cho nước Mỹ”. Thay vì đi theo lộ trình được thiết kế để đảm bảo sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, ông chọn con đường tắt: tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, viện dẫn đến đạo luật “Quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế” (IEEPA) – một công cụ ban đầu được thiết kế cho các tình huống an ninh như cấm vận khủng bố, không phải để áp thuế.
Thông qua IEEPA, Trump đã áp thuế ngay lập tức lên các quốc gia. Lý do được viện dẫn rất đa dạng – từ vấn đề buôn lậu fentanyl đến thâm hụt thương mại dai dẳng, mà theo ông, đều là đe dọa đối với an ninh quốc gia. Đáng nói hơn, mức thuế được xác định bằng một phép tính đơn giản đến đáng ngạc nhiên: lấy thâm hụt thương mại chia cho tổng kim ngạch nhập khẩu từ nước đó, rồi áp một nửa con số đó làm thuế suất. Trong lời của chính Tổng thống: “Tôi có thể đánh thuế đầy đủ, nhưng như thế sẽ nặng quá, nên tôi chọn mức dễ thở hơn.”
Bất chấp những tranh cãi, một điều đã rõ: Tổng thống Trump đã tận dụng tối đa những khoảng trống pháp lý để thực hiện một trong những cuộc tái định hình chính sách thương mại quyết liệt nhất trong lịch sử hiện đại. Tuy nhiên, chính sự “linh hoạt” này cũng đặt ra mối nguy lớn về tiền lệ hiến định, khi quyền lực được thiết kế để cân bằng giữa các nhánh chính phủ có thể bị chi phối bởi ý chí cá nhân.
Nội dung liên quan
- Lão đại chứng khoán Nguyễn Duy Hưng: Đã đến lúc bắt đáy, không có lý do gì thị trường giảm như tận thế vì thuế quan
- Thuế quan của ông Trump có "bóp nghẹt" ngành đào coin ở Mỹ?
- Mỹ bắt đầu áp thuế đối ứng: Việt Nam chịu mức 46%, Trung Quốc cao nhất 84%
- Tác giả của nghiên cứu được dùng để áp thuế Việt Nam: Trump đã hiểu sai. Rất sai!