"Miếng nạc" mà ông chủ Vingroup ám chỉ ở đây là các thị trường Ấn Độ, Indonesia hay Philippines, thay vì chiến lược trước đó, tập trung cho thị trường Mỹ - nơi mà VinFast đang "lỗ rất nhiều" theo chia sẻ của tỷ phú Vượng.

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng tại AGM 2025
Theo đó, khi được các cổ đông chất vấn về VinFast tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 (AGM 2025), Chủ tịch Tập đoàn Vingroup – CTCP (Mã CK: VIC) Phạm Nhật Vượng cho biết hãng xe điện Việt Nam có 2 nhóm thị trường, "một là để cắm cờ và hai là để phát triển doanh số".
Cụ thể, nhóm thứ nhất chính là các thị trường Mỹ, châu Âu và Canada.
"Ở Mỹ, ở châu Âu, Canada thì cờ cắm xong rồi và chúng ta không có kế hoạch đẩy mạnh doanh số ở đó. Bởi vì chi phí logistic rất lớn, nhất là sau khi chiến tranh Nga-Ukraine, các tuyến đường đi vòng rất xa, chi phí lớn", ông chủ Vingroup nhận định.
Lãnh đạo Vingroup cũng thẳng thắn thừa nhận thị trường Mỹ không phải là thị trường hấp dẫn vì VinFast "lỗ rất nhiều tại đây".
Thay vào đó, ông Phạm Nhật Vượng cho biết VinFast sẽ phải tập trung vào những thị trường có lợi thế như Ấn Độ, Indonesia hay Philippines.
"Chẳng có gì phải vội cả, hết nạc mới vạc đến xương. Bây giờ ngồi ngắm cờ là được rồi, không việc gì phải lao vào, còn bao nhiêu miếng nạc cứ chén trước đi đã", Chủ tịch Vingroup chia sẻ.
Theo ông Vượng, ngày 30/6 tới đây, VinFast dự kiến khai trương và vận hành nhà máy Ấn Độ, và tiếp đó là tháng 10 có nhà máy Indonesia. Khi 2 nhà máy này hoàn thành, VinFast sẽ bắt đầu thúc đẩy doanh số tại các thị trường này.
"Tôi cho rằng năm 2026 doanh số ở nước ngoài sẽ khác biệt", ông chủ VinFast nói, đồng thời cho biết, trong tương lai doanh số chính sẽ đến từ thị trường quốc tế.

Lễ khởi công nhà máy VinFast ở Ấn Độ hồi tháng 2/2024 (Ảnh: Vingroup)
Trước đó, theo TechinAsia, VinFast đã ra thông báo lùi thời gian xây dựng nhà máy tại Mỹ thêm ba năm. Các chuyên gia nhận định động thái này có thể giúp VinFast tối ưu hóa chi phí đầu tư trong bối cảnh thị trường xe điện tại Mỹ đang gặp nhiều khó khăn.
"Việc tạm hoãn xây nhà máy tại Mỹ sẽ khiến VinFast chậm lại trong quá trình thâm nhập thị trường Bắc Mỹ, nhưng đây lại là lựa chọn hợp lý nhất ở thời điểm hiện tại. Quyết định này sẽ giúp hãng xe điện có thêm thời gian chuẩn bị và tăng khả năng thích ứng với biến động của thị trường xe điện", ông Joshua Cobb, chuyên gia phân tích ô tô cao cấp tại BMI, chia sẻ với TechinAsia.
Trong khi đó, hãng xe điện Việt Nam đã lần lượt khởi công nhà máy ở Ấn Độ và Indonesia vào tháng 2/2024 và tháng 7/2024. Mỗi nhà máy có công suất sản xuất ban đầu là 50.000 xe/năm.
Không chỉ phục vụ thị trường nội địa, xe điện sản xuất tại nhà máy ở Ấn Độ sẽ được xuất khẩu sang Nam Á, Trung Đông và châu Phi. Còn nhà máy ở Indonesia sẽ cung cấp xe điện tay lái nghịch cho các thị trường như Thái Lan, Singapore, Malaysia và Australia.
Năm 2024, số lượng ô tô điện đã bàn giao của VinFast đạt 97.399 xe, tăng 192% so với năm 2023. Tổng doanh thu của hãng đạt 44.019,6 tỷ đồng (1,8 tỷ USD), tăng 57,9% so với năm 2023.
Trong khi đó, lỗ gộp ở mức 25.277,6 tỷ đồng (tương đương 1,03 tỷ USD), tỷ suất lợi nhuận gộp âm 57,4%. Lỗ ròng ghi nhận 77.354,9 tỷ đồng (tương đương 3,1 tỷ USD).
Nội dung liên quan
- VinFast tất toán lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng: Dư nợ còn lại bao nhiêu?
- VinFast bàn giao 12.500 xe trong tháng 2, VF 3 "đắt hàng" với gần 200 chiếc bán mỗi ngày
- Quỹ đầu tư Qatar "bắt tay" Vingroup, tính rót 1 tỷ USD vào VinFast, cân nhắc đầu tư vào Vinpearl
- Thừa thắng xông lên với VF 3, VinFast bàn giao cả vạn xe điện trong tháng 1/2025, sắp ra mắt dòng xe mới
- Công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chốt được "khách sộp", lắp đặt 5.000 trụ sạc xe VinFast trên cả nước