Vũ Đức 21 giờ trước
Người theo dõi

FATF siết stablecoin và DeFi: Việt Nam đang nỗ lực thế nào để thoát khỏi “danh sách xám”?

FATF đang gia tăng giám sát toàn cầu với các hoạt động tài sản số, đặc biệt là stablecoin và tài chính phi tập trung (DeFi). Chính phủ Việt Nam thúc đẩy hoàn thiện khung pháp lý, rút ngắn khoảng cách với các chuẩn mực quốc tế.

Việc Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp Công nghệ số là bước đệm đưa Việt Nam ra khỏi "danh sách xám".

Theo báo cáo cập nhật năm 2025, FATF đánh giá Việt Nam ở mức “chưa tuân thủ” (Non-Compliant) đối với Khuyến nghị 15 – một tiêu chuẩn quan trọng về phòng chống rửa tiền (AML) và tài trợ khủng bố (CFT) trong lĩnh vực tài sản ảo và các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASPs).

Việt Nam vẫn nằm trong “danh sách xám” của FATF (Nguồn: FATF)

Dù chưa ban hành quy định riêng cho VASP, Việt Nam đã chủ động tiến hành đánh giá rủi ro liên quan đến tài sản số và đặt mục tiêu rút ngắn khoảng trống pháp lý. Một số nội dung chiếu theo tiêu chí đánh giá của FATF, bao gồm:

▪️Xây dựng cơ chế cấp phép và đăng ký cho các VASPs;

▪️Xây dựng quy trình giám sát và kiểm tra hoạt động dịch vụ tài sản số;

▪️Triển khai quy tắc “Travel Rule” (tạm dịch: di chuyển thông tin) – một quy định yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo thu thập và chia sẻ thông tin người dùng tương tự như trong lĩnh vực tài chính truyền thống;

▪️Xác định rõ định hướng cho các mô hình DeFi đang hoạt động tại Việt Nam.

Các cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính,... đang phối hợp chặt chẽ trong quá trình nghiên cứu và xây dựng quy định. Việt Nam đang học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ các nước như Singapore, EU, UAE để chọn ra mô hình quản lý phù hợp với bối cảnh trong nước.

Không chỉ Việt Nam, nhiều nền kinh tế trên thế giới vẫn đang trong quá trình điều chỉnh chính sách để theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của tài sản số. 

Trong số 138 khu vực tài phán được FATF đánh giá năm nay, chỉ có một nơi được xếp hạng “tuân thủ hoàn toàn” với Khuyến nghị 15. Tuy nhiên, số lượng các nước đạt mức “tuân thủ phần lớn” đang gia tăng – minh chứng cho làn sóng điều chỉnh chính sách trên toàn cầu.

FATF cũng ghi nhận rằng 82% trong con số trên đã xác định rõ định hướng quản lý crypto – cho thấy xu thế quản lý thay vì cấm đoán đang trở thành lựa chọn chính. Chính phủ Việt Nam cũng thể hiện quan điểm thận trọng nhưng cầu thị, với trọng tâm là bảo vệ hệ thống tài chính, phòng chống rửa tiền, đồng thời tạo điều kiện cho đổi mới số.

Chỉ có 4 khu vực tài phán đã chính thức đăng ký DeFi, trong khi chỉ có 7 khu vực thực hiện giám sát hoặc có hành động cưỡng chế liên quan đến lĩnh vực này (Nguồn: FATF)

Luật Công nghiệp Công nghệ số – bước đệm đưa Việt Nam ra khỏi "danh sách xám"

Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua một đạo luật độc lập về 'công nghiệp công nghệ số', đánh dấu sự ưu tiên chiến lược cho lĩnh vực này.

Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, Luật Công nghiệp Công nghệ số thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho thị trường tài sản số, với mục tiêu:

▪️Giải quyết các lo ngại từ FATF;

▪️Tăng cường niềm tin của nhà đầu tư;

▪️Và định vị đất nước là trung tâm kinh tế số hàng đầu Đông Nam Á;

Đây cũng chính là động thái rõ nét nhất, sau những cam kết khắc phục những thiếu sót đáng kể trong cơ chế phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, kể từ khi bị FATF đưa vào danh sách xám vào tháng 6/2023. 

Điểm nổi bật trong Luật Công nghiệp Công nghệ số gồm:

▪️Đưa tài sản số, tiền số, tiền mã hóa ra khỏi vùng xám pháp lý, bằng việc chính thức công nhận quyền sở hữu và sử dụng crypto tại Việt Nam. Đây là bước đi phù hợp với yêu cầu của FATF về xây dựng khung pháp lý quốc gia. 

▪️Phân loại rõ ràng: Luật phân biệt tài sản mã hoá (như Bitcoin, Ether) với tài sản ảo (các vật phẩm số phi tài chính), đồng thời loại trừ các loại tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương (CBDC) và chứng khoán ra khỏi phạm vi.

▪️Tích hợp quy định AML/CFT: Các sàn giao dịch và nhà cung cấp ví tiền mã hoá sẽ nằm dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước, góp phần khắc phục điểm yếu mà FATF từng chỉ ra như thiếu kiểm tra danh tính khách hàng (CDD) và chưa đủ kiểm soát dòng vốn bất hợp pháp.

▪️Tách biệt stablecoin khỏi phạm vi điều chỉnh: Các stablecoin gắn với tiền pháp định sẽ được điều chỉnh dưới khuôn khổ pháp luật tài chính truyền thống, giúp đảm bảo giám sát chặt chẽ và giảm rủi ro hệ thống, phù hợp với tiếp cận quản lý theo rủi ro của FATF.

 ▪️Minh bạch hóa cho doanh nghiệp: Quy định rõ ràng sẽ thu hút các startup tiền mã hoá, giúp hợp thức hoá ngành này, từ đó nâng cao khả năng giám sát giao dịch, thực thi quy trình KYC và hạn chế dòng vốn “chảy ngầm” ra nước ngoài.

Song song với việc ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ số, Ngân hàng Nhà nước cũng đã sửa đổi Thông tư 09 – nhằm nâng cao hiệu quả quản lý AML trong hệ thống ngân hàng, chuẩn hoá quy trình xác minh và báo cáo rủi ro.

Nếu các cải cách được hoàn tất đúng tiến độ, Việt Nam có cơ sở vững chắc để được FATF đưa ra khỏi “danh sách xám”.

Cùng nhìn về 'tầm ngắm' stablecoin và DeFi

Stablecoin và DeFi lần thứ hai liên tiếp có riêng mục giám sát trong báo cáo năm 2025 của FATF. Các giao dịch bất hợp pháp sử dụng stablecoin vẫn ở mức cao, chiếm tới 63% tổng giá trị phi pháp – đặc biệt tập trung ở các mạng lưới như Tron với đồng USDT.

Khối lượng stablecoin tăng trưởng vượt bậc chỉ trong thời gian ngắn

Tại Mỹ, Đạo luật GENIUS mở đường cho các tập đoàn công nghệ phát hành stablecoin riêng, trong khi EU đang triển khai khuôn khổ MiCA để siết quy định với tổ chức phát hành.

Ở mảng DeFi, FATF cho biết gần một nửa các nước đã áp dụng Travel Rule tin rằng nên coi một số nền tảng DeFi là VASP và cần được cấp phép. 

Trên thực tế, 75% trong số đó vẫn chưa triển khai bất kỳ hoạt động nào – cho thấy khoảng trống pháp lý vẫn còn lớn. Bởi vậy, nếu phóng tầm mắt ra xa, Việt Nam cũng cần lưu tâm đến những vấn đề trọng yếu này. 

Chia sẻ
Báo cáo
Vũ Đức Người dùng
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên