Thanh Huyền 4 giờ trước
Người theo dõi

EGM 2024 Eximbank: Túc số hơn 90%, ông chủ Bamboo Capital Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú đều có mặt

Nhà băng được xem là đầy bất ổn, với sự chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm cổ đông như Eximbank ghi nhận tỉ lệ check-in cao đến bất ngờ, lên đến 92,56%. Túc số này có lẽ là cao bậc nhất trong mùa đại hội làng bank, không chỉ năm nay.

Đó là cập nhật mới nhất của người viết tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 (EGM 2024) đang diễn ra của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã CK: EIB). 

Với tỉ lệ check-in hơn 90%, có thể hiểu, hầu hết quyền cổ phần EIB đã nằm trong tay các "tay chơi lớn". Phần trôi nổi có lẽ là không đáng kể.

Cũng theo quan sát của người viết tại hiện trường, bộ đôi Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank - là ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú - đều đã có mặt tại hội trường, trực tiếp tham dự Đại hội - nơi mà việc xem xét miễn nhiệm họ khỏi HĐQT là một nội dung trọng tâm.

Tương tự là sự hiện diện của Trưởng Ban Kiểm soát Tony Ngo - người cũng bị một nhóm cổ đông đề nghị miễn nhiệm khỏi thiết chế kiểm soát Eximbank. Nội dung này cũng đã được nhóm cầm quyền ở Eximbank đưa vào chương trình nghị sự để biểu quyết tại Đại hội này. 

Nhiều năm "tồn tại" trong HĐQT, đi qua những giai đoạn đầy nhiễu loạn, bà Lương Thị Cẩm Tú từng là lãnh đạo cao nhất ở Eximbank.

Giai đoạn bà Tú làm Chủ tịch, Eximbank bắt đầu ổn định lại, hoạt động có nhiều chuyển biến, mang lại nhiều kì vọng. Ngân hàng trở lại nhóm lợi nhuận nghìn tỉ và biết chia cổ tức sau nhiều năm nhãng quên. Tuy vậy, "cuộc chiến vương quyền" ở nhà băng này lại sớm nổi lại. Bà Tú cũng rời chiếc ghế nóng.

Và giờ, "cuộc chiến vương quyền" ấy sẽ đến hồi quyết định, theo đúng cách "business": quyền biểu quyết!

EGM 2024 Eximbank: Túc số hơn 90%, ông chủ Bamboo Capital Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú cũng có mặt Toàn cảnh EGM 2024 của Eximbank

Ông Nguyễn Hồ Nam: Tôi đã đầu tư vào Eximbank được 8 năm

Phát biểu tại đại hội, ông Nguyễn Hồ Nam cho biết ông là người đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu hơn 10% cổ phần Eximbank, có quyền đề cử nhân sự vào HĐQT và tham gia biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông.

“Trong quá trình tham gia HĐQT Eximbank, tôi luôn hợp tác, xây dựng ngân hàng trên tinh thần thượng tôn pháp luật”, ông Nam nói. 

Đối với các cuộc họp vắng mặt, vị doanh nhân này nói rằng đã uỷ quyền cho bà Lương Thị Cẩm Tú tham gia và giải trình với HĐQT Eximbank. 

Tiết lộ đã đầu tư vào Eximbank được 8 năm nay, ông Nguyễn Hồ Nam nói bất ngờ khi có nhóm cổ đông kiến nghị miễn nhiệm chức danh Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) đối với ông. 

Bàn chuyện 'dời đô' ra Hà Nội

Một trong những nội dung đáng chú ý tại EGM 2024 của Eximbank là phương án chuyển trụ sở chính từ TP. HCM ra Hà Nội, đặt tại số 27-29 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, nơi tọa lạc tổ hợp khách sạn Fairmont Hotel Hanoi. Dự án này do CTCP Tập đoàn Gelex (Mã CK: GEX) - cổ đông lớn ‘ra mặt’ nắm giữ 10% vốn Eximbank - làm chủ đầu tư.

Theo ban lãnh đạo Eximbank, quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Thủ đô, là trung tâm hành chính - chính trị, trung tâm thương mại - dịch vụ của thành phố, đồng thời là nơi tập trung nhiều đại bản doanh, chi nhánh lớn của các ngân hàng trong và ngoài nước.

Đây cũng là địa điểm có nhiều lợi thế thuận tiện cho việc giao thương và kết nối với các đối tác, khách hàng, tạo cơ hội hợp tác và phát triển mạng lưới kinh doanh, giúp mở rộng thị phần và sức ảnh hưởng của thương hiệu Eximbank tại miền Bắc.

"Eximbank xác định, miền Bắc là một thị trường năng động, còn nhiều dư địa để khai phá. Vì thế, ngân hàng đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới phân phối và tiếp cận với khách hàng tiềm năng tại khu vực này", ban lãnh đạo Eximbank nêu lý do chuyển trụ sở ra Hà Nội.

Xem xét miễn nhiệm ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú

Ngoài việc chuyển trụ sở, EGM 2024 của Eximbank còn xem xét miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Nguyễn Hồ Nam theo kiến nghị của một nhóm cổ đông sở hữu trên 5% cổ phần. Lý do là ông Nam, bà Tú không tham dự đầy đủ các cuộc họp HĐQT và các lần lấy ý kiến HĐQT bằng văn bản.

Cụ thể, nhóm cổ đông này cho biết bà Tú đã vắng mặt 4 trên tổng số 21 cuộc họp HĐQT và không ủy quyền cho thành viên khác. Bà cũng không tham gia lấy ý kiến HĐQT bằng văn bản 23 lần trên tổng cộng 243 lần lấy ý kiến.

Đối với ông Nguyễn Hồ Nam, trong 2 tháng tham gia HĐQT (từ ngày 26/4 - 30/6/2024), ông không tham gia lấy ý kiến của HĐQT bằng văn bản 2 lần trên tổng cộng 38 lần.

Bà Lương Thị Cẩm Tú từng giữ chức Chủ tịch HĐQT Eximbank. Trong khi đó, ông Hồ Nam là nhà sáng lập CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (Mã CK: BCG) - tập đoàn đầu tư đa ngành hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo, xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, EGM 2024 của Eximbank cũng xem xét kiến nghị của một nhóm cổ đông nắm trên 5% vốn cổ phần về việc miễn nhiệm chức danh thành viên Ban kiểm soát đối với ông Ngo Tony.

Lý do được nhóm cổ đông đưa ra là "ông Ngo Tony đã có hành vi lạm dụng/lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Điều lệ Ngân hàng Eximbank và Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban kiểm soát Eximbank, gây ảnh hưởng nặng nề đến quyền lợi của cổ đông".

Đáng chú ý, ít tuần trước thềm EGM 2024, một nhóm cổ đông sở hữu trên 5% cổ phần Eximbank đã có văn bản kiến nghị loại bỏ nội dung miễn nhiệm ông Ngo Tony ra khỏi chương trình họp.

Tuy nhiên, HĐQT Eximbank cho rằng không có cơ sở để loại bỏ nội dung kiến nghị này, đồng thời khẳng định nghị quyết về việc đưa kiến nghị miễn nhiệm chức danh thành viên Ban kiểm soát đối với ông Ngo Tony vào chương trình họp theo kiến nghị của nhóm cổ đông là đúng quy định pháp luật và Điều lệ ngân hàng./.

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên