BRICS mở rộng tầm ảnh hưởng, tăng cường vai trò kinh tế toàn cầu
Mở đầu năm 2024, BRICS ghi dấu mốc lịch sử khi chào đón 5 thành viên mới gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Trải qua 18 năm hoạt động, BRICS tới nay đã mở rộng lên tới 10 quốc gia thành viên và chiếm gần 50% dân số thế giới. Khối này cũng đang chứng tỏ được sức ảnh hưởng lên nền kinh tế thế giới khi đóng góp khoảng 37% GDP toàn cầu.
Điều quan trọng hơn là BRICS mở rộng quy tụ các quốc gia chiếm 80% sản lượng dầu mỏ thế giới, đưa nhóm này trở thành một trong những khối dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS
Fed hạ lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm
Ngày 18/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 0,5%, chính thức bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ sau 4 năm thắt chặt. Tổ chức này sau đó tiếp tục thực hiện thêm 2 đợt cắt giảm lãi suất, với mức giảm 0,25% mỗi đợt vào tháng 11 và 12/2024, đưa lãi suất tham chiếu của Mỹ về 4,25% - 4,5%.
Đây là lần đầu tiên Fed cắt giảm lãi suất kể từ tháng 3/2020, khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vững chắc và lạm phát hạ nhiệt. Sau quyết định của Fed, một số ngân hàng trung ương khác cũng hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trung Quốc và loạt gói kích thích kinh tế
Trung Quốc đã tung ra hàng loạt chính sách kích thích trong năm nay nhằm phục hồi nền kinh tế quốc gia. Ngay đầu năm 2024, giới chức nước này đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 20% để khuyến khích đầu tư và phát triển.
Tiếp sau đó là “phao” giải cứu bất động sản như giảm thuế chuyển nhượng bất động sản tại các thành phố lớn, và xóa bỏ phân biệt giữa nhà ở bình dân và cao cấp.
Đáng chú ý nhất là gói hỗ trợ tài chính trị giá 10.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.400 tỷ USD), tập trung vào giảm gánh nặng nợ cho các chính quyền địa phương.
Sau động thái này, Trung Quốc dự kiến áp dụng chính sách tiền tệ "nới lỏng hợp lý" kết hợp với chính sách tài khóa chủ động.
Gần đây nhất, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được cho là sẽ phát hành 411 tỷ USD trái phiếu đặc biệt để hỗ trợ nền kinh tế.
Giá vàng thế giới áp sát 2.800 USD/ounce
Năm 2024, thị trường vàng thế giới chứng kiến diễn biến hiếm thấy trong lịch sử. Giá kim loại quý liên tục tăng mạnh và có thời điểm tiến sát mốc 2.800 USD vào cuối tháng 10. Cùng với đó, tổng nhu cầu vàng toàn cầu trong quý 3 đã lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD, theo Hội đồng vàng thế giới.
Bất chấp đợt bán tháo mạnh sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11, giá vàng thế giới vẫn tăng gần 27% kể từ đầu năm, hiệu suất tốt nhất trong hơn 10 năm trở lại.
Thị trường xe điện toàn cầu 2024
Năm 2024 ghi dấu nhiều biến động trong ngành ô tô toàn cầu khi xe điện trở thành tâm điểm tăng trưởng, bất chấp khó khăn kinh tế. Xe điện Trung Quốc, đặc biệt là từ nhà sản xuất BYD, đã tăng trưởng mạnh mẽ, chiếm 64% doanh số toàn cầu, theo Rho Motion.
Trước sự cạnh tranh gay gắt, EU áp thuế nhập khẩu tới 45,3% lên xe điện Trung Quốc, tạo nên tranh chấp thương mại lớn nhất trong một thập kỷ giữa hai bên.
Áp lực từ thị trường xe điện cũng khiến hai gã khổng lồ Nhật Bản là Honda và Nissan lên kế hoạch sáp nhập để củng cố vị thế.
Dự báo của Fortune cho thấy, năm 2025, thị trường xe điện toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, dẫn đầu bởi các cường quốc lớn.
Làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI)
Năm 2024 chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), tiến gần hơn đến khái niệm “siêu trí tuệ nhân tạo” (AGI).
OpenAI vẫn tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) với hàng loạt cải tiến ấn tượng.
Cơn sốt AI đồng thời cũng thúc đẩy các ‘ông lớn’ công nghệ đổ tiền vào nhà máy điện hạt nhân để đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định cho các trung tâm dữ liệu khổng lồ. Gần đây nhất, Amazon đã chi nửa tỷ USD cho dự án điện hạt nhân để phục vụ phát triển AI, bám sát Google và Microsoft.
Cuộc chiến bán dẫn ngày một nóng
Chiến trường bán dẫn Mỹ - Trung ngày một khốc liệt. 2024 chứng kiến nhiều lệnh trừng phạt được áp đặt, đặc biệt là từ phía Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, nhắm vào các nhà sản xuất chip của Trung Quốc. Điều này bao gồm việc hạn chế giao dịch liên quan đến chip nhớ và các thiết bị sản xuất chip tiên tiến, nhằm cắt đứt khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các công nghệ quan trọng.
Tuy vậy, Trung Quốc vẫn tìm cách xây dựng hệ thống huấn luyện AI bằng chip nội địa hoặc “đi đường vòng” để có chip mạnh nhất. Cuộc chiến bán dẫn này không chỉ là cuộc đối đầu về công nghệ mà còn là cuộc chiến về kinh tế và chính trị giữa các cường quốc.
Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc. Nhà máy AI đầu tiên tại Việt Nam được công bố với sự hợp tác giữa Nvidia và FPT. Chính phủ Việt Nam và Nvidia cũng thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển AI và Trung tâm dữ liệu AI. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với AI và dự kiến đầu tư mạnh vào lĩnh vực bán dẫn.
Ông Donald Trump tái đắc cử
2024 đánh dấu cột mốc đáng nhớ trong hành trình trở lại Nhà trắng của ông Donald Trump. Việc tái đắc cử của nhà lãnh đạo Mỹ này được đánh giá là có tác động tới kinh tế toàn cầu trong năm tới.
Theo đó, ông Trump đã tuyên bố loạt các chính sách thương mại cực đoan nhằm bảo vệ ngành công nghiệp trong nước và giảm thâm hụt thương mại.
Các chính sách này gặp nhiều sự phản đối từ quốc gia và tổ chức quốc tế với lo ngại các biện pháp bảo hộ sẽ làm suy yếu hệ thống thương mại toàn cầu và gây ra các cuộc chiến thương mại mới.
Thị trường crypto thăng hoa
Giá Bitcoin lần đầu tiên vượt ngưỡng 100.000 USD, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của thị trường này.
Năm 2024 cũng ghi nhận loạt bước tiến mới về mặt pháp lý của tiền mã hóa, với sự ủng hộ rõ nét từ Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cũng như những tuyên bố tích cực từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường.
Các cường quốc như Nga cũng có những động thái tích cực với thị trường tiền số. Mới đây nhất, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov khẳng định quốc gia này đã bắt đầu sử dụng đồng bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác trong thanh toán quốc tế./.
Nội dung liên quan
- Kế hoạch ‘loại bỏ’ Chủ tịch Fed Powell của ông Trump
- "Key person” này có thể giúp Việt Nam né đòn thuế nặng của ông Trump
- Plaza Accord 2.0 là gì? Vì sao team ông Trump muốn dùng hiệp định này để hạ nhiệt đồng USD?
- Fed 'rà phanh' việc hạ lãi suất: Dow Jones bay hơn 1.100 điểm, Bitcoin tuột mốc 100.000 USD, vàng bị bán tháo mạnh, VN-Index cũng vạ lây
- Ông Trump muốn lập kho Bitcoin, Chủ tịch Fed Powell thẳng thừng: Theo luật, chúng tôi không được phép sở hữu chúng!