Lần thứ hai quay trở lại Nhà Trắng, kinh nghiệm chính trường của ông Donald Trump đã khác.
Từ một doanh nhân, tỷ phú, ngôi sao truyền hình thực tế, ông Trump bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 2015, khi gần bước sang tuổi 70. Từng tràn đầy tự tin khi đắc cử năm 2016, ông Trump nhận thất bại cay đắng năm 2020, rồi trở lại đầy quyết tâm vào năm 2022 trước khi đắc cử Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.
Trong lần tái xuất này, ông Trump dường như đã điềm đạm hơn. Việc ‘lắp ráp’ nhân sự cho bộ máy mới cũng được đội ngũ của ông chuẩn bị kỹ lưỡng. Họ cũng lên cả phương án lách các rào cản pháp lý để thay thế Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.
Đích thân ‘quân sư’ của ông Donald Trump mới đây đã chia sẻ trên tờ Barron’s về kế hoạch táo bạo này. Sau đây là bản lược dịch do thành viên mạng xã hội-kinh tế tài chính DFF.VN đóng góp và đã được ban quản trị biên tập lại.
Kế hoạch ‘loại bỏ’ Chủ tịch Fed Powell
Ông Scott Bessent, một trong những cố vấn kinh tế thân cận của ông Donald Trump, đã có giải pháp cho nỗi thất vọng bấy lâu nay của vị tân Tổng thống Mỹ: Kiềm tỏa Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Theo đó, ông Trump sẽ đề cử và tìm kiếm sự chấp thuận của Thượng viện Mỹ - hiện do đảng Cộng hòa chiếm đa số - về người thay thế ông Powell khoảng 1 năm trước khi vị Chủ tịch Fed đương nhiệm hết nhiệm kỳ. Người này sẽ được hậu thuẫn để gây áp lực cần thiết lên hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Fed.
“Chúng tôi có thể để cử 1 ứng viên từ sớm và tạo ra một shadow Fed chair (tạm dịch: Chủ tịch Fed bóng tối)”, ông Bessent cho biết, đồng thời lý giải: “Sẽ có một hướng dẫn chuyển tiếp (foward guidance) và chẳng còn ai bận tâm tới lời ông Jerome Powell nói nữa”.
Ý tưởng trên có lẽ bắt nguồn từ những năm tháng Scott Bessent sống và làm việc tại Anh - nơi các đảng đối lập thường có “nội các bóng tối” (shadow cabinet), giữ vị trí đối trọng trong chính phủ đương nhiệm để giám sát và đưa ra các chính sách có lợi cho họ.
Ở nhiệm kỳ đầu tại Nhà Trắng, chính ông Trump là người đã đề cử ông Jerome Powell vào vị trí Chủ tịch Fed. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ ‘lý lịch’ đảng viên đảng Cộng hòa của ông Powell.
Nếu bước đi ấy nhằm giúp Trump chi phối việc điều hành lãi suất của Fed - cơ quan nổi tiếng với sự độc lập trong các chính sách tiền tệ, thì cho đến lúc này, đó vẫn là quyết định sai lầm. “Tổng thống ít nhất cũng nên có tiếng nói trong các quyết định của Fed”, ông Trump nêu quan điểm tại một sự kiện ở Mar-a-Lago hồi tháng 8.
“Tôi đã thảo luận với ông Trump. Dù không vui, ông ấy đã chấp nhận việc chưa thể thay thế ông Powell ngay lập tức”, quân sư của Trump, ông Scott Bessent, cho hay.
Tại Mỹ, Fed có vai trò như một ngân hàng trung ương, hoạt động độc lập, chịu trách nhiệm giám sát hệ thống tài chính và có quyền điều hành chính sách tiền tệ. Cơ quan quản lý hoạt động của Fed là Hội đồng thống đốc, với các thành viên được đề cử bởi Tổng thống và được thông qua bởi Thượng viện Mỹ. Ông Jerome Powell, như đã biết, hiện là Chủ tịch Hội đồng thống đốc của Fed, hay gọi tắt là Chủ tịch Fed.
Kế hoạch của Bessent là chưa từng có tiền lệ nhưng vẫn có khả năng nó sẽ trở thành hiện thực, theo các nhà phân tích. Việc đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế ở thượng viện sau cuộc bầu cử vừa qua sẽ càng làm tăng khả năng thành công của kế hoạch này.
Nếu thuận, ông Trump sẽ can thiệp vào việc điều hành chính sách tiền tệ của Fed ngay cả khi ông Powell vẫn là người đứng đầu của cơ quan này. Ông Bessent cho biết đã chia sẻ kế hoạch này với những người cùng phe khác và nhận được những phản hồi tích cực.
Ông Ed Yardeni - một nhà kinh tế học có ảnh hưởng tại Mỹ - gọi đây là một ý tưởng “khủng khiếp”, đồng thời cho biết đó sẽ là một “quả bom” làm chấn động thị trường.
“Trong ngắn hạn, ông Powell vẫn là người nắm quyền nhưng tất thảy đều đếm ngược từng ngày tới thời điểm vị này hết nhiệm. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến chính sách tiền tệ”, ông Yardeni bình luận.
Scott Bessent - tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ?
Kế hoạch nêu trên của ông Scott Bessent được các nhà phân tích cho là một cách để giúp ông chắc suất có một ghế trong chính quyền Trump. Ông Bessent nằm trong danh sách ứng viên hàng đầu cho vị trí Bộ trưởng Bộ tài chính Mỹ, theo tờ Wall Street Journal và nhiều nguồn tin khác.
Ông Scott Bessent, 62 tuổi, từng làm việc cho quỹ đầu cơ của George Soros và được chứng kiến phi vụ bán khống đồng bảng Anh gây rúng động thế giới tài chính toàn cầu năm 1992 của nhà đầu cơ huyền thoại. Ông Bessent sau đó đã tách ra để thành lập công ty đầu tư riêng, có tên gọi là Key Square Capital.
Công ty của Bessent từng rót 1 tỷ USD để mua lại lô trái phiếu của Argentina, qua đó giúp quốc gia này tránh rơi vào cảnh vỡ nợ.
Tình hình của nền kinh tế Mỹ, theo quan điểm của Bessent, cũng chẳng khác Argentina là mấy. “Đây là nền kinh tế “Enron”, tốc độ tăng của nợ đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng của GDP”, ông nói.
Kế hoạch của Bessent nhằm giúp Mỹ tránh được “vết xe đổ” của Argentina, thường gọi là “kế hoạch 3-3-3”, tức giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 3% GDP vào năm 2028, hướng tới mức tăng trưởng 3% và gia tăng sản lượng dầu thô thêm 3 triệu thùng/ngày để “chống” lạm phát./.
Nguồn tham khảo: Barron's