Deepseek - "tấm danh thiếp quốc gia" của Trung Quốc trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo
16:50 14/07/2025
Không chỉ là một công ty công nghệ, DeepSeek đang dần trở thành “tấm danh thiếp quốc gia” của Trung Quốc, đại diện cho sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong kỷ nguyên AI.
Sự xuất hiện của DeepSeek từng được ví như “khoảnh khắc Sputnik” của thế kỷ 21 – gợi nhớ đến sự kiện Liên Xô phóng thành công vệ tinh đầu tiên vào ngày 4/10/1957, khiến nước Mỹ choáng váng và châm ngòi cho cuộc chạy đua vào không gian.
Chỉ sau một thời gian ngắn, DeepSeek đã vươn lên trở thành biểu tượng công nghệ mới của Trung Quốc, sánh vai với các tập đoàn đình đám như hãng sản xuất pin CATL hay nhà sản xuất xe điện BYD.
Không chỉ là một công ty công nghệ, DeepSeek đang dần trở thành “tấm danh thiếp quốc gia” của đại lục, đại diện cho sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI).
“DeepSeek tạo ra bước ngoặt trong lĩnh vực AI tại Trung Quốc”, bà Joyce Chang – Giám đốc nghiên cứu toàn cầu của JPMorgan tại New York – nhận định.
Bà cho rằng sự bứt phá trong các lĩnh vực AI, robot công nghiệp và tự động hóa của Trung Quốc đến từ sự kết hợp giữa nguồn kỹ sư tài năng và việc nhà nước Trung Quốc luôn xem công nghệ là nền tảng hạ tầng chiến lược.
Theo Morgan Stanley, nếu DeepSeek có thể tích hợp AI vào sản xuất thực tế, điều này sẽ mở đường cho sự phát triển vượt bậc của các ngành như sản xuất thông minh, ô tô tự hành và robot công nghiệp – từ đó bù đắp phần nào cho những thách thức mà nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt, như năng suất lao động suy giảm hay thiếu hụt nhân lực.
Trung Quốc giờ là một cường quốc AI
Trên thực tế, việc triển khai rộng rãi các giải pháp AI do DeepSeek phát triển có thể giúp Trung Quốc ứng phó hiệu quả với “bộ ba thách thức” lớn nhất hiện nay: dân số già hóa, quá trình siết chặt tín dụng và nguy cơ giảm phát kéo dài.
Không dừng lại ở lĩnh vực công nghệ, “hiệu ứng DeepSeek” đã lan tỏa sang thị trường tài chính, giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc nằm trong top 5 thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới (tính đến 10/7).
Đồng thời, chính quyền Bắc Kinh cũng cho thấy một thái độ cởi mở và tích cực hơn với cộng đồng khởi nghiệp công nghệ – một sự thay đổi rõ rệt sau nhiều năm xung đột với các “gã khổng lồ” như Alibaba hay Didi.
"Phát súng mở màn" cho cuộc dịch chuyển cán cân công nghệ toàn cầu
Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt, DeepSeek không chỉ là câu chuyện thành công đơn lẻ, mà còn là một yếu tố đang làm dịch chuyển cán cân công nghệ toàn cầu.
Theo các chuyên gia của Morgan Stanley, khoảng cách công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang thu hẹp đáng kể.
Sự trỗi dậy của DeepSeek diễn ra đúng lúc Trung Quốc đang tăng tốc thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong nhiều lĩnh vực công nghệ cốt lõi như sinh học, máy tính lượng tử, chất bán dẫn – đồng thời có bước tiến rõ rệt ở các ngành xe tự hành, pin thế hệ mới và năng lượng tái tạo.
Bắc Kinh cũng đang dẫn đầu ở những công nghệ lưỡng dụng – vừa phục vụ dân sự, vừa ứng dụng trong quân sự – điển hình là máy bay không người lái (drone).
Trong khi đó, Mỹ lại cắt giảm ngân sách cho các sáng kiến khí hậu, thì Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào công nghệ nhiệt hạch, với tham vọng tìm ra lời giải cho bài toán xử lý chất thải phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân.
Dù nhóm “Magnificent Seven” của Mỹ – gồm Apple, Microsoft, Nvidia, Amazon, Meta, Tesla và Alphabet – vẫn đang thống trị thị trường toàn cầu.
Nhưng rõ ràng, thế cân bằng đang bắt đầu dịch chuyển. Và DeepSeek, với những gì đã thể hiện, có thể chính là "phát súng mở màn" cho một kỷ nguyên cạnh tranh mới.
Cùng chờ xem!!
Nguồn tham khảo: Nikkei Asia
Nội dung liên quan
- Sau DeepSeek, “ông trùm“ tìm kiếm Trung Quốc Baidu sẽ tung mã nguồn mở của chatbot AI Ernie
- DeepSeek - ‘thiên nga đen’ của cổ phiếu AI? Founder DeepSeek Lương Văn Phong là ai?
- Nhiều app mạo danh ra đời ăn theo cơn sốt DeepSeek, bán tiền mã hóa
- Từ High-Flyer đến DeepSeek: Cách gã khổng lồ định lượng Trung Quốc vượt sóng vượt gió