Thứ hai, 22/04/2024, 11:45

CEO SGI Capital: Cả xã hội sôi nổi trong cuộc đầu cơ tài sản

"Bà con cả nước như cuốn vào một cuộc FOMO, phải mua ngay cái gì đó, cái gì cũng được, trừ giữ VND. Cả xã hội sôi nổi trong cuộc đầu cơ tài sản", theo CEO SGI Capital Lê Chí Phúc.

Theo ông Phúc, Việt Nam là nước đang phát triển hiếm hoi mạnh dạn hạ lãi suất sớm và nhiều lần để hỗ trợ tăng trưởng, trong khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và đa số ngân hàng trung ương toàn cầu vẫn neo lãi suất ở đỉnh để kiềm chế lạm phát. Hệ quả, lần đầu tiên trong lịch sử, nền lãi suất ở Việt Nam giảm thấp hơn Mỹ.
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, CEO SGI Capital cho hay, lãi suất là 'công cụ' mạnh nhất để 'lái' dòng tiền trong nền kinh tế. Hạ lãi suất thấp đồng nghĩa với kích thích/ép dòng tiền 'rời hang phòng thủ' gửi ngân hàng, tràn ra nền kinh tế qua các hoạt động đầu tư và đầu cơ. Trong đó, chứng khoán luôn là kênh đầu tiên dòng tiền tìm tới, sau đó là tiêu dùng, sản xuất kinh doanh, rồi từ từ tràn sang cả bất động sản giúp kinh tế phục hồi.

Tuy nhiên, kích thích mạnh và hạ lãi suất quá nhanh sẽ luôn tiềm ẩn rủi ro. Theo đó, lạm phát sau khi xuống thấp đang 'trèo' lên 4% và hứa hẹn tăng tiếp các tháng tới. Tỷ giá USD bất ngờ tăng vọt trong tháng 4. Vàng cũng liên tục nhảy múa lên đỉnh lịch sử. Chung cư Hà Nội sốt giá, bất động sản nhiều nơi rục rịch tăng.

"Bà con cả nước như cuốn vào một cuộc FOMO, phải mua ngay cái gì đó, cái gì cũng được, trừ giữ VND. Cả xã hội sôi nổi trong cuộc đầu cơ tài sản, ai cẩn trọng thì mua vàng/USD cất tủ. Niềm tin ở VND 10 năm tạo dựng có lẽ đang mất dần khi lãi suất hạ quá sâu", ông Phúc chia sẻ.

Trên sàn chứng khoán, trong khi nhà đầu tư nội 'nô nức' đổ tiền vào thị trường và tập trung vào 'hàng' đầu cơ, nhóm cổ phiếu 'bluechip' đầu ngành lại liên tục bị khối ngoại bán ròng bởi lo ngại áp lực mất giá của VND.

Khối ngoại rút mạnh khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam với mức bán ròng 50.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD) trong 12 tháng qua riêng trên sàn HOSE, trái ngược với kỳ vọng dòng tiền này sẽ đổ mạnh vào thị trường khi lộ trình nâng hạng đang tới gần.

Ông Phúc cho rằng, cuộc khủng hoảng thanh khoản năm 2022 của Việt Nam cũng bắt đầu từ việc giữ lãi suất thấp và cố kìm tỷ giá bằng việc bán ra lượng lớn ngoại tệ. Kết quả, thanh khoản VND thiếu hụt rất lớn dẫn tới cả lãi suất và tỷ giá cùng mất kiểm soát và tăng bùng nổ. Tất cả cộng hưởng với đại án SCB – Vạn Thịnh Phát trong tháng 10 đã đánh sập thanh khoản hệ thống, thị trường chứng khoán, bất động sản, và cả tăng trưởng kinh tế.

Bán ngoại tệ và duy trì lãi suất thấp chưa bao giờ là giải pháp ổn thỏa

Hiện tại, dự trữ ngoại hối của NHNN chỉ còn dưới 90 tỷ USD, vừa đủ mức tối thiểu 3 tháng nhập khẩu theo tiêu chuẩn an toàn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trong bối cảnh đó, NHNN đã để tỷ giá "linh hoạt" giảm 4,9% từ đầu năm, nhưng giảm hơn nữa sẽ tác động tiêu cực lên lạm phát, nợ nước ngoài, và lung lay niềm tin vào VND.

"Vì thế, quyết định can thiệp qua đấu thầu vàng và bán USD spot là một lựa chọn bắt buộc dù không mong muốn của SBV. Vàng và USD bán ra đều làm giảm dự trữ ngoại hối, đồng thời hút thanh khoản VND về, tiếp tục gây áp lực lên lãi suất", ông Phúc phân tích.

Theo ông Phúc, Việt Nam, với độ mở rất lớn về kinh tế và tài chính, sẽ luôn chịu áp lực lớn từ xu hướng lãi suất và dòng chảy vốn toàn cầu. Mong muốn chủ quan ép lãi suất giảm sớm và sâu để thúc đẩy tăng trưởng đi ngược hoặc lệch quá xa khỏi xu hướng toàn cầu có thể phải trả giá bằng bất ổn vĩ mô, mất giá đồng tiền, lạm phát, và cuối cùng là đánh mất cả tăng trưởng.

Ví dụ về điều hành tốt chính là giai đoạn hậu khủng hoảng 2013-2019 khi kinh tế tăng trưởng lành mạnh với chính sách điều hành vĩ mô thận trọng, luôn duy trì lãi suất đủ hấp dẫn để ổn định tỷ giá, ổn định lạm phát. Từ đó, kinh tế Việt Nam phát huy tốt các tiềm lực và một cách tự nhiên thu hút các dòng vốn FDI, FII, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối, tăng thanh khoản và có điều kiện giảm dần lãi suất.

Còn những giai đoạn ưu tiên tăng trưởng và nới lỏng quá mức như 2007, 2009, 2021 thường tạo sóng đầu cơ lớn nhưng không bền. Đa số người dân bị lãi suất thấp ép phải vội vã đi mua tài sản, bị cuốn vào các con sóng đầu cơ, cuối cùng thường chịu mất mát lớn hơn nhiều so với sự mất giá của nắm giữ VND.

Theo ông Phúc, ổn định vĩ mô và cụ thể là giữ niềm tin vào VND là điều kiện bắt buộc để một quốc gia đang phát triển có độ mở cao như Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng bền vững. Vấn đề là chúng ta có còn nhiều dư địa và công cụ để làm điều này ngoài việc tăng lãi suất trở lại và hy vọng FED sớm nới lỏng (điều ko ai dự báo được thời điểm)?./.

Thông tin chứng khoán

Cập nhật 2024-05-03 22:56

VN-INDEX 1,221.03 4.67 0.38%
HNX-INDEX 228.22 0.73 0.32%
UPCOM-INDEX 89.78 0.09 0.10%
VN30-INDEX 1,255.62 8.41 0.67%
HNX30-INDEX 490.71 2.50 0.51%
Tỉ giá ngoại tệ

Cập nhật 2024-03-21

Name Giá trị Thay đổi
USD/VND 24781 -0.0121%
EUR/VND 26912 -0.5873%
CNY/VND 3442.0712 -0.0155%
JPY/VND 163.5083 0.000234%
EUR/USD 1.086 -0.5677%
USD/JPY 151.62 0.238%
USD/CNY 7.1995 0.0222%
Giá vàng hôm nay

Cập nhật 2022-05-28 04:58

Loại Giá mua Giá bán
DOJI HN 68,500 69,500
DOJI SG 68,500 69,450
Phú Qúy SJC 68,650 69,400
SJC TP HCM 68,500 69,500
SJC Đà Nẵng 68,500 69,520
PNJ TP.HCM 54,100 55,200
PNJ HN 54,100 55,200

Top thành viên

Tag nổi bật