Vũ Đức Thứ Bảy, 17/5/2025, 16:46 (GMT+7)
Người theo dõi

Canada 'lỡ nhịp' cuộc đua stablecoin: Đồng CAD bị đe dọa ngay trên sân nhà

Trong khi Mỹ, EU và các trung tâm tài chính như Singapore hay UAE đang xem stablecoin là mũi nhọn chiến lược trong cải cách hệ thống thanh toán, thì Canada lại tự làm khó mình với khung pháp lý "lệch pha". Việc coi stablecoin là chứng khoán khiến quốc gia này tụt lại phía sau, đẩy đồng CAD vào thế yếu trước làn sóng stablecoin gắn với USD.

Ủy ban Chứng khoán Canada (CSA) đã phân loại stablecoin là "chứng khoán và/hoặc phái sinh" vào tháng 12/2022 sau vụ sụp đổ của FTX - sự kiện đã làm rung chuyển thị trường và khiến nhiều nhà lập pháp quay lưng với ngành công nghiệp tiền điện tử.

Quy định trên đã khiến số lượng nhà phát hành stablecoin trong nước giảm mạnh. Trong khi đó, tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), các quy định nới lỏng đã giúp thị trường stablecoin phát triển đáng kể, khiến Canada trở nên kém cạnh tranh hơn so với các khu vực pháp lý khác.

Đáng lo ngại hơn là khoảng trống trong các khoản thanh toán ngang hàng (P2P) tại Cannada - lĩnh vực mà stablecoin có thể đáp ứng hiệu quả. Trong khi stablecoin toàn cầu đã tăng trưởng đáng kể trong 5 năm qua, luật pháp tại Canada lại đang kìm hãm sự phát triển này, đe dọa đến cả vai trò của đồng đô la Canada (CAD).

Stablecoin trên toàn cầu đã tăng trưởng đáng kể trong năm năm qua (Nguồn: DeFiLlama)

Bà Morva Rohani - Giám đốc điều hành sáng lập của Canadian Web3 Council - cho biết cách tiếp cận của CSA - xem xét từng trường hợp riêng lẻ mà không có một khuôn khổ liên bang - đã tạo ra một hệ thống quy định "chắp vá". 

Ông Tanim Rasul - Giám đốc vận hành của sàn giao dịch tiền điện tử NDAX, cho rằng CSA đã "sai lầm" khi áp dụng luật chứng khoán đối với stablecoin, đồng thời nhấn mạnh rằng các khung pháp lý như Luật MiCA của EU là phù hợp hơn vì coi stablecoin là công cụ thanh toán.

Canada đang tụt lại so với thế giới?

Không chỉ EU, các khu vực pháp lý khác như Singapore và UAE cũng đã giới thiệu các khung pháp lý cho stablecoin. Ở Mỹ, các thượng nghị sĩ tỏ ra lạc quan rằng luật stablecoin sẽ được thông qua vào ngày 26/5.

Bà Rohani nhận định, Canada hiện đang "lạc nhịp" so với các khu vực dẫn đầu thế giới - những nơi đã áp dụng các khung pháp lý phù hợp, coi stablecoin là công cụ thanh toán. Việc không hài hòa với các quy định quốc tế có thể gây ra hậu quả tiêu cực đối với đồng CAD. 

Thêm vào đó, nếu không tạo điều kiện cho sự phát triển của stablecoin CAD, người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ chuyển sang sử dụng các stablecoin gắn với USD, khiến CAD mất dần vị thế trên thị trường toàn cầu.

Tính dễ sử dụng và bảo mật là ưu tiên hàng đầu đối với người dùng thanh toán quốc tế (Nguồn: Payments Canada)

Nhiều thành viên trong ngành công nghiệp tiền điện tử Canada cho rằng stablecoin có vai trò quan trọng tại quốc gia này, nhất là khi thiếu hụt các mạng lưới thanh toán P2P. 

Ông Lucas Matheson - Giám đốc Coinbase Canada - cho biết, hiện tại người Canada chủ yếu dựa vào chuyển khoản ngân hàng, vốn tốn 45 USD và mất 45 phút để hoàn tất. Hệ thống Interac e-Transfer - một dịch vụ chuyển tiền trong nước - hiện đang là nền tảng P2P chính, nhưng phụ thuộc vào ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Dù Canada có các ứng dụng như PayPal và Wise hỗ trợ chuyển tiền quốc tế, nhưng các dịch vụ này thường có phí cao và thời gian xử lý chậm so với stablecoin.

Theo Báo cáo Thanh toán Kỹ thuật số 2024 của Payments Canada, nhu cầu về các phương thức thanh toán kỹ thuật số mới đang gia tăng, nhưng stablecoin vẫn chưa được người dân ưa chuộng. Có tới 91% người Canada chưa từng sử dụng tiền điện tử làm phương thức thanh toán, chủ yếu do lo ngại về tính an toàn./. 

Chia sẻ
Báo cáo
Vũ Đức Người dùng
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên