Lê Nguyên Thứ Năm, 24/4/2025, 8:27 (GMT+7)
Người theo dõi

AGM 2025 TPBank: Chốt mục tiêu lãi 9.000 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 15%

Sáng nay (24/4), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã CK: TPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 (AGM 2025).

Tính đến 8h55, đại hội có sự tham dự của 120 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 1,78 tỷ cổ phần, chiếm tỷ lệ 67,64% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đủ điều kiện tiến hành.

Ông Đỗ Minh Phú phát biểu khai mạc đại hội

Phát biểu mở đầu đại hội, ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch HĐQT TPBank nhấn mạnh Ngân hàng Tiên Phong trong năm qua đã thu được những thắng lợi lớn.

Cụ thể, số lượng khách hàng đã cán mốc gần 14,1 triệu khách hàng. Đây là con số rất lớn và cũng chính là nền tảng cho ngân hàng phát triển trong năm tới.

Về tỷ lệ CIR (Cost to Income Ratio) của ngân hàng đã giảm từ mức 41% vào năm 2023 xuống mức xấp xỉ 35% trong năm 2024.

"Những thành công này là nhờ sự cố gắng của toàn thể cán bộ nhân viên, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành và đặc biệt là sự đồng hành, ủng hộ từ các quý vị cổ đông", ông Phú nói.

Đặt vấn đề kiểm soát nợ xấu lên hàng đầu

"Quan điểm của TPBank là kiểm soát nợ xấu. Bất cứ danh mục nào tiềm ẩn nợ xấu, chúng tôi đều chủ động xử lý", vị Chủ tịch TPBank nhấn mạnh.

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của TPBank đã giảm mạnh từ 1,52% (cuối 2023) xuống chỉ còn 1,12% vào cuối năm 2024.

Để đạt được con số trên, ngân hàng đã chủ động xử lý các khoản nợ xấu tiềm ẩn, đặc biệt trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, với tổng giá trị xử lý lên đến gần 3.700 tỷ đồng.

Lợi nhuận quý 1/2025 đạt 2.100 tỷ đồng

Hiện thực hóa mục tiêu 2025, ngay từ Q 1/2025, TPBank đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong quý 1 đạt gần 4.500 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập thuần từ dịch vụ trở thành điểm sáng khi tăng 27% so với quý 1/2024, đẩy tỷ trọng thu nhập dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động lên trên 20%, so với mức 15% cùng kỳ năm trước.

Đây là minh chứng rõ nét cho chiến lược kinh doanh giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng của TPBank đang phát huy hiệu quả, nhằm đa dạng hóa nguồn thu, đồng thời giảm thiểu rủi ro và tăng tính bền vững trong kinh doanh. 

Ngoài ra, TPBank đã hoàn thành việc mua lại CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) thành công ty con và tính đến thời điểm hiện tại tỷ lệ sở hữu là 99,9%. TPBank cũng đang sở hữu 9,01% vốn tại CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) với giá trị thực góp là 270,3 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2024.

Phiên thảo luận:

- Cổ đông: Tác động của thương chiến ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp FDI thế nào? 

Ông Nguyễn Hưng - CEO TPBank: Danh mục dư nợ liên quan trực tiếp xuất khẩu sang Mỹ là khoảng10.800 tỷ. Phần lớn khách hàng bị ảnh hưởng có dưới 20% doanh thu gắn với xuất khẩu Mỹ.

Xuất khẩu nông/thủy sản sang Mỹ vốn đã khó. Khách hàng FDI chủ yếu dùng dịch vụ thanh toán/ngoại tệ, ít vay TPBank do thường có vốn từ công ty mẹ. Tác động chung đến TPBank được đánh giá thấp, chỉ vài khách hàng có thể cần hỗ trợ, ngân hàng đang theo dõi.

Tính chất của khách hàng FDI, khác với các doanh nghiệp, họ ít vay các ngân hàng Việt Nam. Chủ yếu chúng tôi chỉ liên quan đến họ liên quan đến các dịch vụ thanh toán hay mua bán ngoại tệ, rồi các dịch vụ về thanh toán LC.

Ông Nguyễn Hưng - CEO TPBank - trả lời tại phiên thảo luận

- Cổ đông: Tăng trưởng tín dụng quý 1 của TPBank có động lực từ đâu?

Ông Nguyễn Hưng - CEO TPBank: Năm nay, TPBank được Ngân hàng Nhà nước phân bổ hạn mức 15,85%, cao hơn mức định hướng toàn ngành. Chưa kể còn có thể có điều chỉnh, vì vậy, chúng tôi không lo lắng về việc thiếu room tín dụng trong thời gian tới.

Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong quý 1 đạt 3,6%, so với mức trung bình toàn ngành chỉ đạt 2,5%, cho thấy mức tăng trưởng của chúng tôi cao hơn khá nhiều. Đến gần đây, tín dụng đã tăng 4,5%. Phần lớn tín dụng được giải ngân vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cho vay tiêu dùng như mua nhà, mua xe

- Cổ đông: Các diễn biến địa chính trị phức tạp hiện nay (căng thẳng Mỹ-Trung, chiến sự Ukraine, xung đột Trung Đông, vấn đề Biển Đông) tác động thế nào đến tăng trưởng tín dụng và tài trợ thương mại của TPBank? Chiến lược ứng phó của ngân hàng là gì?

Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT: Như quý vị đều biết, việc Tổng thống Donald Trump áp dụng mức thuế theo hình thức gọi là thuế đối ứng (reciprocal tax) đã khiến thế giới bất ngờ.

Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa thể khẳng định con bài cuối cùng của chính quyền ông Trump sẽ được lật ra theo cách nào, khi mà các mức thuế cụ thể đối với từng quốc gia vẫn đang tiếp tục được xem xét.

Là một trong 16 tổ chức tín dụng có vai trò chủ chốt trong hệ thống ngân hàng, chúng tôi xác định rõ trách nhiệm đồng hành cùng mục tiêu tăng trưởng chung. Tính đến hiện tại, ngân hàng vẫn chưa điều chỉnh bất kỳ mục tiêu nào.

Tuy nhiên, việc chưa điều chỉnh không có nghĩa là bị động. Nguyên tắc của chúng tôi là “nước đến đâu, bắc cầu đến đấy” – tức là sẵn sàng ứng biến linh hoạt khi tình huống phát sinh. Mặc dù chưa thể công bố chi tiết các biện pháp cụ thể, nhưng tinh thần chung là luôn trong tâm thế chủ động, sẵn sàng ứng phó.

Chia cổ tức 10% bằng tiền mặt, 5% bằng cổ phiếu

Theo tài liệu công bố, ban lãnh đạo TPBank sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với lợi nhuận trước thuế đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm trước.

Tổng tài sản đến cuối năm 2025 dự kiến đạt 450.000 tỷ đồng, tăng 7,6%; huy động vốn tăng 12,3% lên 420.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay tăng khoảng 20%, đạt 313.750 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, ban lãnh đạo TPBank đề xuất chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng), tương đương 2.641,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, TPBank cũng dự kiến phát hành 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 5% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 5 cổ phiếu mới).

Nếu được thông qua và thực hiện thành công, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng thêm 1.320,9 tỷ đồng, từ 26.420 tỷ đồng lên 27.740 tỷ đồng.

Năm ngoái, TPBank đã chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%, tổng giá trị hơn 1.100 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng cũng phát hành thêm 440,3 triệu cổ phiếu để chia cổ tức.

Trước đó, trong năm 2023, TPBank gây chú ý khi chi tới 4.000 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ lên tới 25% (1 cổ phiếu nhận 2.500 đồng), đồng thời phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 39,19%./.

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên