Vũ Đức 4 giờ trước
Người theo dõi

Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú: “Nước đến đâu, bắc cầu đến đấy”, sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ DN ảnh hưởng bởi thuế quan

“Nước đến đâu, bắc cầu đến đấy” - theo Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú - là sẵn sàng ứng biến linh hoạt khi trả lời chất vấn của cổ đông về chiến lược ứng phó của ngân hàng trước thuế quan của Mỹ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 (AGM 2025).

Cụ thể, người đứng đầu Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã CK: TPB) cho biết ban lãnh đạo đã có ít nhất 3 buổi họp để đánh giá tác động thuế quan của ông Trump đến nền kinh tế và bản thân ngân hàng.

"Là một trong 16 tổ chức tín dụng có vai trò chủ chốt trong hệ thống ngân hàng, chúng tôi xác định rõ trách nhiệm đồng hành cùng mục tiêu tăng trưởng chung. Tính đến hiện tại, ngân hàng vẫn chưa điều chỉnh bất kỳ mục tiêu nào", ông Phú nói. 

"Tuy nhiên, việc chưa điều chỉnh không có nghĩa là bị động. Nguyên tắc của chúng tôi là “nước đến đâu, bắc cầu đến đấy”- tức là sẵn sàng ứng biến linh hoạt khi tình huống phát sinh. Mặc dù chưa thể công bố chi tiết các biện pháp cụ thể, nhưng tinh thần chung là luôn trong tâm thế chủ động, sẵn sàng ứng phó", Chủ tịch TPBank nhấn mạnh. 

Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú phát biểu tại AGM 2025

Dạn dày kinh nghiệm thương trường, và cũng trải qua nhiều đợt biến động kinh tế, vị doanh nhân sinh năm 1953 không quá bi quan về thương chiến. "Khi một cánh cửa đóng lại, sẽ có một cánh cửa khác mở ra”, ông chia sẻ. 

Tại AGM 2025, ông Đỗ Minh Phú cũng trấn an cổ đông về tác động của thuế quan đối với ngân hàng khi cho biết số doanh nghiệp xuất nhập khẩu của TPBank chỉ chiếm 0,4% tổng dư nợ. Trong đó, các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ có quy mô khoảng 10.000 tỷ đồng, “không đáng kể” nếu so với tổng dư nợ gần 200.000 tỷ đồng của TPBank.

Ban lãnh đạo TPBank cũng chuẩn bị cho kịch bản Mỹ áp thuế vượt mức kỳ vọng. Khi đó, các tác động gián tiếp của thuế quan – đặc biệt là lan tỏa tới các ngành khác, lĩnh vực khác trong nền kinh tế cũng như đời sống an sinh xã hội – chắc chắn sẽ rõ nét hơn.

Các tác động này được TPBank chia thành 3 nhóm chính: (1) Khả năng gia tăng nợ xấu từ các doanh nghiệp xuất khẩu, (2) Cam kết chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, (3) Sẵn sàng điều chỉnh các khoản đầu tư, cắt giảm chi phí không cần thiết để đảm bảo dòng vốn an toàn.

“Nếu khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng từ thuế quan, TPBank sẵn sàng chia sẻ, sử dụng lợi nhuận để hỗ trợ họ. Thời gian tới, dù kế hoạch kinh doanh không đạt 9.000 tỷ đồng nhưng chúng tôi sẵn sàng chấp nhận giảm lợi nhuận để bù đắp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng tin rằng cổ đông hiểu và ủng hộ điều đó", Chủ tịch TPBank nhấn mạnh./.

Chia sẻ
Báo cáo
Vũ Đức Người dùng
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên