Mạnh Dũng Thứ Sáu, 22/11/2024, 2:07 (GMT+7)
Người theo dõi

Vinhomes mua lại lượng cổ phiếu VHM trị giá 11.000 tỷ đồng trong thương vụ lịch sử

Theo quy định hiện hành, số cổ phiếu VHM mà Vinhomes mua lại sẽ bị hủy.

Thương vụ mua lại cổ phiếu “vô tiền khoáng hậu” của CTCP Vinhomes (Mã CK: VHM) vừa chính thức khép lại. 

Theo dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), sau 22 phiên giao dịch (từ ngày 23/10-21/11), Vinhomes đã mua lại tổng cộng 246,9 triệu cổ phiếu VHM. Riêng trong phiên 15/11, Vinhomes nhiều khả năng đã mua lại tới 15,7 triệu cổ phiếu VHM qua phương thức thỏa thuận tại mức giá 40.350 đồng/cp.

Vinhomes chỉ gom được 66,75% khối lượng đăng ký (là 370 triệu cổ phiếu VHM), đây vẫn là thương vụ mua cổ phiếu quỹ có quy mô lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam - cho đến lúc này. 

Nếu tính theo mức giá đóng cửa của cổ phiếu VHM hôm 21/11 là 43.300 đồng/cp, số cổ phiếu VHM về tay đơn vị phụ trách mảng bất động sản của CTCP Vingroup (Mã CK: VIC) trong thương vụ trên có giá trị thị trường ở mức 10.690,7 tỷ đồng. 

Vinhomes mua lại lượng cổ phiếu VHM trị giá 11.000 tỷ đồng trong thương vụ lịch sửVinhomes gom được được 2/3 số cổ phiếu đăng ký mua lại (Ảnh chụp màn hình - Nguồn: HOSE)

Theo quy định, trong vòng 10 ngày kể từ khi kết thúc giao dịch, Vinhomes sẽ phải huỷ số cổ phiếu quỹ đã mua, đồng thời giảm vốn điều lệ tương ứng. Đồng nghĩa, hậu giao dịch, vốn điều lệ của Vinhomes sẽ giảm từ 43.543,6 tỷ đồng xuống còn hơn 41.074 tỷ đồng. 

Trước đó, Vinhomes cho biết mục đích mua lại cổ phiếu là nhằm đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông trong bối cảnh thị giá VHM đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực. Nguồn vốn mua lại được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo báo cáo tài chính soát xét bán niên của Vinhomes. 

Trong khi Vinhomes vung tiền mua cổ phiếu quỹ, khối ngoại mạnh tay “xả” cổ phiếu VHM, chủ yếu qua kênh khớp lệnh. Họ miệt mài bán ròng gần 91 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị khoảng 3.800 tỷ đồng trong 22 phiên giao dịch vừa qua.

Nhắc đến các cổ đông ngoại ở Vinhomes, thị trường từng ghi nhận sự nổi lên của Government of Singapore (GIC) và Viking Asia Holdings II Pte Ltd (Viking Asia Holdings II).

Trong đó, GIC - thông qua GIC Private Limited - đã trở thành cổ đông lớn của Vinhomes ngay trước thềm niêm yết trên sàn chứng khoán, sau khi mua vào 153,8 triệu cổ phiếu VHM hồi tháng 4/2018. Bên cạnh việc mua cổ phần, GIC được cho là sẽ cung cấp công cụ nợ (như khoản cho vay) để Vinhomes thực hiện các dự án bất động sản. 

Đến trung tuần tháng 8/2023, quỹ đầu tư Singapore không còn là cổ đông lớn tại Vinhomes, sau khi giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,99% vốn (tương ứng với 217,4 triệu cổ phiếu VHM ở thời điểm đó).

Còn Viking Asia Holdings II, trong giai đoạn từ 19/8-14/9/2021, đã bán ra 31,9 triệu cổ phiếu VHM, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,6% vốn (tương ứng với 153,8 triệu cổ phiếu). Khi ấy, Viking Asia Holdings II tự nhận là một thành viên của KKR - quỹ đầu tư có trụ sở tại Mỹ từng thu xếp khoản đầu tư 650 triệu USD để đổi lấy 6% cổ phần Vinhomes hồi giữa năm 2020./.

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên