Cần phải nhấn mạnh rằng, nhờ có Luật Thủ đô, mà việc triển khai đầu tư bằng hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Hợp đồng BT) tại Hà Nội mới được ‘hồi sinh’.
Đây là phương án được mong đợi sẽ giúp chính quyền thành phố huy động thêm nguồn lực đáng kể để đầu tư vào các công trình trọng điểm. Dĩ nhiên, trong đó có cả kế hoạch xây thêm những cây cầu mới bắc qua sông Hồng.
Không phải ngẫu nhiên mà CTCP Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) muốn làm cầu Tứ Liên.
Cây cầu dài hơn 10km này sẽ kết nối dự án trọng điểm của họ - Vinhomes Cổ Loa (hay Vinhomes Global Gate), tới thẳng trung tâm Hà Nội. Cầu Tứ Liên xong sớm ngày nào thì Vingroup càng có lợi ngày ấy.
Mà tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bấy lâu nay vẫn nổi tiếng về sự khẩn trương, quyết liệt và thần tốc trong triển khai dự án. Họ cũng có thừa sự tự tin sau khi xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở.
Sẵn sàng bạo chi để xây dựng cây cầu có tổng vốn đầu tư tới 22.000 tỷ đồng, Vingroup hẳn muốn nhiều hơn thế.
Có nguồn tin cho rằng, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tham gia đầu tư xây dựng dự án cầu Tứ Liên - thông qua hình thức BT - còn nhằm hướng đến quỹ đất ở trục Nhật Tân-Nội Bài.
Được biết, UBND Tp. Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài, tỷ lệ 1/500, đoạn 1, đoạn 2 và đoạn 3 (đường Võ Nguyên Giáp) thuộc địa bàn huyện Đông Anh và Sóc Sơn, với tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 1.810,1ha.
Trong đó, tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp) là trục động lực chính, phát triển tổ hợp hệ thống các trung tâm tài chính ngân hàng, trung tâm thương mại, khách sạn, bệnh viện cao cấp, công trình văn hóa, khu nhà ở chất lượng cao.
Số lượng các đại dự án mà công chúng đã được biết đến xoay quanh trục này không nhiều. Bên cạnh Vinhomes Cổ Loa, dự án thành phố Thông minh Bắc Hà Nội (North Hanoi Smart City; 272ha) và Công viên Kim Quy (100ha) hiện là những dự án nổi bật trên trục Nhật Tân-Nội Bài.
Còn nhớ, tháng 8/2017, UBND Tp. Hà Nội đã đề nghị Vingroup nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung (tên cũ: Khu công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm) tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh.
Đây vốn là dự án thuộc danh mục các công trình trọng điểm của Hà Nội giai đoạn 2016-2020, dự kiến bố trí tại quy hoạch khu công viên công nghệ cao thuộc khu vực phát triển đô thị hai bên đường Võ Nguyên Giáp thuộc trục Nhật Tân-Nội Bài với diện tích dự kiến là 70,8ha, có tổng mức đầu tư khoảng 24.000 tỷ đồng.
Liên quan tới dự án này, tháng 9/2018, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và UBND huyện Đông Anh tổ chức công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu nhà ở xã hội tập trung, tỷ lệ 1/500, thuộc địa giới hành chính xã Tiên Dương, (huyện Đông Anh, TP Hà Nội), với quy mô 44,72ha.
Điều chỉnh quy hoạch này nhằm phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin tập trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và phù hợp với quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài đã được phê duyệt.
Ở một dự án khác tại huyện Đông Anh, liên danh Vingroup - CTCP Đầu tư và phát triển thương mại Long Hải - CTCP Đầu tư xây dựng Thái Sơn đã đáp ứng được yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị thông minh - sinh thái tại các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh.
Dự án này có quy mô 268ha, với tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 33.093 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 2.090 tỷ đồng.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao, cho thuê đất. Tiến độ thực hiện đến hết năm 2031./.