Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Việt Nam lọt top 11 toàn cầu về giao dịch tiền số

09:56 05/07/2025

Việt Nam là một trong những quốc gia có hoạt động tiền mã hóa sôi động nhất thế giới – xếp thứ 11 toàn cầu về giá trị tài sản số nhận được trong giai đoạn từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024, nhưng lại nằm trong nhóm quốc gia chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh, tạo ra khoảng trống lớn về kiểm soát AML/CFT.

Trong bối cảnh thế giới đang ráo riết thiết lập khung pháp lý để kiểm soát và phát triển thị trường tiền mã hóa, Việt Nam cần bứt tốc hơn nữa trong cuộc đua này. 

Theo báo cáo "The Road to Crypto Regulation" (Tạm dịch: Con đường pháp lý của crypto) do Chainalysis công bố tháng 7/2025, Việt Nam là một trong số ít quốc gia chưa triển khai bất kỳ quy định có hiệu lực nào liên quan đến tài sản số – bao gồm chống rửa tiền, bảo vệ người tiêu dùng hay đảm bảo tính minh bạch thị trường.

25 thị trường hàng đầu được phân loại theo 3 tiêu chí: 

1️⃣Tính toàn vẹn tài chính (AML/CFT)

2️⃣Bảo vệ người tiêu dùng

3️⃣Tính toàn vẹn thị trường

Việt Nam bị đánh dấu 🔴 cả ba hạng mục, đồng nghĩa với việc chưa có quy định nào đi vào thực thi.

Trong khi đó, các nước trong khu vực như Indonesia, Hong Kong, hay Singapore đều đã ban hành khung pháp lý khá toàn diện – thậm chí một số nước như Hàn Quốc còn áp dụng các biện pháp bảo hiểm tài sản, giám sát thị trường theo thời gian thực và kiểm soát chặt chẽ các ví lạnh (cold wallet) của sàn giao dịch.

Việt Nam lọt top 11 toàn cầu về giao dịch tiền số (Nguồn: Chainalysis)

Theo Chainalysis, Việt Nam chưa áp dụng Khuyến nghị 15 của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF) – tiêu chuẩn toàn cầu về quản lý tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASPs) nhằm phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT). 

Việt Nam được xếp vào giai đoạn “Phát triển chính sách và lập pháp” – tức là đang hoàn thiện luật nhưng chưa bước sang giai đoạn thực thi, cùng nhóm với Mỹ, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, trên sơ đồ “The Policy Lifecycle” của Chainalysis. 

Đồng nghĩa, các nhà đầu tư trong nước đang đối diện trước rủi ro lừa đảo, thao túng giá, hay mất mát tài sản do vi phạm an ninh mạng.

Việt Nam được xếp vào giai đoạn “Phát triển chính sách và lập pháp” cùng nhóm với Mỹ, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ (Nguồn: Chainalysis)

Luật mới – kỳ vọng thay đổi cục diện

Tín hiệu tích cực đã xuất hiện khi Luật Công nghiệp Công nghệ số được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2025 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Lần đầu tiên, luật định nghĩa rõ ràng về tài sản số và trao quyền cho Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan sẽ:

▪️Thiết lập cơ chế cấp phép, quản lý và giám sát hoạt động của VASPs

▪️Ban hành chuẩn AML/CFT phù hợp với FATF

▪️Chuẩn hóa quy trình KYC, báo cáo giao dịch đáng ngờ, và thực thi Travel Rule

Việc ban hành khung pháp lý này không chỉ thu hẹp khoảng cách với các chuẩn mực quốc tế, mà còn là bước tiến lớn giúp Việt Nam xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, an toàn, đồng thời tăng cường tính toàn vẹn thị trường.

Bởi vậy, cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong lĩnh vực tài sản số cần gấp rút chuẩn bị về mặt kỹ thuật và pháp lý.

Các sàn giao dịch, ví điện tử, nền tảng NFT hay dịch vụ DeFi sẽ phải thích nghi với loạt yêu cầu mới: từ xác minh danh tính người dùng (KYC), kiểm soát dòng tiền (AML), đến báo cáo các giao dịch xuyên biên giới.

Ở chiều ngược lại, Chính phủ cũng đối mặt thách thức lớn: làm sao để vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong Web3, vừa đảm bảo kiểm soát rủi ro tài chính, tránh để thị trường bị lợi dụng làm công cụ rửa tiền hoặc lừa đảo.

Cơ hội trở thành trung tâm Web3 của khu vực đang đến rất gần, Luật Công nghiệp Công nghệ số là điểm khởi đầu quan trọng, nhưng việc triển khai thực thi hiệu quả mới là chìa khóa để bứt phá./.