Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Vì sao VPBank nhận chuyển giao ngân hàng '0 đồng'(?): Đây là câu trả lời của ‘soái’ Ngô Chí Dũng

14:02 29/04/2024

Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng nói việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng '0 đồng' không mang lại quá nhiều lợi ích về mặt tài chính cho VPBank, nhưng đây là điều kiện đủ để ngân hàng có thể tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn.

Ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã CK: VPB) – đã cho biết như vậy tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (AGM 2024) vừa diễn ra.

Theo ông Dũng, không phải ngân hàng nào cũng đủ điều kiện tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, '0 đồng'. Đúng như tên gọi, đây đều là những ngân hàng yếu và kém, lỗ lũy kế rất lớn và dự kiến tiếp tục lỗ trong tương lai.

Về góc độ tài chính, các ngân hàng tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém không nhận được quá nhiều lợi ích. Tuy nhiên, đây là điều kiện đủ để VPBank có thể tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn, phù hợp với chiến lược tăng trưởng quy mô của ngân hàng.

"Với sự tham gia của đối tác chiến lược SMBC, VPBank có nền tảng vốn lớn. Đây là điều kiện cần để tăng trưởng quy mô. Trong khi đó, tham gia tái cơ cấu ngân hàng '0 đồng' là điều kiện đủ để ngân hàng được tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn trung bình ngành", Chủ tịch VPBank nói.

Ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, VPBank sẽ có cơ hội nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên mức cao hơn thay vì mức 30% như hiện tại khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng '0 đồng'. Đây cũng là điều kiện quan trọng giúp VPBank có thể thu hút thêm vốn từ nhà đầu tư ngoại.

Ngoài ra, ông Dũng cho biết, VPBank còn nhận được một số lợi ích khác về cơ chế chính sách khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Đây cũng được xem là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng hệ thống ngân hàng.

Ban lãnh đạo VPBank cho biết, quy mô tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của ngân hàng mục tiêu tại thời điểm nhận chuyển giao sẽ không cao hơn 5% so với quy mô tương ứng của VPBank tại thời điểm 31/12/2023; vốn điều lệ của ngân hàng này không quá 5.000 tỷ đồng.

Sau khi nhận chuyển giao, tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do VPBank là chủ sở hữu, là pháp nhân độc lập.

VPBank có quyền mua, bán tài sản/nợ/trái phiếu doanh nghiệp với TCTD được chuyển giao bắt buộc để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, với giá trị giao dịch trên 20% vốn điều lệ của VPBank được ghi trong báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất.

Hiện tại, có 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt, bao gồm: Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank), Ngân hàng Đông Á (DongABank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Trước VPBank, Vietcombank, MB và HDBank cũng đã có kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Trong đó, Vietcombank được cho là sẽ tiếp nhận CBBank, còn MB được tin rằng sẽ tiếp nhận OceanBank./.

* AGM 2024 VPBank: Tự tin FE Credit sớm trở lại mạch lãi từ 3.000-4.000 tỷ đồng, SMBC giúp có thêm khách hàng FDI, lý giải việc nhận ngân hàng '0 đồng'

* Sức hấp dẫn của ngân hàng yếu kém