Trí tuệ thông minh nhân tạo (AI) là một trong những chủ đề nóng nhất năm 2024. Từ việc Nvidia đạt vốn hóa thị trường nghìn tỷ USD cho đến việc sử dụng năng lượng ngày càng tăng của các trung tâm dữ liệu. Thế nhưng đây lại là mảng công nghệ mà người Mỹ thống trị với 3 startup AI lớn nhất thế giới về vốn hóa là OpenAI, xAI và Anthropic.
Điều trớ trêu là công nghệ AI lại được khởi xướng bởi một hãng khởi nghiệp ở Anh có tên DeepMind vào năm 2010, trước khi Anthropic hoặc OpenAI tồn tại.
Vậy tại sao Châu Âu lại đang tụt hậu ở AI cũng như trên toàn bộ ngành công nghệ?
Thủ tục rườm rà
Nếu xét trên bình diện tập đoàn công nghệ 100 tỷ USD thì Mỹ có 33 công ty còn EU chỉ có 4 doanh nghiệp. Tờ Financial Times nhận định các thủ tục hành chính rườm rà tại Châu Âu đã cản bước những nhà khởi nghiệp, khiến họ từ bỏ để đến Thung lũng Silicon lập nghiệp.
Tại Đức, quy trình công chứng quá dài dòng và tốn thời gian khi các công chức chỉ làm giờ hành chính chứ không chịu tăng ca khiến các nhà khởi nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng phải suy nghĩ nhiều hơn khi đổ tiền vào một nền kinh tế tốn quá nhiều thời gian để công chứng 1 tờ giấy.
Ví dụ điển hình nhất là startup DeepMind đi tiên phong trong lĩnh vực AI, được thành lập bởi Demis Hassabis và Shane Legg.
Khi huy động gọi vốn vòng đầu tiên vào năm 2010, ông Hassabis hiểu rõ rằng không nên tốn thời gian tại Châu Âu mà tiến thẳng về Thung lũng Silicon gọi vốn, nơi các startup có thể tìm đến những nhà đầu tư cởi mở như Peter Thiel và Elon Musk.
Hơn nữa Thung lũng Silicon cũng là nơi có nhiều nhà khởi nghiệp có kinh nghiệm, có thể truyền cảm hứng hay chia sẻ những kiến thức giúp các startup sống sót trong thời kỳ đầu.
Đây là những điều mà Châu Âu chưa thể làm được và như một vòng lặp luẩn quẩn, các startup tiềm năng đều đổ về Mỹ thay vì ở lại lục địa già này.
Táo bạo
Khởi nghiệp là một mảng đầy rủi ro và những quỹ đầu tư cần phải rất bản lĩnh để tài trợ thời gian dài cho các dự án trước khi chúng có thể kiếm về lợi nhuận.
Tại Thung lũng Silicon, hơn 60% nhà quản lý cấp cao tại các quỹ đầu tư mạo hiểm từng là nhà khởi nghiệp hoặc CEO startup, thế nhưng tỷ lệ này lại chỉ là 8% tại Châu Âu.
Nói đơn giản hơn, văn hóa kế thừa sự giàu có của các gia tộc đã ăn sâu bén rễ tại Châu Âu và làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển các startup. Những CEO, nhà đầu tư thế hệ sau trong các gia tộc giàu có lâu đời thường không thích mạo hiểm với những dự án khởi nghiệp cần thời gian dài rót vốn mà chẳng biết có thành công hay không.
Quay trở lại DeepMind, dù là startup của Anh nhưng cuối cùng dự án này đã bị Alphabet (Google) mua lại vào năm 2014 với giá chỉ 400 triệu Bảng Anh, tức chỉ 4 năm sau khi ra mắt.
Nguyên nhân thì vô cùng dễ hiểu, ông Hassabis không gọi đủ vốn từ Châu Âu để tiếp tục các dự án nghiên cứu của mình trong khi Google với tiềm lực hàng tỷ USD tài trợ có thể làm điều đó.
Trong khi DeepMind còn đang vật lộn tìm kiếm nguồn vốn thì tại Thung lũng Silicon, những nhà sáng lập như Sam Altman và Elon Musk đã để ý đến tầm quan trọng của AI, qua đó thành lập OpenAI để cạnh tranh với DeepMind.
Hiện OpenAI của Sam Altman đã được định giá hơn 150 tỷ USD còn xAI của Elon Musk là 50 tỷ USD.
Giờ đây, Thung lũng Silicon mới là trung tâm AI của thế giới chứ không phải London, điểm khởi nguyên của DeepMind./.
Nguồn tham khảo: Nhịp sống thị trường
Nội dung liên quan
- Intel: Từ kẻ đi săn trở thành 'con mồi'
- Thông điệp Nvidia gửi đến các nhà sản xuất chip toàn cầu
- Bong bóng AI cuối cùng sẽ sụp đổ với ‘Định luật Moore’?
- Intel có biến: CEO Pat Gelsinger ‘nghỉ hưu’
- Twitter-X: Từ thương vụ ‘tồi tệ nhất lịch sử’ trở thành quân bài chiến lược cho ông Donald Trump
- Intel đã tuột dốc ra sao?