2025 là năm của những trấn động dữ dội, nơi những bất ổn địa chính trị, bất trắc kinh tế và bất định chính sách cùng lúc giao thoa, đẩy giá vàng lên đỉnh cao lịch sử, trong khi đồng đô la Mỹ – đồng tiền quyền lực nhất thế giới – đang trải qua cuộc “mất giá về niềm tin”.

Tại thời điểm giữa tháng 4 này, giá vàng giao ngay đã vượt mốc 3.300 USD/ounce, với đỉnh cao gần nhất ghi nhận là 3.306,04 USD/ounce. Đà tăng hơn 20% kể từ đầu năm không đơn thuần đến từ một cú sốc duy nhất, mà là sự kết hợp phức tạp của những lực kéo cả ngắn hạn lẫn dài hạn: căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bùng phát trở lại với làn sóng thuế quan mới từ chính quyền Trump, kỳ vọng Cục dự trữ Liên bang (Fed) sẽ giảm lãi suất mạnh tay trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt, và đặc biệt là xu hướng mua vào mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương – đứng đầu là Trung Quốc – như một cách giảm phụ thuộc vào USD trong dự trữ ngoại hối.
Tuy nhiên, nếu những bất ổn chỉ dừng lại ở mức điều chỉnh chính sách thông thường, thị trường có thể đã phản ứng nhẹ nhàng hơn. Điều khiến nhà đầu tư hoảng sợ chính là “độ gây sốc” trong các quyết sách của ông Trump. Việc áp thuế quan đối ứng gần đây của ông – được đánh giá là một bước đi bất thường, có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào nguy cơ suy thoái.
Hàng rào thuế quan đồng loạt và không có ngoại lệ khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu đứng trước nguy cơ đứt gãy, trong khi tăng trưởng thương mại chững lại và lạm phát nhập khẩu gia tăng trên diện rộng.

Tại Mỹ, Fed đang chịu sức ép kép: lạm phát hạ nhiệt về mức 2,4%, nhưng tăng trưởng kinh tế cũng chững lại rõ rệt. Giới phân tích ngày càng tin rằng Fed sẽ phải hành động sớm – thậm chí trong quý II – để cắt giảm lãi suất nhằm tránh đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Điều này càng làm gia tăng áp lực lên đồng USD, khi chênh lệch lợi suất giữa Mỹ và các nền kinh tế khác thu hẹp dần.
Song điều nghiêm trọng hơn là tác động dài hạn đến vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. Việc Washington áp thuế quan đối ứng không chỉ với đối thủ mà cả đồng minh, đã khiến hình ảnh "nước Mỹ dẫn dắt" trở nên mờ nhạt.
Nhiều quốc gia bắt đầu tìm cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, giảm tỷ trọng USD, tăng nắm giữ vàng và các đồng tiền khác như Yên Nhật, Euro. Đây là biểu hiện rõ nét cho thấy vai trò thống trị của đồng USD – vốn dựa trên niềm tin toàn cầu – đang bị lung lay từ gốc rễ.
Vàng – vốn luôn được xem là nơi trú ẩn an toàn – dường như không chỉ phản ánh nỗi sợ trước lạm phát, mà còn đang trở thành “biểu tượng chính trị” của sự dịch chuyển quyền lực tài chính toàn cầu. Theo thống kê, các quỹ ETF vàng ghi nhận mức tăng 226,5 tấn chỉ riêng trong quý I, tương đương hơn 21 tỷ USD – mức cao nhất kể từ đầu năm 2022.
Trong khi đó, các tổ chức tài chính lớn như Goldman Sachs, UBS hay Bank of America đều lần lượt nâng dự báo giá vàng cuối năm lên vùng 3.500 – 3.700 USD/ounce, thậm chí một số kịch bản lạc quan cho rằng vàng có thể tiệm cận mốc 4.000 USD nếu rủi ro địa chính trị tiếp tục leo thang.
Các nhà đầu tư quốc tế bắt đầu thể hiện quan điểm rõ rệt: họ đang bán tháo tài sản Mỹ với tốc độ nhanh chưa từng có trong các khảo sát gần đây của Bank of America. Đồng thời, khảo sát của Deutsche Bank cảnh báo về “một cuộc khủng hoảng niềm tin đối với USD”, khi các quốc gia BRICS và một số nền kinh tế mới nổi ngày càng đẩy mạnh thanh toán thương mại bằng các loại tiền tệ khác, đồng thời gia tăng nắm giữ vàng như một phần chiến lược tài chính độc lập.

Đồng đô la Mỹ đang lùi từng bước trong thế bị động. Chỉ số DXY giảm mạnh từ 110 về dưới 100 trong vòng chưa đầy 4 tháng, phản ánh xu hướng nhà đầu tư rút lui khỏi tài sản Mỹ. Trong khảo sát mới nhất của Bank of America, tỷ lệ nhà quản lý quỹ dự báo USD tiếp tục mất giá trong năm nay đạt mức cao kỷ lục.
Dưới sức nặng của những biến động chính sách khó lường và môi trường kinh tế toàn cầu mong manh, nhà đầu tư không còn chỉ phản ứng ngắn hạn mà đang điều chỉnh lại kỳ vọng dài hạn.
Với dòng tiền lớn đổ vào vàng, niềm tin vào chính sách tiền tệ truyền thống bị thử thách, và những rủi ro mang tính cấu trúc ngày càng lộ rõ, xu thế tăng giá của vàng trong năm 2025 không còn là một phản ứng mang tính thời điểm. Đó là một chuyển dịch sâu sắc, phản ánh nỗi bất an toàn cầu – và là xu thế rất khó đảo ngược trong ngắn hạn.