Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Tỷ phú Howard Lutnick - ‘headhunter’ của ông Trump và sợi dây với SPAC dìu VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ

02:27 15/11/2024

Là người phụ trách tuyển chọn những “mảnh ghép” phù hợp cho bộ máy của ông Trump, tỷ phú Howard Lutnick nổi danh Phố Wall trên cương vị Chủ tịch Cantor Fitzgerald. Đây cũng là tay to tại SPAC đã dìu VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ. Bản thân Lutnick cũng từng đến Việt Nam tìm cơ hội xây trung tâm tài chính tỉ USD.

Sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã dành cả ngày cuối tuần cùng tỷ phú Elon Musk dạo quanh câu lạc bộ West Palm Beach trên xe golf. 

Trong khi đó, tại dinh thự riêng của vị Tổng thống mới đắc cử ở Mar-a-Lago, người ta bắt gặp hình ảnh Howard Lutnick đang ôm một chồng giấy tờ dày cộp đang bước đi vội vã ngang qua sảnh chính. Sau đó, ông Lutnick được nhìn thấy đang ăn trưa với ông Trump và người cháu gái 17 tuổi tại câu lạc bộ golf.

>>Ông Howard Lutnick bước lên sân khấu tại một sự kiện của ông Donald Trump (Ảnh: WSJ)

Howard Lutnick là ai?

Ngay từ tháng 8, ông Trump đã lập nhóm phụ trách quá trình chuyển giao quyền lực. Hai đồng chủ tịch của nhóm này là ông Howard Lutnick và bà Linda McMahon. 

Trong đó, bà McMahon phụ trách giám sát chính sách, còn ông Lutnick phụ trách chọn lọc nhân sự, lấp đầy hàng nghìn vị trí còn trống trong bộ máy ‘Trump 2.0’, từ các luật sư chứng khoán đến các cố vấn an ninh quốc gia. 

Theo ông Lutnick, chính quyền nhiệm kỳ hai của ông Trump sẽ rất khác. Đội ngũ tuyển dụng sẽ bỏ qua những ứng viên có lập trường riêng trong công việc hoặc công khai chỉ trích cấp trên. Thay vào đó, họ tập trung tìm kiếm những cái tên "trung thành với các chính sách của tổng thống".

"Không ai trung thành và có năng lực hơn Howard. Đó là lý do cha tôi chọn ông ấy để tập hợp những tài năng xuất chúng phục vụ chính phủ Mỹ", ông Donald Trump Jr., con trai ông Trump, nói với Politico. "Điều tuyệt vời nhất là có người đáng tin cậy như Howard để chúng tôi tập trung hoàn toàn vào chiến thắng và biết rằng khi đến lúc, mọi thứ đều đã sẵn sàng".

Sinh năm 1961, ông Howard Lutnick lớn lên tại Long Island, New York. Ông là con của một gia đình Do Thái, bố là Solomon Lutnick - giáo sư lịch sử Đại học Queens, còn mẹ là nghệ sĩ Jane Lutnick. Nhưng bố mẹ ông qua đời khi ông còn thiếu niên và không để lại tài sản nào.

Năm 1983, sau khi tốt nghiệp Đại học Haverford, ông đầu quân cho công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald. Tại đây, Lutnick thăng tiến lên vị trí giám đốc điều hành công ty năm 1991 trước khi giữ ghế chủ tịch năm 1996.

Vị tỷ phú gốc Do Thái đã vực dậy Cantor Fitzgerald sau vụ tấn công khủng bố gây chấn động nước Mỹ và toàn thế giới ngày 11/9/2001. 658 trong tổng số 960 nhân viên công ty thiệt mạng khi những kẻ khủng bố lao máy bay vào Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC). Trong số nạn nhân thiệt mạng có Gary Lutnick, em trai của Lutnick. Vị tỷ phú khi đó không có mặt tại văn phòng vì ông đưa con trai đến trường mẫu giáo.

Đây cũng là thời gian ông Lutnick và ông Trump quen biết nhau, vì họ cùng hứng chịu tác động từ vụ khủng bố, một nhân viên Cantor Fitzgerald cho hay.

Sau thảm kịch, Lutnick đã tái thiết Cantor Fitzgerald, giúp công ty thành công trở lại. Lutnick được cho là sở hữu khối tài sản khoảng 1,5 tỷ USD.

>>Ông Howard Lutnick cùng Tổng thống đắc cử Donald Trump tại một sự kiện ở Michigan (Ảnh: WSJ)

Từ SPAC dìu VinFast lên sàn Mỹ đến tham vọng tỉ USD tại Việt Nam

Nhóm Cantor Fitzgerald là một trong những tay to tại Black Spade Acquisition Co (Black Spade) - công ty séc trắng (SPAC) đã giúp VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lên sàn chứng khoán Mỹ sau một thương vụ sáp nhập. 

Bản thân Howard Lutnick cũng từng đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. 

Hồi tháng 5/2016, ông dẫn đầu nhóm nhà đầu tư Mỹ (gồm: Cantor Fitzgerald, Weider Resorts, Steelman Partners) sang làm việc với lãnh đạo TP. HCM để đề xuất đầu tư khu phức hợp, trung tâm tài chính quy mô 4 tỉ USD tại Khu đô thị Thủ Thiêm. 

Tuy nhiên, đề xuất này không được TP. HCM chấp thuận với lý do dự án đề ra không đảm bảo thực hiện đúng theo quy hoạch đã được duyệt.

Có một chi tiết đáng chú ý, bên "chắp mối" cho nhóm Cantor Fitzgerald khi ấy là Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) của 'vua hàng hiệu' Johnathan Hạnh Nguyễn.

Thất bại ở Tp. HCM không làm các ‘đại bàng’ Mỹ nản chí. 5 năm sau, vẫn thông qua mối quen cũ – IPPG, họ tìm tới Đà Nẵng.

Biên bản ghi nhớ về việc tài trợ Đề án xây dựng Trung tâm tài chính tập trung Đà Nẵng được ký vào tháng 3/2021 quy định, trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký, IPPG - thay mặt cho tổ hợp liên danh Cantor Fitzgerald, Weidner Resorts/ GAM và Steelman Partners - sẽ lập Đề án chi tiết xây dựng khu trung tâm tài chính, du lịch, mua sắm quy mô, đẳng cấp sánh ngang tầm khu vực và thế giới. 

Sau những hoạt động quảng bá rầm rộ ban đầu, thông tin về tiến độ dự án sau này ít thấy được cập nhật.

>

Giới tài phiệt dấn sâu vào chính trường Mỹ: Hiện tượng hay xu thế?

Ông Donald Trump từng gây chấn động thế giới khi là vị doanh nhân đầu tiên trở thành Tổng thống Mỹ. Dưới thời Trump 2.0, sự tham gia của giới doanh nhân nơi chính trường Mỹ ngày càng thể hiện rõ nét.

Tỷ phú Elon Musk - ông chủ của Tesla, SpaceX và đặc biệt là Twitter (nay là X) - mới được ông Trump chọn làm lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE). Việc sở hữu mạng xã hội X được cho là sẽ giúp Musk có thể tác động trực tiếp lên các vấn đề xã hội và chính trị, từ định hướng dư luận đến phản biện chính sách.

Đồng lãnh đạo DOGE với Elon Musk là Vivek Ramaswamy, một doanh nhân lĩnh vực tài chính và dược phẩm, người từng tham gia tranh cử tổng thống với tư cách là ứng viên Đảng Cộng hòa. Dù tự nhận là một nhà khoa học y sinh, khối tài sản của ông Ramaswamy chủ yếu xuất phát từ các hoạt động trong lĩnh vực tài chính. 

Ông Scott Bessent - người từng làm việc dưới trướng huyền thoại đầu cơ George Soros - đang là ứng viên sáng giá cho vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ. 

Sẽ cần thêm thời gian để đánh giá việc giới tài phiệt dấn sâu vào chính trường Mỹ là một hiện tượng, xu thế hay chỉ là sự khuếch trương quyền lực./.