Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Từ Trump 2.0 đến 'Made in Vietnam'

18:36 22/11/2024

Trở lại Nhà Trắng, ông Trump khả năng cao sẽ áp thuế mạnh tay hơn với hàng hoá nhập từ Trung Quốc. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn quốc tế, bởi vậy, được dự báo sẽ càng mạnh mẽ hơn.

Ông Donald Trump từng thề sẽ “dịch chuyển toàn bộ ngành sản xuất” về Mỹ. "Bạn sẽ thấy làn sóng di cư sản xuất từ ​​Trung Quốc về Pennsylvania, từ Hàn Quốc về Bắc Carolina, từ Đức về ngay thành phố này", ông tuyên bố tại một sự kiện tranh cử tổng thống ở Savannah, bang Georgia, hồi tháng 9.

Áp thuế quan mạnh tay hơn với hàng hoá nhập khẩu, vị Tổng thống đắc cử kỳ vọng sẽ thu hẹp thâm hụt cán cân thương mại, hạ giá thực phẩm và tạo nhiều việc làm hơn cho người dân Mỹ.

Nhưng một kịch bản như vậy khó xảy ra, ít nhất là với quy mô và tốc độ mà ông Trump mong muốn, theo Forbes. Thay vào đó, cái tên được cho là sẽ hưởng lợi nhất từ chính sách này là một quốc gia Đông Nam Á: Việt Nam. 

“Đừng mơ sản xuất sẽ quay trở lại Mỹ”, giáo sư Jason Miller thuộc Đại học bang Michigan quả quyết. "Nếu trước đây hàng hoá được sản xuất tại Trung Quốc, thì bây giờ chúng sẽ được sản xuất tại Việt Nam”, ông nói.

Xin kể ra đây một ví dụ. Khi chính quyền Trump áp thuế pin mặt trời và máy giặt nhập từ Trung Quốc vào năm 2018, hoạt động sản xuất các mặt hàng này chẳng trở về Mỹ. Thay vào đó, các nhà cung ứng đã chuyển sản xuất sang Việt Nam, cũng như một số quốc gia châu Á khác, gồm: Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ.

>>Thuế quan của ông Trump càng thúc dòng vốn chảy mạnh hơn vào Việt Nam? (Ảnh: Internet)

Trump Organization và dự án tỷ đô tại Việt Nam

Ông Trump nhiều lần tái khẳng định thông điệp muốn kéo hoạt động sản xuất trở về Mỹ và khiến hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn. Ông từng nêu đích danh Mexico trong bài phát biểu về kế hoạch áp dụng mức thuế từ 25% đến 100% đối với các sản phẩm được sản xuất ở phía nam biên giới. 

Trước đó nữa, ông tiết lộ rằng hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc sẽ bị đánh thuế 60%, trong khi bất kỳ sản phẩm nào được sản xuất ở nước ngoài sẽ bị áp mức thuế chung là 20% ​​- bao gồm cả hàng hoá từ Việt Nam.

Bất chấp thái độ cứng rắn của Trump, hàng rào thuế quan mà vị Tổng thống đắc cử giăng ra khả năng sẽ chỉ đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam mà thôi!

Từ thời “Trump 1.0”, một số gã khổng lồ công nghệ Mỹ (đơn cử như: Apple, Foxconn và Intel) đã chọn Việt Nam là một trong những điểm đến khi chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Gần nhất, cách đây hai tháng, SpaceX tuyên bố sẽ rót 1,5 tỷ USD vào Việt Nam. Maersk - gã khổng lồ vận tải biển thế giới - vào cuối tháng trước đã khai trương kho ngoại quan đầu tiên tại Hải Phòng. 

Lego, nhà sản xuất đồ chơi danh tiếng của Đan Mạch, cũng cho biết vào đầu tháng này rằng nhà máy mới trị giá 1 tỷ đô la của họ tại Bình Dương đã gần hoàn thành và sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm sau.

Ngay cả Trump Organization - ‘đế chế’ đa ngành nhà ông Trump - cũng chẳng thể cưỡng lại xu hướng này. Họ mới bắt tay cùng CTCP Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã CK: KBC) để đầu tư tổ hợp khách sạn, sân golf tại Hưng Yên với quy mô vốn khoảng 1,5 tỷ USD.

>

“Con hổ” mới của châu Á

Nhìn lại dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam trong 3 thập kỷ trở lại, có thể dễ dàng nhận thấy sự tăng tiến cả về chất và lượng. 

Vào thập niên 1990, Việt Nam chứng kiến dòng vốn FDI chảy vào từ các tập đoàn chuyên về sản xuất giày dép và dệt may - như Nike và Adidas.

Bước sang những năm 2000, các gã khổng lồ công nghệ bắt đầu tìm đến “làm tổ”. Samsung đã mở nhà máy đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2008, tiếp đến là LG và Intel. Nối bước các đại bàng này, hàng loạt nhà cung cấp cũng xây dựng nhà máy tại Việt Nam.

Việc đầu tư vào mảnh đất hình chữ S tới đây sẽ còn hấp dẫn hơn nữa!

Thứ nhất, Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. 

Thứ nữa, Việt Nam cũng có vị trí địa chính trị thuận lợi, sở hữu 3/50 cảng biển sôi động nhất thế giới. Các cảng biển này nằm ngay gần Trung Quốc, giúp cho hoạt động thương mại và giao thương hậu cần giữa hai nước được thuận lợi.

Ít được chú ý hơn, nhưng không kém quan trọng, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU). 

Không phải quốc gia châu Á nào cũng đạt được hiệp định này. Tại Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, chỉ có Singapore sở hữu hiệp định FTA với khối này. Ấn Độ - “ngôi sao” đang lên trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu - mới đang ở bước đàm phán để tìm kiếm một thoả thuận thương mại tự do với EU. 

“Việt Nam nên ưu tiên thu hút các doanh nghiệp có khả năng kéo theo những doanh nghiệp khác đến đầu tư”, TS Trần Ngọc Anh - Giáo sư tại Đại học Indiana (Mỹ) - khuyến nghị. 

“Ví dụ, nếu thu hút được Apple, hàng loạt nhà cung cấp khác cũng sẽ đi theo. Đây là cơ hội để Việt Nam chuyển mình sang các lĩnh vực công nghệ cao hơn. Thay vì tập trung vào giày dép và dệt may, Việt Nam cần hướng đến công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn”, ông nói./.

Nguồn tham khảo: Forbes