Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Từ Kiều by Kita nghĩ về ‘công thức trưởng thành’ của Kita Group

07:13 09/10/2024

“Đứng dậy sáng lòa” sau ít năm, không quá lời khi nhận xét, rằng Kita Group là nhà phát triển bất động sản mới nổi đình đám nhất, phất lên nhanh nhất thị trường nhà đất Việt Nam thập niên 2020s.

Bất chấp bối cảnh đầy thách thức của thị trường, trong lúc nhiều chủ đầu tư kỳ cựu còn ngụp lặn dưới biển nợ, nhà phát triển bất động sản được sáng lập bởi doanh nhân Nguyễn Duy Kiên lại mới trình làng một thương hiệu: Kiều by Kita.

Phối cảnh dự án Kiều by Kita

“Kiều by KITA nằm ở quận 5, gồm 82 căn hộ diện tích lớn, thiết kế phong cách Á Đông để đáp ứng nhu cầu của gia đình đa thế hệ.

Các căn hộ Kiều by KITA nằm từ tầng 14-27 tòa nhà 927 Trần Hưng Đạo, quận 5” – trích một bản tin về dự án.

Trước khi những bản tin về Kiều by Kita tràn ngập thị trường, nhiều người sẽ nhớ về địa chỉ 927 Trần Hưng Đạo với một ấn tượng khác – có thể là không quá tích cực với góc nhìn ở thời điểm hiện tại: Trụ sở chính của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Nhà băng của bà Trương Mỹ Lan đã có một thời gian dài đặt đại bản doanh tại khối văn phòng của Fico Tower này, trước ngày chuyển về cứ điểm mới trên đường Nguyễn Huệ (Quận 1) vào đầu năm 2020.

Tuy nhiên, ở đây cần phân biệt rõ, phần mà Kita Group mua lại chỉ là khối căn hộ, chứ không phải toàn bộ tòa nhà Fico Tower.

Nguồn gốc Kiều by Kita

Truy nguyên lịch sử của Fico Tower khá mất thời gian. Chỉ biết rằng, trước khi được sang tay cho chủ mới, tòa nhà này – gồm cả khối văn phòng, lẫn khối căn hộ - là tài sản được nắm giữ và quản lý bởi Sacombank – kế thừa từ ‘game’ nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank).

Khối văn phòng vốn được bán cho SCB từ tận thời Southern Bank, song đến nay thương vụ vẫn chưa “cắt rốn”. Suốt nhiều năm nay, Sacombank vẫn ‘treo’ một khoản phải thu trị giá hơn 158 tỉ đồng bởi deal này.

Điệp khúc thuyết minh sau vẫn được lặp lại cho đến tận bây giờ: “Khoản phải thu này liên quan đến việc Ngân hàng TMCP Phương Nam bán một phần tòa nhà Fico tại số 927 Trần Hưng Đạo, Quận 5, Tp. HCM cho một đối tác làm trụ sở chính. Tại ngày phát hành báo cáo này, Ngân hàng đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu cho đối tác theo quy định của pháp luật.”

Còn với khối căn hộ, cho đến cuối năm 2019, Sacombank vẫn liên tục hạch toán ‘treo’ một khoản phải thu có giá trị hơn 216 tỉ đồng, với thuyết minh là khoản tạm ứng để mua một phần tòa nhà FICO. Sang năm 2020, tình hình có chuyển biến: “Ngân hàng đã tìm đối tác chuyển nhượng tài sản này và đã nhận tiền cọc chuyển nhượng” – Sacombank thuyết minh. Đối tác ở đây chính là nhóm Kita Group, và thương vụ được 2 bên hoàn tất vào năm 2022.

Ngày 02/06/2022, Kita Group tổ chức lễ kick-off dự án Stella Residence Quận 5 – tên cũ của Kiều by Kita.

‘Công thức’ trưởng thành

Fico Tower không phải thương vụ hợp tác đầu tiên giữa Kita Group với Sacombank. Và cũng không phải là cú chót.

Pha “xử lý nợ” đầu tiên và được nhắc đến nhiều hơn cả trong quan hệ Kita Group – Sacombank nằm ở dự án Khu dân cư phường Bình Thủy (Cần Thơ).

Dự án này vốn của nhà ông Trầm Bê – người khuynh đảo Sacombank một thuở. Sau khi “ông Trầm” đổ,  chủ dự án - Công ty TNHH Xây dựng Ngân Thuận (Ngân Thuận) - vướng nợ xấu và phần tài sản bảo đảm liên quan được cơ cấu vào nhóm tài sản cần xử lý – theo Đề án tái cấu trúc Sacombank.

Đầu năm 2019, phần tài sản này được Sacombank phát mãi, rồi về tay CTCP Kita Invest (Kita Invest) – thành viên Kita Group. Lưu ý là khu đất mà Kita Invest trúng đấu giá chỉ chiếm một phần (hơn 60ha) – chứ không phải là toàn bộ dự án Khu dân dân cư phường Bình Thủy (Kho 301) rộng hơn 150ha mà Ngân Thuận làm chủ đầu tư.

Nhóm Kita có vẻ không muốn giới hạn mục tiêu ở đấy, khi mà cùng giai đoạn này, ông Nguyễn Duy Kiên đã nhảy vào chi phối cổ phần Ngân Thuận. Việc cơ cấu sở hữu Ngân Thuận khi ấy vẫn có sự xuất hiện của “người cũ” – dù chỉ còn là cổ đông thứ yếu – cho thấy khả năng, nhóm Kita đã có thỏa thuận trước với nhóm “ông Trầm”.

Dự án, từ đó, khoác lên một cái tên thương mại mới: Stella Mega City. Và đến vừa rồi, lại đổi thành: Kita Airport City.

Phối cảnh dự án Stella Mega City, Cần Thơ

Mối thâm tình cũ thêm phần củng cố, với một thương vụ mới. Cũng là xử lý nợ, cũng ở Sacombank, và cũng liên quan đến nhóm ông Trầm Bê. Ấy là ở khu công nghiệp Phong Phú và cách Kita Group ‘gỡ’ nợ xấu cho Sacombank.

Nếu xem Sacombank như một điểm sáng về tự tái cơ cấu, thì có lẽ, Kita Group cũng xứng đáng được ghi công trong thành tích xử lý nợ xấu. Và ngược lại, những món nợ xấu ở Sacombank, ở giác độ nào đó, cũng có công ‘nuôi lớn’ Kita Group.

Mà Kita Group đâu chỉ biết “tiêu hóa” nợ xấu ở mỗi Sacombank!

Sự xuất hiện đúng lúc

Tại một nhà băng thân, nơi cung cấp bệ đỡ tài chính quan trọng cho sự bành trướng suốt những năm qua, Kita Group cũng rất biết phát huy “DNA” thế mạnh. Kể như thương vụ thâu tóm dự án The Lotus Center Tây Hồ - đúng ngay đỉnh khủng hoảng của Vimedimex.

Sự xuất hiện của Kita Group ở deal này, cần phải nhấn mạnh, là rất đúng lúc: Một tháng sau ngày bà chủ Vimedimex Group Nguyễn Thị Loan bị khởi tố, bắt tạm giam, hoạt động chuyển nhượng dự án đã được xác lập, đánh dấu bằng các hợp đồng đặt cọc để chuyển nhượng tài sản ký giữa Vimedimex và các thành viên trong ‘hệ sinh thái’ Kita.

Kết quả, The Lotus Center Tây Hồ giờ đã được khoác lên cái tên mới, gắn liền với chủ mới.

Phối cảnh dự án Kita Capital Ciputra

Xin trích dòng giới thiệu từ một trang bán hàng: “Kita Capital là dự án tổ hợp căn hộ cao cấp, nhà ở thấp tầng và văn phòng hạng A do Kita Group đầu tư phát triển nằm trong khu đô thị Ciputra Hà Nội. Dự án Kita Capital Ciputra có quy mô diện tích 19ha gồm 6 tòa chung cư, 1 tòa văn phòng và hơn 258 biệt thự tại nội khu của Ciputra”.

Kita Capital Ciputra hứa hẹn là một thương vụ đại thắng cho đại gia Nguyễn Duy Kiên, đặc biệt là trong bối cảnh “ngáo giá” bất động sản thủ đô lúc này.

Trong khi ở phía ngược lại, với Vimedimex Group, đó hẳn là thương vụ “đắng” – ít nhất là nhìn từ những phản ứng của bà Nguyễn Thị Loan sau ngày tại ngoại.

Dĩ nhiên, Kita Group không chỉ biết phát triển quỹ dự án của mình qua mỗi cách "xử lý nợ".../.