Khung pháp lý MiCA của EU chính thức có hiệu lực
Thời gian: Ngày 30/12/2024
MiCA (Markets in Crypto-Assets Regulation), khung pháp lý toàn diện đầu tiên của Liên minh Châu Âu (EU) dành riêng cho thị trường tiền mã hóa, được thiết kế để quản lý và điều tiết các hoạt động liên quan đến crypto trong khu vực EU. MiCA được Nghị viện Châu Âu thông qua vào tháng 04/2023, và chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2024.
MiCA đặt ra các quy định cho hầu hết các loại tài sản tiền mã hóa, bao gồm stablecoins, các đồng tiền kỹ thuật số không thuộc danh mục stablecoin, và các nhà cung cấp dịch vụ liên quan như sàn giao dịch, ví lưu ký.
Mặc dù đây là khung pháp lý đã được phê duyệt cuối năm 2024, tuy nhiên MiCA sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những lỗ hổng pháp lý còn tồn tại trong lĩnh vực tiền mã hóa không chỉ riêng tại EU mà còn ra toàn cầu, bao gồm sự minh bạch, bảo vệ người dùng, ổn định thị trường. Từ đó tạo chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy niềm tin nhà đầu tư truyền thống vào thị trường crypto và thu hút thêm dòng vốn từ các tổ chức tài chính lớn.
Ukraine và Morocco đặt mục tiêu hợp pháp hóa crypto
Thời gian: Quý 1 năm 2025
Hiện tại luật crypto ở Ukraine vẫn còn đang là dự thảo, tuy nhiên Chủ tịch Ủy ban Chính sách Tài chính Ukraine xác nhận dự luật gần như đã sẵn sàng cho lần đọc đầu tiên và bày tỏ sự lạc quan về khả năng dự luật sẽ được thông qua vào đầu năm 2025. Động thái này của Ukraine diễn ra trong bối cảnh quốc gia mà họ vẫn đang ở trong trạng thái xung đột suốt gần 3 năm qua là Nga cũng vừa công nhận tài sản số là hợp pháp và cho phép sử dụng trong thanh toán quốc tế.
Tương tự, Morocco cũng đang trong quá trình tiến tới hợp pháp hóa luật crypto sau lệnh cấm năm 2017 để thúc đẩy tài chính toàn diện và thực hiện các mục tiêu chính sách công.
Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý crypto
Thời gian: Tháng 5 năm 2025
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào tháng 02/2024 đã ký Quyết định về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, trong đó chỉ thị Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng bộ khung pháp lý để quản lý tài sản ảo. Kế hoạch này nhằm sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách rà soát tăng cường (danh sách xám) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) trước tháng 05/2025.
Đến tháng 10/2024, có thông tin định nghĩa về blockchain và tài sản số sẽ được đưa vào Luật Công nghiệp công nghệ số, dọn đường để Quốc hội chính thức công nhận lĩnh vực này và các bộ ngành liên quan có thể ban hành quy định quản lý cụ thể.
Ngay sau đó, vào tháng 11, Chính phủ tiếp tục ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là văn bản pháp luật cấp cao nhất từ trước đến nay liên quan đến công nghệ blockchain tại Việt Nam, với mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia đi đầu về ứng dụng chuỗi khối trong khu vực thông qua nhiều biện pháp và chế tài khuyến khích phát triển nội lực trong nước.
Những động thái trên cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng đưa tài sản số và công nghệ blockchain vào khuôn khổ pháp lý, vừa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, vừa tạo điều kiện để bắt kịp với xu hướng tiến bộ toàn cầu này.
Anh Quốc hoàn tất phác thảo khung pháp lý toàn diện
Thời gian: Quý 4 năm 2025
Lộ trình hoàn thiện bản phác thảo khung pháp lý crypto được công bố hồi tháng 11/2024 bởi FCA cho thấy, một loạt cuộc thảo luận cũng như tham vấn kéo dài đến Q4/2025 để xây dựng các quy định liên quan đến lạm dụng thị trường, nền tảng sàn giao dịch, cho vay (Lending), staking, stablecoin, lưu ký, cùng nhiều lĩnh vực khác.
Với các chính sách bao gồm cấp phép cho sàn giao dịch, quản lý tài sản mã hóa, và đảm bảo quyền lợi cho người dùng, Anh Quốc nổi lên như một trung tâm crypto hàng đầu.
Những bước tiến lớn về khung pháp lý crypto trên toàn cầu không chỉ mang lại sự bảo vệ và mở ra cánh cửa thu hút sự tham gia thị trường cho các nhà đầu tư, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành.
Làn sóng quốc gia và công ty lập quỹ dự trữ Bitcoin
Sau khi Chính quyền Trump chính thức nắm quyền, khả năng cao Hoa Kỳ sẽ lập quỹ dự trữ Bitcoin như đã được ông Trump cam kết trong quá trình tranh cử và được Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis đề xuất lên Thượng viện Mỹ, mở đầu cho một trào lưu mới. Do đó, năm 2025 có thể chứng kiến hàng loạt quốc gia, tiểu bang của Mỹ và thậm chí các công ty truyền thống tham gia phong trào này.
Các tiểu bang Mỹ "theo chân" Tổng thống Trump
Thời gian: Quý 1 năm 2025
Florida
Samuel Armes, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Blockchain Florida (FBBA), tự tin bang này có cơ hội lớn để thành lập quỹ dự trữ Bitcoin trong kỳ họp vào quý 1 năm 2025. Kế hoạch này dựa vào các khoản đầu tư hiện có của Florida thông qua quỹ hưu trí trị giá 185,7 tỷ USD - lớn thứ 4 Hoa Kỳ.
Theo đó, Armes đề nghị trích 1% quỹ hưu trí của bang, tương đương khoảng 1,857 tỷ USD, để đầu tư Bitcoin. Ông cũng đề xuất ý tưởng sử dụng thặng dư ngân sách 116,5 tỷ USD của bang trong tài khóa 2024-2025 để bổ sung vào quỹ Bitcoin. Đầu tư dù chỉ một phần trăm trong số này cũng đã là 1,16 tỷ USD.
Florida hiện đang nắm giữ 800 triệu USD các khoản đầu tư liên quan đến tiền mã hóa, và con số này có thể sẽ tăng lên khi thành lập quỹ dự trữ Bitcoin.
Pennsylvania
Dự luật Pennsylvania Strategic Bitcoin Reserve Act được đề xuất để cho phép Bộ Tài chính bang Pennsylvania đầu tư vào Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác, bao gồm cả các quỹ ETF.
Dự luật kêu gọi phân bổ tối đa 10% các quỹ tài chính của bang bao gồm Quỹ Tổng Quát (General Fund), Quỹ Dự Phòng (Rainy Day Fund) và Quỹ Đầu Tư Bang (State Investment Fund), vào Bitcoin.
Tính đến giữa tháng 11/2024, bang Pennsylvania đang nắm giữ số dư khoảng 9,7 tỷ USD trong Quỹ Tổng Quát và gần 7 tỷ USD trong Quỹ Dự Phòng. Đây được coi là một bước tiến quan trọng trong việc áp dụng tài sản số vào chiến lược quản lý tài chính cấp bang.
Texas
Dự luật Texas Strategic Bitcoin Reserve Act được giới thiệu vào ngày 12/12 nhằm thành lập quỹ dự trữ Bitcoin do chính quyền bang Texas quản lý với mục tiêu lưu giữ Bitcoin trong ít nhất 5 năm.
Theo dự luật, quỹ sẽ hoàn toàn dựa vào đóng góp tự nguyện từ người dân Texas, các doanh nghiệp Hoa Kỳ và nguồn tài nguyên sẵn có, thay vì sử dụng tiền thuế. Bên cạnh đó, tất cả Bitcoin trong quỹ sẽ được lưu trữ trong ví lạnh để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, số Bitcoin này chỉ được nắm giữ như một dạng tài sản dự trữ chiến lược của bang Texas, tuyệt đối không sử dụng cho mục đích giao dịch với các quốc gia, tổ chức bên ngoài Texas, hoặc bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có liên quan đến các hoạt động phi pháp.
Ohio
Tương tự hai tiểu bang Texas và Pennsylvania, dự luật Ohio Bitcoin Reserve Act nhằm mục tiêu cho phép Bộ Tài chính bang Ohio mua Bitcoin như một phần trong chiến lược phân bổ tài sản.
Theo dự luật, lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Ohio Derek Merrin ví Bitcoin như một loại tài sản kỹ thuật số mang tính cách mạng, giúp mọi công dân có thể sở hữu và bảo vệ giá trị tài sản của mình. Ông tin rằng Bitcoin có thể hoạt động như một lá chắn bảo vệ tài sản chống lại lạm phát và mang lại lợi ích lâu dài cho Ohio.
Dự luật này không ép buộc Bộ Tài chính phải mua Bitcoin, mà tạo ra một cơ chế linh hoạt, cho phép bang thử nghiệm và khai thác tiềm năng của loại tài sản kỹ thuật số này.
Một số quốc gia "bắn tín hiệu" thành lập quỹ dự trữ Bitcoin
Trung Quốc
Phát biểu tại hội nghị Bitcoin MENA ở Abu Dhabi (UAE) vào ngày 09/12, cựu CEO Binance Changpeng Zhao (CZ) đã dự đoán Trung Quốc sẽ sớm gia nhập cuộc đua tích luỹ Bitcoin, bất chấp nhiều bí ẩn về chính sách tiền mã hóa tại quốc gia này.
Theo CZ, mặc dù các quốc gia nhỏ có thể sẽ là những quốc gia tiên phong trong việc thiết lập kho dự trữ Bitcoin chiến lược nhưng một "ông lớn" như Trung Quốc chắc chắn sẽ không đứng ngoài cuộc chơi.
Dẫu vậy, CZ cũng không khỏi thừa nhận rằng việc đoán định đường đi nước bước của Trung Quốc trong lĩnh vực tiền mã hóa là một bài toán nan giải. Bởi lẽ, Bắc Kinh vẫn luôn che đậy nhiều chính sách của mình để các quốc gia bên ngoài khó lòng nắm bắt. Thay vào đó, ông tin rằng Trung Quốc có thể sẽ âm thầm tích lũy Bitcoin trước, sau đó mới chính thức công bố với thế giới.
Hong Kong
Gần 6 tháng sau lời kêu gọi đầu tiên từ thành viên Hội đồng Lập pháp Hong Kong Johnny Ng, ngày 30/12 vừa qua đã xuất hiện thêm một số nhà lập pháp Hong Kong đề xuất tích hợp Bitcoin vào dự trữ tài chính quốc gia.
Bởi lẽ việc thành lập một quỹ dự trữ Bitcoin không chỉ khẳng định mạnh mẽ vị trí dẫn đầu của Hong Kong trong lĩnh vực Web3 và crypto tại khu vực Châu Á, mà còn cho thấy khả năng thích ứng nhanh chóng để duy trì cũng như củng cố vị trí tiên phong của mình trong tương lai.
Nhiều ý kiến nhận định đề xuất này khả năng cao sẽ được sự ủng hộ từ chính quyền Hong Kong khi chính quyền địa phương đã đưa ra hàng loạt các điều luật mở cửa cho crypto, bao gồm cho phép các cá nhân và các sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số, đồng thời phê duyệt một loạt các quỹ ETF spot Bitcoin và Ethereum vào đầu năm 2024.
Brazil
Nghị sĩ Eros Biondini của Hạ viện Brazil đã giới thiệu một dự luật nhằm tạo ra một Quỹ Dự trữ Bitcoin Chiến lược tại quốc gia này. Ông Biondini đề xuất Brazil sẽ trích ra tối đa 5% dự trữ quốc tế để mua Bitcoin và đa dạng hóa tài sản quốc gia.
Dự luật nhằm giúp Brazil đối phó với những biến động tỷ giá hối đoái và rủi ro địa chính trị, đồng thời Bitcoin đóng vai trò là tài sản thế chấp cho đồng tiền số CBDC sắp tới của ngân hàng trung ương Brazil, được gọi là Real Digital (Drex).
Nếu dự luật được thông qua, Brazil có thể mua đến 3 tỷ USD Bitcoin, mở ra một hướng đi mới cho quốc gia Nam Mỹ sử dụng Bitcoin như một tài sản dự trữ chiến lược. Tính đến tháng 12/2023, Brazil có khoảng 355 tỷ USD dự trữ ngoại hối, chủ yếu là tài sản liên quan đến các loại tiền tệ fiat trên toàn cầu, như đồng đô la Mỹ.
Ba Lan
Sławomir Mentzen, một ứng viên tổng thống Ba Lan, cam kết sẽ tạo ra kho dự trữ Bitcoin nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2025.
Lech Wilczynski, Giám đốc điều hành sàn crypto Swap.ly, đã chia sẻ mô hình chính sách "Dự trữ Bitcoin Chiến lược" do nhóm vận động tiền mã hóa Satoshi Action Fund tạo ra.
Ông đặt câu hỏi với Sławomir Mentzen về việc ông có áp dụng kế hoạch này nếu được bầu làm tổng thống Ba Lan hay không. Wilczynski nhấn mạnh, thay vì thông qua các dự luật vô nghĩa về tài sản crypto, Ba Lan nên ưu tiên thiết lập một quỹ dự trữ Bitcoin chiến lược trước khi quá muộn. Mentzen đã trả lời "dĩ nhiên" và cam kết hiện thực hóa sáng kiến này nếu đắc cử.
Cuộc bầu cử tổng thống tại Ba Lan sẽ diễn ra vào tháng 05/2025, và Mentzen đang nhận được sự ưu ái lớn, đặc biệt từ các cử tri theo chủ nghĩa tự do và cánh hữu.
Thành phố Vancouver (Canada)
Đề xuất được Hội đồng thành phố Vancouver phê duyệt hôm 11/12, tập trung vào việc chấp nhận Bitcoin để thanh toán thuế, phí, và xem xét chuyển đổi một phần quỹ dự trữ tài chính của thành phố sang Bitcoin nhằm khống chế lạm phát và biến động tiền tệ.
Theo Thị trưởng Vancouver, Bitcoin đã khẳng định được "danh tiếng vững chắc" của mình trong suốt 16 năm qua, và đang dần trở thành một công cụ bảo vệ hiệu quả trước lạm phát và sự mất giá của tiền tệ./.
Nguồn tham khảo: Coin68
Nội dung liên quan
- 10 dự đoán bất ngờ về thị trường crypto năm 2025
- Mỹ sẽ không mua thêm Bitcoin vào năm 2025?
- Bernstein: Bitcoin sẽ đạt 200.000 USD vào cuối 2025, thay thế vàng trong thập kỷ tới
- Mở bát 2025, Bitcoin hashrate đạt kỷ lục 808 EH/s
- Thị trường stablecoin sắp trở nên phổ biến trong năm 2025
- Tân binh Trung Quốc gây chấn động giới 'đào coin'
- Top những sự kiện crypto đáng chú ý trong năm 2025 (P1)
- Top những sự kiện crypto đáng chú ý trong năm 2025 (P3)