Từ những thay đổi pháp lý, kỳ vọng sự tăng giá của Bitcoin/ Ethereum, đến việc hàng loạt dự án triển khai các nâng cấp, tất cả đều đang vẽ nên bức tranh sôi động cho thị trường tiền mã hóa. Dưới đây là các sự kiện crypto đáng chú ý trong năm 2025 mà bạn không thể bỏ qua.
Donald Trump nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ
Thời gian: Ngày 20/01/2025 (giờ Mỹ)
Sự kiện đầu tiên cũng như đáng mong chờ nhất trong năm Ất Tỵ đương nhiên là việc ông Donald Trump tuyên thệ để trở thành Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ vào ngày 20/01/2025, đánh dấu nhiệm kỳ thứ hai của ông và ghi dấu một trong những cú "lội ngược dòng" đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử chính trị nước Mỹ.
Kết quả này không chỉ ảnh hưởng đến tình hình nội bộ Hoa Kỳ mà còn có tác động sâu sắc đến chính sách đối ngoại và vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực tiền mã hóa.
Bởi lẽ, trong suốt thời gian vận động tranh cử, ông Donald Trump đã chọn crypto làm một trong những trọng tâm để thu hút sự chú ý của cử tri Mỹ. Những động thái tương tác với crypto của ông Trump bao gồm:
- Tự nhận bản thân là “Tổng thống tiền mã hóa”;
- Giao lưu với cộng đồng người mua NFT do mình phát hành;
- Chấp nhận quyên góp tranh cử bằng crypto;
- Cam kết sẽ mang crypto trở lại với nước Mỹ, gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp và đặc biệt là ngành khai thác crypto;
- Tham vọng đưa Mỹ trở thành trung tâm của lĩnh vực tiền mã hóa, đảm bảo Hoa Kỳ sẽ là "Thủ đô crypto của hành tinh".
- Pháp lý crypto toàn cầu trở nên “thân thiện” hơn dưới thời Trump
- Việc Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ là một nhân vật có quan điểm cởi mở với lĩnh vực tiền mã hóa đã mang đến kỳ vọng rằng môi trường pháp lý crypto tại Mỹ sẽ bớt hà khắc hơn. Những cam kết chính sách mà Donald Trump đã tuyên bố trong thời gian tranh cử, như gỡ bỏ các rào cản đối với ngành crypto và biến Mỹ thành trung tâm toàn cầu của lĩnh vực này, đang trở thành động lực thúc đẩy nhiều thay đổi lớn trong năm 2025.
Chủ tịch SEC Gary Gensler từ chức
Thời gian: Ngày 20/01/2025
Một trong những "nút thắt" tiên quyết tạo nên sự hà khắc cho lĩnh vực crypto trong 3 năm qua là Gary Gensler - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) - sẽ tuyên bố từ chức vào ngày 20/01/2025, thời điểm ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ.
Dưới nhiệm kỳ của ông Gary Gensler từ tháng 04/2021, SEC đã có nhiều chính sách quan trọng đối với thị trường chứng khoán Mỹ, gồm những quy định yêu cầu các công ty gia tăng mức độ minh bạch, tăng cường công tác kiểm toán, cũng như tiến hành các hành động pháp lý đối với những cá nhân và tổ chức vi phạm.
Mặc dù vậy, trong con mắt của ngành tiền mã hóa, Gary Gensler đã trở thành “vai phản diện” khi liên tục có những động thái trấn áp các công ty trong lĩnh vực này với hàng loạt đơn kiện và thư cảnh cáo, bất chấp việc Mỹ vẫn chưa ban hành quy định quản lý crypto cấp liên bang.
Nhờ sự lãnh đạo "khắc nghiệt" của Gary Gensler, SEC đã có một năm tài chính 2024 kỷ lục, với số tiền thu phạt lên đến 8,2 tỷ USD - mức phạt cao nhất trong lịch sử của SEC, bất chấp số vụ thực thi giảm 26% so với năm trước xuống còn 583 vụ.
Số tiền thu phạt trên đây là còn chưa tính hàng loạt vụ kiện với cáo buộc chứng khoán vẫn đang "nằm trên giấy tờ" dành cho các sàn Coinbase, Binance, Kraken, Crypto.com; cảnh cáo chứng khoán đối với các công ty hạ tầng blockchain Ripple, Consensys, layer-1 Immutable, dự án stablecoin TUSD, dự án DeFi Mango Markets, sàn NFT OpenSea, sàn DEX Uniswap; gây áp lực cản trở ETF Solana, bắt eToro và Terraform Labs đóng phạt,…
Ứng viên được tân Tổng thống Mỹ xác nhận cho vị trí Chủ tịch SEC gọi tên Paul Atkins - một nhân vật nổi tiếng là nhà quản lý với những chính sách hợp lẽ thường, và có quan điểm cởi mở về tiền mã hóa.
Gia tăng quyền quản lý crypto cho CFTC
Thời gian: Giai đoạn đầu năm 2025
Với những "vết nhơ" trong lĩnh vực crypto của SEC cùng sự ra đi của Gary Gensler, Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) khả năng cao sẽ được ông Trump giao trọng trách quản lý các sàn giao dịch crypto ở Mỹ cùng những tài sản được xem là hàng hóa, gồm Bitcoin và Ethereum.
Hiện ở Mỹ mới chỉ có hai đồng tiền mã hóa được xem là hàng hóa là Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH). Đây cũng chính là hai đồng coin được Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) phê duyệt để thành lập sản phẩm ETF spot trong năm 2024.
Việc trao quyền quản lý crypto và các sàn giao dịch tiền số cho CFTC cũng là đòn gián trực tiếp vào quyền lực của SEC. Nguyên nhân là bởi SEC từ trước đến nay vẫn được xem là cơ quan quyền lực hơn, quản lý phần lớn những tài sản và cá nhân tổ chức tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ, trong khi vai trò của CFTC thì chỉ giới hạn ở các sản phẩm phái sinh như hợp đồng tương lai (futures), hợp đồng quyền chọn (options) và những tài sản được xem là hàng hóa như vàng, dầu mỏ và lương thực.
Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS) buộc các dự án DeFi phải KYC người dùng Mỹ
Tuy nhiên, không phải mọi điều chỉnh pháp lý trong năm 2025 đều mang tính thuận lợi hoặc không gây tranh cãi. Một ví dụ điển hình là việc Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS) ban hành quy định yêu cầu các dự án DeFi cung cấp giao diện front-end (website hoặc ứng dụng hỗ trợ truy cập DeFi) phải thu thập thông tin người dùng, báo cáo giao dịch tài sản số và phát hành mẫu Form 1099 cho công dân Mỹ.
Quy định mới xem các front-end DeFi như nhà môi giới tài chính truyền thống, yêu cầu họ thu thập tên, địa chỉ và thông tin giao dịch của người dùng, gửi về IRS để giám sát thuế. Mặc dù thời gian quy định có hiệu lực vào năm 2027, nhưng các nền tảng DeFi phải chuẩn bị báo cáo giao dịch từ năm 2026 hoặc có thể sớm hơn.
Quy định này khiến cộng đồng crypto lo ngại, bởi:
Phá vỡ tính phi tập trung:
- Các nền tảng DeFi thường hoạt động phi tập trung, nhưng việc yêu cầu front-end báo cáo dữ liệu bị cho là đi ngược bản chất của DeFi.
- Thách thức kỹ thuật: Nhiều giao thức không đủ công cụ hoặc nhân lực để đáp ứng quy định.
- Phản ứng gay gắt: Nhà sáng lập Uniswap Hayden Adams gọi đây là một quy định "tồi tệ", trong khi Hiệp hội Blockchain tuyên bố sẽ phản đối mạnh mẽ. Một số chuyên gia cho rằng quy định này có thể vi phạm Đạo luật Thủ tục Hành chính (APA) và bị Quốc hội Mỹ bác bỏ.
Dù Tổng thống Trump và Bộ trưởng Tài chính mới có thể can thiệp để điều chỉnh, nhưng quy định này nhấn mạnh rằng không phải tất cả các bước tiến pháp lý đều dễ dàng. Đây là minh chứng cho thấy ngành crypto vẫn sẽ đối mặt với những thách thức lớn ngay cả trong thời kỳ được kỳ vọng "thuận lợi" như dưới thời Trump.
Dự thảo luật stablecoin của Mỹ
Thời gian: Trong năm 2025
Mặc dù tiến trình đã bị đình trệ từ năm 2023 do có sự bất đồng giữa hai phe Cộng hòa và Dân chủ về quy định cụ thể trong luật, nhưng với chính quyền Trump mới được kỳ vọng dự thảo sẽ sớm được thông qua trong năm 2025.
Dự thảo luật stablecoin sẽ giúp cho các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan rõ ràng hơn về quy định phát hành cũng như quản lý stablecoin, đồng thời mang lại sự minh bạch và an toàn cao hơn cho người dùng./.
Nguồn tham khảo: Coin68
Nội dung liên quan
- 10 dự đoán bất ngờ về thị trường crypto năm 2025
- Mỹ sẽ không mua thêm Bitcoin vào năm 2025?
- Các sàn giao dịch tiền điện tử “đổ xô” đến Mỹ vì ông Trump?
- Chính phủ đề xuất NHTW Thụy Sĩ giữ một phần dự trữ bằng bitcoin
- Mở bát 2025, Bitcoin hashrate đạt kỷ lục 808 EH/s
- Mở rộng 'kế hoạch 21/21", cá voi MicroStrategy tính huy động thêm 2 tỷ USD để gom Bitcoin
- Tân binh Trung Quốc gây chấn động giới 'đào coin'
- Top những sự kiện crypto đáng chú ý trong năm 2025 (P2)
- Top những sự kiện crypto đáng chú ý trong năm 2025 (P3)