Tiêu dùng chững lại, kinh tế Trung Quốc chật vật trước áp lực thuế từ ông Trump
08:59 17/12/2024
Trung Quốc đối mặt với thách thức lớn khi bước vào năm 2025, thời điểm quan hệ thương mại với Mỹ xấu đi, trong khi tiêu dùng nội địa vẫn còn yếu.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) ngày 16/12 cho thấy sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 11 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, nhanh hơn tốc độ 5,3% trong tháng 10, vượt qua kỳ vọng tăng 5,3% trong cuộc thăm dò của Reuters.
Tuy nhiên, doanh số bán lẻ (thước đo mức tiêu dùng) tăng ở tốc độ yếu nhất trong 3 tháng ở mức 3,0% vào tháng trước, chậm hơn nhiều so với mức tăng 4,8% trong tháng 10. Các nhà phân tích đã dự đoán mức tăng trưởng là 4,6%.
Các số liệu trái chiều này nêu bật những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt khi bước vào năm 2025, thời điểm quan hệ thương mại với Mỹ có thể xấu đi, trong khi tiêu dùng nội địa vẫn còn yếu.
Các nhà phân tích cho biết tuyên bố áp thuế vượt quá 60% đối với hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể thúc đẩy Bắc Kinh đẩy nhanh các kế hoạch tái cân bằng nền kinh tế trị giá 19.000 tỷ USD của mình.
Các nhà hoạch định chính sách đã bắt đầu lên tiếng về kế hoạch của họ cho năm 2025 trong những tuần gần đây, nhận thức rõ rằng sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump sẽ gây áp lực đáng kể lên nền kinh tế vốn đã yếu kém.
Vào cuối tuần, một quan chức tại ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết họ có thể cắt giảm thêm lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải nắm giữ, nhưng các số liệu tín dụng công bố vào tuần trước cho thấy việc nới lỏng trước đây không giúp thúc đẩy hoạt động vay nợ.
Ổn định lĩnh vực bất động sản sẽ là chìa khóa nếu Bắc Kinh muốn duy trì mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho năm tới, hãng tin Reuters dẫn lời khuyến nghị của các cố vấn chính sách.
Một cuộc thăm dò gần đây của Reuters dự đoán Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,5% vào năm tới, với mức thuế quan mới của Mỹ có khả năng làm giảm tới 1 điểm tăng trưởng.
Ngày 16/12, Moody's Ratings đã nâng dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc lên 4,2% cho năm 2025, từ mức dự đoán 4% trước đó.
Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương (CEWC) tuần trước, một cuộc họp thiết lập chương trình nghị sự được theo dõi chặt chẽ, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã cam kết tăng thâm hụt ngân sách, phát hành thêm nợ và coi việc thúc đẩy tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu.
Những phát biểu này lặp lại các cam kết được đưa ra trong cuộc họp của các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản, Bộ Chính trị, vào đầu tháng này, nơi đã tán thành chính sách tiền tệ "nới lỏng thích hợp" trong lần nới lỏng đầu tiên sau 14 năm.
"Chúng tôi nghĩ rằng sự suy giảm vào tháng 11 có thể chỉ là tạm thời, với khả năng tăng trưởng sẽ tăng trở lại trong những tháng tới khi chính sách hỗ trợ tiếp tục được tăng cường", ông Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics cho biết.
"Nhưng chúng tôi nghi ngờ rằng biện pháp kích thích này chỉ có thể mang lại sự cải thiện trong thời gian ngắn, một phần vì sức mạnh hiện tại của nhu cầu xuất khẩu khó có thể kéo dài khi Tổng thống Trump bắt đầu thực hiện một số lời đe dọa áp thuế quan", ông nhấn mạnh thêm./.
Nguồn tham khảo: Đầu tư tài chính