Thuế quan mới của ông Trump: Một nước cờ chiến lược nhằm kéo sản xuất về Mỹ
19:28 04/04/2025
Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang đối mặt với nhiều lực cản, Tổng thống Donald Trump đã chính thức công bố chinh sách thuế quan đối ứng mới – một động thái được xem là phần nối dài logic kinh tế cốt lõi xuyên suốt nhiệm kỳ đầu của ông: Đưa sản xuất trở lại nước Mỹ.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang đối mặt với nhiều lực cản, Tổng thống Donald Trump đã chính thức công bố chinh sách thuế quan đối ứng mới – một động thái được xem là phần nối dài logic kinh tế cốt lõi xuyên suốt nhiệm kỳ đầu của ông: Đưa sản xuất trở lại nước Mỹ.
Không đơn thuần là một biện pháp phòng vệ thương mại, chính sách thuế lần này tiếp tục khẳng định rõ lập trường “America First” của ông Trump, đồng thời hé lộ tham vọng lâu dài định hình lại bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu với Mỹ trung tâm.
Dưới lớp vỏ bọc của một biện pháp kỹ thuật nhằm điều chỉnh cán cân thương mại, các mức thuế cơ bản 10% đánh lên tất cả hàng hóa nhập khẩu, cùng những mức cao hơn áp dụng cho các quốc gia có thặng dư lớn với Mỹ, thực chất là một thông điệp chiến lược.
Ông Donald Trump không giấu diếm mục tiêu đưa các công ty Mỹ quay về đầu tư, sản xuất và tạo việc làm ngay trên đất Mỹ. Việc áp thuế không phải để đạt thỏa thuận tạm thời hay nhằm mục tiêu đàm phán mềm mỏng, mà là một đòn bẩy lâu dài, buộc doanh nghiệp phải nhìn lại toàn bộ cấu trúc chi phí – lợi ích trong việc đặt nhà máy ở nước ngoài.
Thực tế cho thấy, chính sách này không chỉ tác động đến các công ty Mỹ mà còn ảnh hưởng sâu rộng tới các tập đoàn đa quốc gia từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu.
Khi mức thuế được áp lên hàng hóa nhập khẩu bất kể quốc gia nào, thì việc dịch chuyển nhà máy từ Việt Nam sang Indonesia, hay từ Trung Quốc sang Ấn Độ, cũng không còn ý nghĩa chiến lược như trước.
Nếu Mỹ đánh giá rằng thặng dư thương mại của Indonesia tăng mạnh vì có nhiều hàng xuất khẩu sang Mỹ, họ sẽ tiếp tục áp thêm thuế lên Indonesia. Vòng luẩn quẩn này khiến cho chỉ còn một cách để né được thuế: Sản xuất ngay tại nước Mỹ. Đó chính là ý đồ của thuế quan này – một dạng tường lửa toàn cầu – được Trump dựng lên để buộc các công ty không còn đường lui.
Có nhiều người vẫn giữ quan điểm rằng vị Tổng thống Mỹ đang “giơ cao đánh khẽ”, rằng việc ông đưa ra mức thuế cao chỉ nhằm tạo áp lực đàm phán, buộc các quốc gia nhượng bộ thêm trong các hiệp định thương mại song phương.
Quả thực, ông Trump là bậc thầy đàm phán, và việc ông sử dụng thuế quan như đòn bẩy chiến lược là điều không mới.
Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn vào hành động và tư duy nhất quán của ông kể từ năm 2016, có thể thấy đây không chỉ là chiêu trò chính trị.
Đương kim Tổng thống Mỹ thực sự muốn tái thiết nền sản xuất của quốc gia này, và ông tin rằng phải làm quyết liệt – bằng các công cụ thực tế – để buộc dòng vốn và dây chuyền sản xuất quay trở lại. Có thể ý đồ của ông vừa mang tính thực chất, vừa chứa yếu tố đàm phán, nhưng không thể coi đó chỉ là hù dọa.
Hơn nữa, ông Trump không đơn thuần theo đuổi chiến lược vì lý do kinh tế. Đây còn là một ván cờ địa chính trị. Khi Mỹ ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nền kinh tế không thân thiện, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược như dược phẩm, bán dẫn, pin và công nghệ quốc phòng.
Trong khi đó, nước Mỹ ngày nay đã trở thành một nền kinh tế nghiêng hẳn về dịch vụ và công nghệ cao – tức là phần "mềm" của chuỗi giá trị. Việc thiếu hụt sản xuất công nghiệp vật chất khiến nước Mỹ dễ tổn thương trong trường hợp xảy ra khủng hoảng chuỗi cung ứng, chiến tranh, hay các biến động chính trị lớn. Về dài hạn, nếu không có khả năng tự cung ứng ít nhất một phần sản xuất chiến lược, Hoa Kỳ sẽ đứng trước những rủi ro nghiêm trọng về kinh tế lẫn an ninh quốc gia.
Tất nhiên, việc áp dụng chính sách thuế đối ứng như trên cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Nó có thể làm giá hàng hóa tăng lên với người tiêu dùng Mỹ, góp phần vào lạm phát, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ vốn phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu. Và không loại trừ khả năng các đối tác thương mại lớn sẽ phản ứng bằng những biện pháp đáp trả, làm căng thẳng thương mại leo thang và gây tổn thương cho cả xuất khẩu Mỹ.
Tuy vậy, đối với ông Trump, những rủi ro ấy dường như là cái giá phải trả cho một mục tiêu lớn hơn – tái thiết nền công nghiệp Mỹ và củng cố vị thế kinh tế, chính trị của nước này trong thế kỷ 21.
Với ông, đây không chỉ là cuộc chiến về thương mại, mà là trận đánh để giành lại quyền kiểm soát nền sản xuất thế giới từ tay chuỗi cung ứng toàn cầu. Thuế quan, trong tầm nhìn đó, không phải là sự bất thường, mà là vũ khí của một cuộc tái thiết toàn diện.
Nội dung liên quan
- Lãnh đạo Bộ Công thương: Chúng tôi đang thu xếp một cuộc điện đàm với Cơ quan đại diện thương mại Mỹ
- Tổng thống Trump: Muốn Mỹ giảm thuế ư, hãy cung cấp một thứ gì đó “thật sự phi thường“
- Nhà Trắng công bố danh sách hàng trăm mặt hàng không bị Mỹ áp thuế đối ứng
- Trung Quốc trả đũa thuế quan của ông Trump: Áp thuế 34% lên toàn bộ hàng hoá Mỹ