Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Thủ tướng yêu cầu trình Quốc hội chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân ngay trong kỳ họp này

05:00 08/05/2025

Tại cuộc họp với các bộ ngành chiều 7/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển kinh tế tư nhân – ngay trong Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra – để giải quyết những vấn đề cấp bách mà doanh nghiệp đang đối mặt.

Tại cuộc họp với các bộ ngành chiều 7/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển kinh tế tư nhân – ngay trong Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra – để giải quyết những vấn đề cấp bách mà doanh nghiệp đang đối mặt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68, khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, đóng vai trò tiên phong trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở này, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết Quốc hội nhằm cụ thể hóa và thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 68.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nội dung dự thảo chia thành 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp:

👉Nhóm 1: Bao gồm 10 cơ chế, chính sách mang tính cấp bách, chưa được thể chế hoặc cần bổ sung gấp, thuộc thẩm quyền Quốc hội nhưng không nằm trong phạm vi điều chỉnh của các luật đang được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9. Bộ Tài chính đề xuất xây dựng thành một Nghị quyết riêng của Quốc hội.

👉Nhóm 2: Gồm 8 cơ chế, chính sách rõ ràng, cần thể chế hóa và thuộc phạm vi các luật đã được trình Quốc hội. Với nhóm này, các cơ quan soạn thảo được yêu cầu khẩn trương rà soát, bổ sung vào các dự thảo luật hiện hành.

👉Nhóm 3: Là các giải pháp mang tính định hướng dài hạn, cần đánh giá kỹ trước khi đề xuất sửa đổi luật. Nhóm này sẽ được đưa vào Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện theo lộ trình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần khẩn trương, hiệu quả: “Nghị quyết cần chọn cách tiếp cận phù hợp, khả thi, tập trung vào những nội dung doanh nghiệp và người dân đang trông đợi nhất, những điểm có thể làm ngay mà chưa cần nhiều nguồn lực”.

Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý tới các chính sách có tính chất “cú hích”, “đòn bẩy”, có tác động thực sự tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và giải phóng các nguồn lực sản xuất.

Khẳng định mục tiêu đến năm 2030 đạt 2 triệu doanh nghiệp – gấp đôi hiện tại sau gần 40 năm Đổi mới – Thủ tướng yêu cầu cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình thành lập doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp và phá sản. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ phát triển quy mô doanh nghiệp: Từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp nhỏ, từ doanh nghiệp nhỏ lên vừa và từ doanh nghiệp lớn lên tầm khu vực, quốc tế.

Nghị quyết cũng cần cụ thể hóa các quyền cốt lõi của kinh tế tư nhân như: Quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng; thúc đẩy hợp tác công tư dưới nhiều mô hình linh hoạt như: lãnh đạo công – quản trị tư, đầu tư công – quản lý tư, đầu tư tư – sử dụng công.

Về cơ chế phân cấp, Thủ tướng đề nghị mạnh dạn giao quyền cho các bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư trong việc đặt hàng các công trình, dự án – nhưng phải đảm bảo tiến độ, chất lượng, không đội vốn và phòng ngừa tiêu cực. “Cơ chế thông thoáng nhưng phải có công cụ kiểm soát hiệu quả”, Thủ tướng lưu ý.

Đặc biệt, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư và phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cụ thể hóa nguyên tắc xử lý vi phạm theo Nghị quyết 68 về "tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm".

Khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.

Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự; trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo./.