Vũ Đức 17 giờ trước
Người theo dõi

Từ Nghị quyết 68 đến kỷ nguyên mới cho hệ thống ngân hàng

Trong bối cảnh khu vực kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của bộ chính trị đang mở ra một định hướng đột phá cho hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Đặc biệt, nội dung tại mục 3.2 của nghị quyết đặt ra yêu cầu rõ ràng về việc đa dạng hóa, cải tiến các kênh và công cụ tài chính nhằm hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp tư nhân – từ tín dụng truyền thống đến các hình thức hiện đại như cho vay ngang hàng, huy động cộng đồng và phát triển tín dụng xanh.

Người viết từng nhiều lần đặt câu hỏi với lãnh đạo cao cấp của các ngân hàng thương mại (trong đó có cả chủ bank): Phải chăng các ngân hàng Việt Nam vẫn đang hoạt động với mô hình “cầm đồ”, khi quá trình xét duyệt, cấp tín dụng vẫn đặt nặng vào tài sản bảo đảm, hơn là triển vọng kinh doanh của dự án (?). Đáng lưu tâm hơn, tài sản bảo đảm này chủ yếu lại là bất động sản – một thực tế góp phần khiến thị trường bất động sản bị méo mó, giá đất, giá nhà tăng lệch khỏi giá trị thực.

Người được hỏi không ai phủ nhận. Hóa ra họ có nhu cầu đổi mới. Quán tính cũ là vấn đề và thêm nhiều trở lực khác nữa. Cơ chế là yếu tố tiên quyết.

Tín dụng là lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro cao. Ngân hàng cần sự bảo đảm. Tài sản cần bảo toàn. Họ - nhóm chủ, lãnh đạo - càng cần sự an toàn!

Cầm tài sản - nhất là bất động sản, cuối cùng, lại vẫn được xem là phương án khả dĩ nhất.

Nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nhà khởi nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp sản xuất, thì đào đâu ra đất, ra nhà, ra tài sản bảo đảm đủ nhiều kiểu ấy...

Xã hội thì vẫn chuộng tư duy "chả gì bằng đất". Và thực tiễn cũng đang minh chứng cho niềm tin ấy, bất chấp đâu đó vẫn phát đi lời cảnh báo "không bền vững"...

Từ tài sản bảo đảm sang giá trị tương lai

Nghị quyết 68 đã đưa ra tín hiệu rõ ràng: Hệ thống tài chính cần đổi mới để phục vụ hiệu quả hơn cho khu vực tư nhân.

Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải nâng cấp năng lực thẩm định, dám chuyển dịch sang mô hình đánh giá tín dụng dựa trên hiệu quả kinh doanh, dòng tiền, mô hình kinh doanh và khả năng tạo giá trị trong tương lai – thay vì chỉ nhìn vào bất động sản thế chấp.

Đây không chỉ là một thay đổi nghiệp vụ – đó là sự chuyển đổi tư duy.

Các ngân hàng cần đầu tư mạnh mẽ vào năng lực phân tích tài chính, công nghệ đánh giá tín dụng tự động và mở rộng hợp tác với các đơn vị bảo lãnh tín dụng, bảo hiểm tín dụng – để vừa tăng khả năng tài trợ, vừa giảm rủi ro.

Hệ thống ngân hàng trong vai trò “kiến tạo” thay vì “canh gác”

Sự phát triển của tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vốn và các nền tảng tài chính công nghệ là xu thế không thể đảo ngược.

Nếu ngân hàng vẫn cố thủ trong mô hình cũ – chỉ giữ vai trò “người giữ khoá” an toàn – thì chính họ sẽ bị bỏ lại phía sau trong hành trình phát triển tài chính hiện đại.

Nghị quyết 68 chính là lời khẳng định từ cấp cao nhất của chế độ về vai trò kiến tạo của hệ thống tài chính.

Không chỉ ngân hàng, mà cả cơ quan quản lý nhà nước cũng cần mạnh dạn sửa đổi quy định, cho phép những thử nghiệm tài chính có kiểm soát, mở rộng không gian tín dụng cho các mô hình kinh doanh đổi mới – điều mà hệ thống tài chính hiện tại vẫn còn dè dặt.

Từ bảo thủ sang bản lĩnh

Để thay đổi mô hình, các ngân hàng Việt Nam cần bản lĩnh, cần dữ liệu, và cần sự đồng hành từ nhà nước.

Bản lĩnh để tin vào tiềm năng tăng trưởng hơn là giá trị tài sản, dữ liệu để lượng hoá rủi ro tín dụng theo hướng hiện đại, và chính sách để bảo vệ họ khi thực hiện những quyết định cấp vốn vượt khỏi khung tư duy truyền thống.

Sự chuyển mình của hệ thống ngân hàng – từ "giữ tiền" sang "kiến tạo giá trị" – sẽ là yếu tố then chốt để khu vực kinh tế tư nhân bứt phá.

Nghị quyết 68 là lời hiệu triệu. Vấn đề còn lại là hành động.

Mở rộng kênh vốn: Từ trái phiếu đến chứng khoán hóa – cơ hội bứt phá

Cũng trong Nghị quyết 68, một loạt định hướng mang tính chiến lược được nêu rõ: khẩn trương nâng hạng, tái cơ cấu thị trường chứng khoán, phát triển thị trường bảo hiểm, hoàn thiện quy định về trái phiếu doanh nghiệp và đặc biệt, nghiên cứu xây dựng khung pháp lý cho chứng khoán hóa các khoản nợ.

Đây là những công cụ tài chính cấp thiết để doanh nghiệp tư nhân – nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa – có thêm lựa chọn tiếp cận vốn dài hạn, ổn định, với chi phí thấp hơn so với vay ngân hàng truyền thống. Việc phát triển thị trường trái phiếu minh bạch, kiểm soát tốt rủi ro phát hành riêng lẻ và thúc đẩy chứng khoán hóa khoản vay sẽ giúp ngân hàng “xoay vòng” vốn hiệu quả, đồng thời giảm áp lực tín dụng trực tiếp.

Trong tương lai, khi các ngân hàng có thể bán lại các khoản nợ chất lượng (ví dụ: khoản vay doanh nghiệp SME có dòng tiền ổn định) dưới dạng chứng khoán ra thị trường, họ sẽ giải phóng được nguồn lực và tăng khả năng tài trợ cho các dự án mới.

Đây chính là bước đi để hệ thống ngân hàng thoát hẳn khỏi mô hình "giữ vốn chặt" và tham gia sâu hơn vào thị trường tài chính hiện đại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Chia sẻ
Báo cáo
Vũ Đức Người dùng
Vĩ mô Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên